Niềm hy vọng của cha
Trong dòng người chen chúc trước cổng điểm thi Trường Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, ngày 4-7 xuất hiện bóng dáng một thí sinh dáng đi xiêu vẹo nhưng nhanh nhẹn.
Niềm hy vọng của cha
Nay Đroeng tại nhà trọ ở Quy Nhơn chuẩn bị đến trường thi sáng 4-7 – Ảnh: Tr.Đăng
Đó là Nay Đroeng, dân tộc Gia Rai (ở làng Jia, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Do bị ảnh hưởng chất độc da cam nên khi sinh ra Nay Đroeng đã không có bàn tay, bàn chân.
Nay Đroeng đã 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông trong nỗi nhọc nhằn của hành trình vượt lên số phận ngặt nghèo. Giờ đây, phía trước là mơ ước cổng trường đại học – một hành trình nhọc nhằn hơn nhưng sẽ thú vị hơn.
“Em thích trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin, khổ mấy cũng cố, sau này ít ra cũng được về buôn làng dạy vi tính cho trẻ em ở Krông Năng” – Nay Đroeng nhoẻn cười, đầy tự tin. Sáu năm trước, vẫn nụ cười đầy tự tin như thế, Nay Đroeng là một trong 250 học sinh là con em các gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam nhận học bổng “Vươn lên” của báo Tuổi Trẻ.
Hồi nhỏ cha Nay Đroeng cõng em đến trường làng trước giờ lên rẫy. Lớn lên một chút em tự đến trường, quăng mình trên quãng đường lầy lội như con sâu đo. Bà con dân làng không ai tin Nay Đroeng có thể đến trường. Thế rồi những lần nhìn thấy đứa em của mình viết chữ, Đroeng mượn bút của em kẹp vào cùi tay và viết, sau đó là vẽ cảnh buôn làng, vẽ nhà rông, ai cũng khen đẹp. Thương con, ông Ksor Dyoang – cha Đroeng gạt nước mắt, cõng con đến trường xin cô giáo: “Nó thích chữ, xin cô cho nó học, biết được chữ nào hay chữ đó”.
Và một hành trình vượt lên số phận kỳ diệu suốt thời phổ thông của Nay Đroeng đã trôi qua. Bây giờ em đang bắt đầu một hành trình mới. Buổi sáng 4-7, Nay Đroeng bước vào phòng thi, phía trước cổng trường thi vẫn là hình ảnh là người cha tuyệt vời của em – ông Ksor Dyoang, lặng lẽ ngồi chờ con, lặng lẽ với nụ cười hi vọng.
TRƯỜNG ĐĂNG
Hết lòng vì con Thí sinh Lê Thị Thanh, thi tại phòng A.51 điểm thi của ĐH Đà Lạt. Thí sinh này quên máy tính và phụ huynh phải quay về nhà lấy mang vào. Nhưng khi phụ huynh thí sinh này đưa máy tính cho nhân viên phục vụ hội đồng thi để nhờ đưa vào thì có chuông báo hiệu phát đề và bắt đầu làm bài. Khi giám thị thông báo về trường hợp này thì chủ tịch hội đồng thi Nguyễn Đức Hòa (hiệu trưởng ĐH Đà Lạt) đã thảo luận nhanh với hội đồng thi và đồng ý chuyển máy tính vào phòng thi sau khi bộ phận phụ trách an ninh đã kiểm tra bên trong và bên ngoài máy tính. Ông Hòa cho biết: “Đây là trường hợp hi hữu, nếu áp dụng một cách cứng nhắc theo quy chế thì máy tính này không được đưa vào, nhưng trong trường hợp này có thể linh động phối hợp bộ phận an ninh để giải quyết cho thí sinh. Tuy nhiên nếu trễ hơn vài phút nữa thì không thể linh động”. Mai Vinh |