28/12/2024

Xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình

Tại hội thảo “Vai trò của các cơ quan nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng – Thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ tổ chức hôm qua 9.7, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết bình quân mỗi năm cơ quan chức năng khởi tố 282 vụ/600 bị can về tham nhũng.

 

Xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình

Tại hội thảo “Vai trò của các cơ quan nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng – Thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ tổ chức hôm qua 9.7, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết bình quân mỗi năm cơ quan chức năng khởi tố 282 vụ/600 bị can về tham nhũng.

“Tự phát hiện… còn rất hạn chế”

Riêng trong năm 2012, ngành thanh tra phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là trên 104 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.

 Tham nhũng
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử về tham nhũng đất đai ở H.Hóc Môn (TP.HCM) – Ảnh: Diệp Đức Minh

Tuy nhiên, ông Tranh nhìn nhận phòng, chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, việc thông tin chưa đầy đủ, kịp thời đã gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Công tác phòng chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ 1, Ban Nội chính T.Ư, qua nghiên cứu 30 vụ việc, vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng có liên quan đến hoạt động tại 15 ngân hàng trong thời gian qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 117 bị can, trong đó có 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm tỷ lệ 69,2%), số còn lại là các đối tượng ngoài ngành ngân hàng đã thông đồng người của ngân hàng phạm tội về tham nhũng. Tổng số tiền thiệt hại (con số ước tính ban đầu, do nhiều vụ án đang trong giai đoạn điều tra) là 11.565 tỉ đồng, 8.000 USD và 3.370 lượng vàng. Trong tổng số thiệt hại nêu trên, số tiền vi phạm thu hồi được chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Báo cáo của ông Bình cũng xác định, hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN chưa đáp ứng yêu cầu. Qua theo dõi việc xử lý án tham nhũng trong thời gian qua cho thấy chỉ có 1 vụ do Thanh tra Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN phát hiện, 1 vụ do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an phát hiện. Cơ quan Thanh tra giám sát – NHNN không phát hiện vụ việc nào để chuyển cơ quan điều tra. Từ 2007 đến 2011, Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện và thanh tra vụ, việc tham nhũng nào có liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cảm nhận tham nhũng đang tăng

Chiều cùng ngày tại Hà Nội, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố kết quả khảo sát “Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8”. Khảo sát được thực hiện đối với hơn 114.000 người tại 107 nước trên thế giới về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. 

Tại VN, cuộc khảo sát đã phỏng vấn trực tiếp 1.000 người được lựa chọn ngẫu nhiêu tại các vùng thành thị và nông thôn thuộc 15 tỉnh, thành từ tháng 9.2012 đến tháng 3.2013. Kết quả cụ thể cho biết, 55% người dân VN được hỏi cảm nhận tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, kết quả này cao hơn mức trung bình là 48% ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có 18% cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% cho rằng tham nhũng không thay đổi.

 Trong 13 lĩnh vực được khảo sát thì hoạt động của một số ngành chức năng và lĩnh vực đất đai được cho là bị ảnh hưởng lớn bởi nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, người được khảo sát cũng tỏ ra ít tự tin hơn về vai trò của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chỉ có 38% số người VN được hỏi cho rằng sẵn sàng tố cáo tham nhũng, thấp hơn rất nhiều mức bình quân 6 nước ở Đông Nam Á là 63%. Trong đó, tỷ lệ này ở Malaysia là 79%, Indonesia là 49%…

TI cũng đã gửi kết quả và các khuyến nghị tới một số cơ quan phòng chống tham nhũng VN, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp như các cơ quan phòng chống tham nhũng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà người dân hay gặp hiện tượng tham nhũng; có biện pháp xử lý kịp thời và thích đáng với những kẻ tham nhũng, tạo niềm tin cho người dân vào nỗ lực chống tham nhũng của nhà nước.

 

Tham nhũng ngày càng phức tạp

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực nhưng kết quả phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn và đã khiến người dân có cái nhìn bi quan. Điều này không chỉ thể hiện qua kết quả cuộc khảo sát mà tại nhiều cuộc họp các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng cho rằng tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp.

 

Thái Sơn