24/11/2024

Tình cha con

Nhìn bố thở khó khăn, mệt mỏi hết tựa đầu bên này lại tựa bên kia của vành móng ngựa, anh Phạm Văn Thắng bảo: “Muốn khóc quá mà không khóc được”. Anh có trách bố không, bố không nuôi anh mà giờ anh còn phải kiếm tiền bồi thường thiệt hại thay? Trước câu hỏi ấy, anh Thắng lắc đầu nhẹ bẫng: “Thôi thì cũng là chuyện phận người!”. Dù chưa một ngày được bố chăm sóc, nhưng anh đang tìm mọi cách để cứu bố thoát khỏi án tử hình.

Tình cha con

“Chị ơi, có cách nào cứu được bố tôi thoát khỏi án tử hình không chị? Có xin Chủ tịch nước được không? Tôi đi hỏi nhiều chỗ, người ta cứ bảo 50-50. Luật sư bảo bố tôi muốn kháng cáo thì phải có tình tiết giảm nhẹ mới nhưng giờ bố tôi không có tình tiết nào mới cả”.

Bị cáo mệt mỏi ở phiên tòa -  Ảnh: T.L.  

Đó là cuộc điện thoại của anh Phạm Văn Thắng (33 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gọi cho tôi vào lúc nửa đêm, khiến tôi trăn trở. Anh là con trai của bị cáo Phạm Văn Trịnh – người bị bắt sau 21 năm lẩn trốn vì tội giết người và vừa bị TAND TP Hà Nội kết án tử hình. Giờ đây, con trai ông Trịnh – người chưa một ngày được bố chăm sóc – đang tìm mọi cách để cứu bố thoát khỏi án tử hình.

Quẩn quanh với nỗi thù tức

Phiên tòa xét xử Phạm Văn Trịnh diễn ra vào một ngày giữa tháng 5. Đứng trước vành móng ngựa là một bị cáo 62 tuổi, già nua, khắc khổ. Mọi cơ mặt trên khuôn mặt ông chảy sệ xuống, các nếp nhăn hằn sâu. 21 năm trước, bị cáo là kẻ thủ ác cướp đi sinh mạng của một người cùng làng rồi bỏ trốn biệt tăm vào miền Nam. Bây giờ, sau 21 năm, khi bố ông vì quá già nua đợi con trở về không được mà qua đời, khi người hàng xóm đưa tiền cho ông đi trốn cũng chết vì bạo bệnh, khi các con ông đều đã lớn khôn thì cũng là lúc ông phải đối diện với tội lỗi do chính mình gây ra.

Bị cáo thừa nhận thời thanh niên trai trẻ mình là kẻ ham chơi bời lêu lổng. Năm 1980, trong một lần gây rối trật tự công cộng rồi bỏ chạy, Phạm Văn Trịnh bị anh Trần Văn Quỹ (xã đội phó xã Đông Phương, huyện Chương Mỹ) đuổi theo và bắn vào chân làm gót chân Trịnh chảy máu. Năm 1981, chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình cũ (nay thuộc TP Hà Nội) ký quyết định đưa Trịnh đi tập trung cải tạo ba năm. Trịnh luôn nghĩ do anh Quỹ báo cáo lên cấp trên nên Trịnh phải đi cải tạo, từ đó sinh lòng thù tức.

Trịnh cứ quẩn quanh với nỗi thù tức, cuộc đời Trịnh không có lối thoát cũng bởi cái nỗi thù tức ấy. Lòng thù tức đeo đẳng Trịnh 10 năm ròng rã. Cho đến ngày 17-9-1991, Trịnh đi sửa xe đạp thì gặp anh Trần Văn Quỹ. Trịnh nói với anh Quỹ: “Mày còn nợ tao, trước mày làm xã đội phó mày bắn tao, bắt tao đi tập trung cải tạo”. Anh Quỹ bảo việc này là việc chính quyền, không phải việc cá nhân, rốt cuộc hai người lời qua tiếng lại. Trịnh vào quán lấy một con dao đâm thẳng vào ngực trái anh Quỹ. Anh Quỹ chỉ kịp kêu lên “Trịnh ơi, mày đâm tao à?”. Trịnh lại đâm thêm một nhát nữa rồi rút dao bỏ trốn.

Anh Quỹ chết. Trịnh đón xe vào tỉnh Quảng Nam làm thuê kiếm sống. Với cái tên mới là Nguyễn Văn Thành, quê ở Lương Sơn, Hòa Bình, Trịnh cưới vợ rồi sinh con. Trịnh quên mất hai người vợ và bốn đứa con ở quê nhà. Mãi đến năm 2012, Phạm Văn Trịnh mới bị bắt theo lệnh truy nã.

21 năm, bị cáo không còn là một thanh niên bồng bột, ăn chơi lêu lổng nữa. Thời gian với cuộc sống khó khăn, chui nhủi biến bị cáo thành một ông già gầy guộc, ốm yếu và có phần đáng thương khi đứng liêu xiêu trước vành móng ngựa.

Tòa hỏi:

– Tại sao bị cáo không ra đầu thú?

Bị cáo:

– Vì bị cáo hai lần đi cải tạo rồi nên sợ quá! Nếu ra đầu thú thì bị cáo chỉ có nước chết trong tù.

– Tại sao lại chết trong tù? – tòa hỏi.

– Vì bị cáo biết tội của bị cáo không thể tha thứ.

Trịnh nói trước tòa rằng 10 năm sống ở Quảng Nam rồi sau đó chuyển vào Bình Phước là những năm mà bị cáo luôn cảm thấy day dứt và lo sợ bị bắt. Càng lo sợ, bị cáo lại nghĩ mình phải trốn thật sâu. “Bị cáo rất hối hận vì việc làm của mình. Đó là việc làm ngu xuẩn, không lường trước được hậu quả, làm cho hai gia đình tan nát, con mất cha, vợ mất chồng” – bị cáo nói.

