Tăng áp lực chống tham nhũng
Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cho biết sẽ lập 7 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc phát hiện, thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, công tác điều tra các vụ án tham nhũng trên toàn quốc
Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cho biết sẽ lập 7 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc phát hiện, thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, công tác điều tra các vụ án tham nhũng trên toàn quốc.
Cùng thời gian này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đang tiến hành giám sát việc “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ” ở các bộ, ngành địa phương.
Đây được cho là quyết tâm mới trong việc làm tăng áp lực chống tham nhũng lên các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời lấy lại niềm tin của người dân vào các lực lượng phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo khảo sát toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế (khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng), 55% người dân VN cảm nhận tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, cao hơn mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có 18% cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% nhìn nhận mức độ tham nhũng không thay đổi. Trong khi đó, lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền lại giảm sút đáng kể. Nếu như trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010, chỉ có 35% người dân đô thị được hỏi tại 5 thành phố lớn cho rằng các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền không hiệu quả, thì con số này đã tăng lên 60% vào năm 2013.
Quả thật, không giống như một vụ tấn công người, có thể nhanh chóng tìm ra thủ phạm, tham nhũng là tội khó bị phát hiện. Đơn giản nhất, khi hối lộ, cả người đưa lẫn người nhận đều không dại gì đi tố cáo, mà vụ việc thường do người thứ 3 tố cáo. Thậm chí, người tố cáo thường cũng không biết đó là tham nhũng, mà chỉ thấy có dấu hiệu không bình thường ở đơn vị, cá nhân nào đó, từ điều tra những dấu hiệu này, mới phát hiện hành vi tham nhũng.
Nhưng công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng được cho rằng còn nhiều hạn chế. Nổi bật nhất là tình trạng “to như con voi lúc đầu và bé như con chuột lúc kết thúc”. Chưa hết, dù coi tham nhũng là nghiêm trọng, tội phạm tham nhũng là nguy hiểm nhưng chế tài lại quá nhẹ. Hiện luật pháp không có quy định về tịch thu toàn bộ gia sản đối với tội tham nhũng, nên hình phạt vài năm tù (thậm chí được xử án treo, hoặc dễ dàng được giảm án) sẽ chẳng nhằm nhò gì với khối tài sản lớn mà tội phạm tham nhũng có được.
Để xóa đi sự hoài nghi của người dân về quyết tâm chống tham nhũng, cần bắt đầu từ những việc cụ thể, có thể tạo thay đổi nhìn thấy được. Chẳng hạn như: tập trung vào chấn chỉnh ở những ngành, lĩnh vực mà người dân có thể gặp hiện tượng tham nhũng nhiều nhất, để bảo đảm rằng họ được tiếp cận dịch vụ một cách kịp thời mà không phải đưa hối lộ; cho thấy kết quả cụ thể của tố cáo tham nhũng bằng cách tăng cường hiệu quả các kênh giải quyết khiếu nại, tố cáo chính thức; có hình phạt thích đáng với kẻ tham nhũng để chứng tỏ nỗ lực chống tham nhũng của nhà nước…
An Nguyên