Tòa bảo bị cáo quay lại xem có người thân của bị cáo đến dự phiên tòa không. Bị cáo khó nhọc quay xuống dưới, ánh mắt trở nên rạng rỡ khi thấy vợ và hai con ngồi ngay hàng ghế đầu tiên.

“Tôi không nuôi nổi con tôi”

Trịnh có đến ba vợ với năm người con. Đến tòa ngày hôm ấy là người vợ thứ hai cùng con trai và vợ chồng con trai của người vợ đầu tiên. Khi gia đình bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường 80 triệu đồng, bị cáo bảo không có khả năng bồi thường. Luật sư hỏi bị cáo: “Có con trai bị cáo ở đây, bị cáo có muốn hỏi con xem con có thể thay cha bồi thường được không?”. Bị cáo liền bảo: “Tôi chỉ biết đẻ con chứ không nuôi. Nó ở với ông bà nội từ nhỏ, tôi không nuôi nó được ngày nào”.

Luật sư hỏi con trai bị cáo có thể thay cha bồi thường được không? Một thoáng ngỡ ngàng, người con trai nói hiện bây giờ không chuẩn bị kịp, nhưng nếu để từ từ anh tính thì có thể gom góp được. Trước khi phiên tòa diễn ra, anh đã có đơn gửi tòa án xin tha tội cho bố vì gia đình khó khăn, không có tiền bồi thường.

Người vợ thứ hai của bị cáo ngồi đờ đẫn trên ghế dự khán. Cách đây 21 năm, khi bà và chồng đang đi gặt lúa thì xe đạp bị hỏng. Trịnh bảo đi sửa xe để về chở lúa cho bà. Trịnh đi rồi gây án và bỏ trốn không trở về, bà cứ ở cánh đồng chờ chồng giữa buổi trưa nắng gắt, cho đến khi người làng chạy ra bảo “Trịnh giết người bỏ trốn rồi” bà vẫn không tin đó là sự thật. Từ buổi trưa hôm ấy, hôm nay bà mới gặp lại chồng trước vành móng ngựa.

“Tôi với ông ấy sống với nhau có được bao nhiêu năm đâu. Ông ấy bỏ người vợ đầu, đến năm 1985 mới cưới tôi mà cũng chẳng có đăng ký, ở với nhau được sáu năm thì ông gây chuyện rồi trốn vào Nam biệt tích. Ông đi từ khi đứa con đầu 3 tuổi, đứa thứ hai mới 16 tháng tuổi. Giờ con lớn hết rồi!” – bà vợ thứ hai kể trong giờ nghị án. Được tòa cho phép, bà rón rén lại gần bị cáo đang gục đầu mệt mỏi trên vành móng ngựa. “Ông ơi, ông có ăn được không?” – bà hỏi. Bị cáo nghe tiếng vợ liền ngẩng đầu lên, nước mắt cứ chực trào.

“Thôi thì cũng là chuyện phận người”

Nhìn bố thở khó khăn, mệt mỏi hết tựa đầu bên này lại tựa bên kia của vành móng ngựa, anh Phạm Văn Thắng bảo: “Muốn khóc quá mà không khóc được”. Anh có trách bố không, bố không nuôi anh mà giờ anh còn phải kiếm tiền bồi thường thiệt hại thay? Trước câu hỏi ấy, anh Thắng lắc đầu nhẹ bẫng: “Thôi thì cũng là chuyện phận người!”.

Thắng 1 tuổi thì bố anh phải đi cải tạo. Ông đi ba năm thì được về. Về được vài năm ông lại bị bắt đi cải tạo lần nữa. Thế nên ký ức của anh Thắng về bố chỉ là những ngày theo mẹ lên trại cải tạo thăm bố. Bị cáo nhiều vợ lắm con nên không thể lo được cho người nào. Anh em anh Thắng đều phải nghỉ học sớm, khổ nghèo như nhau, quanh năm bám mặt bên mấy sào ruộng.

Quá khứ xấu, bị bắt vì lệnh truy nã, bị cáo phải lãnh án tử hình. Tan phiên tòa, vợ bị cáo gọi con đi thật nhanh theo xe tù để đưa bánh chưng và nước ngọt cho bố. Khi ra đến tòa, người thân của bị hại đứng chờ sẵn ở cổng tòa rất đông. Thấy bị cáo ra, họ đòi mạng sống, họ chửi bị cáo “sống chui sống lủi không bằng con chó”. Nhưng bị cáo dường như không còn đủ sức để nghe những lời chửi bới ấy nữa. Tuổi già, những năm tháng sống ngoài vòng pháp luật với sự ray rứt gần như vắt kiệt sức lực của ông.

Sau phiên tòa ấy, anh Thắng vào trại giam số 1 (Hà Nội) thăm bố ba lần nhưng chỉ được gặp mặt bố một lần, hai lần còn lại anh phải gửi quà vì không đúng ngày thăm nuôi. “Những lần vào thăm, ông cứ nói thôi tội bố làm bố chịu, hãy để mặc số phận, con cứ đảm bảo hạnh phúc của con. Ông nói thế nhưng mình là bậc con thì bỏ mặc làm sao được” – anh Thắng nói. Anh bảo đã qua nhà bị hại xin bồi thường để giảm án cho bố nhưng gia đình bị hại bảo không cần tiền. “Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, vắng bố thời trai trẻ nhất, cuộc đời mình khổ mãi quen rồi. Thương bố đấy nhưng biết làm thế nào. Mình không khóc, không ôm bố được. Thương thì chỉ để trong lòng thôi!” – anh ngậm ngùi.

TÂM LỤA