Uống sữa đắt tiền sẽ thông minh?

Với hi vọng con trẻ sẽ thông minh và học giỏi, nhiều bà mẹ trẻ không tiếc tiền tìm mua cho con những loại sữa đắt tiền, đặc biệt là một số loại sữa xách tay và “không đụng hàng” từ nước ngoài.

Uống sữa đắt tiền sẽ thông minh?

Với hi vọng con trẻ sẽ thông minh và học giỏi, nhiều bà mẹ trẻ không tiếc tiền tìm mua cho con những loại sữa đắt tiền, đặc biệt là một số loại sữa xách tay và “không đụng hàng” từ nước ngoài.

 Liệu những loại sữa này có giúp trẻ thông minh hơn?

 

 

Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng khi chọn sữa cho con, tiêu chí đầu tiên phải là các thành phần cơ bản trong sữa và cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn cụ thể, tiếp đến là các vấn đề về giá cả, uy tín nhà sản xuất…

Giá cao, dinh dưỡng lại thấp!

Sinh con đầu lòng, sau bốn tháng phải đi làm và sữa mẹ cạn dần, xót con, chị Nguyễn Thanh Thảo, ngụ đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, dồn hết sức mua cho con loại sữa tốt nhất, những mong con sẽ có sức đề kháng tốt, phát triển khỏe mạnh, thông minh. “Có những đêm tôi thức đến 2g sáng để nghiên cứu xem cho con dùng sữa nào là phù hợp nhất. Có quá nhiều loại sữa để lựa chọn thành ra bị rối. Lên các diễn đàn đọc kinh nghiệm thấy các bà mẹ thường đánh giá cao sữa nhập khẩu nên cũng học theo” – chị Thảo chia sẻ. Và chị Thảo đã mua một loại sữa được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Giá sản phẩm gần 500.000 đồng/hộp 450 gam.

“Cho con ăn được ba hộp thấy bé tương đối hợp nên tôi mua luôn 10 hộp. Tổng cộng khoảng 6,4 triệu đồng tiền sữa. Mới đây, nhiều loại sữa có vấn đề về chất lượng bị phanh phui, tôi tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm đã mua, đem đi so sánh với nhãn hàng khác thấy thành phần dinh dưỡng không phong phú bằng. Thậm chí nhìn lại bảng thành phần không thấy có các dưỡng chất như DHA, ARA, taurine, choline, chất xơ hòa tan…  Tôi đành phải bỏ” – chị Thảo tỏ ra hối hận.

 

Cẩn trọng với nhãn hiệu sữa lạ

Các nhãn hiệu sữa ngoại nhập xuất hiện ngày càng nhiều ở VN. Ngoài nhãn hiệu của các doanh nghiệp có tên tuổi như: Abbott, Nestlé, Mead Johnson…, nhiều loại sữa nhập khẩu là những cái tên lạ hoắc. Sản phẩm chỉ có ở thị trường VN.

Tuy nhiên, với “mác” hàng ngoại nên giá bán được đẩy lên cao chót vót. Một sản phẩm của US Milk là sữa US Milk Anox giới thiệu là dòng Organic có cửa hàng bán giá 724.000 đồng/hộp 900 gam. Nhưng thực tế giá doanh nghiệp nhập khẩu về chỉ 6,8 USD/hộp 900 gam, tương đương 142.000 đồng/hộp. Cộng với các khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng chỉ khoảng 172.000 đồng/hộp, chênh lệch tới 552.000 đồng/hộp so với giá bán lẻ. Tương tự, thực phẩm công thức dinh dưỡng cho trẻ từ 1-3 tuổi US Milk Mind Pro giá nhập chỉ khoảng 121.000 đồng/hộp 900 gam nhưng giá bán lẻ lại lên đến 596.000 đồng.

 

Tương tự, chị Hoàng Hoa, ngụ đường Trường Chinh, Q.12, TP.HCM, cho biết do phải nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột từ nhỏ nên cũng có tâm lý muốn tìm loại sữa “xịn”, tốt nhất cho con. Chị Hoa mua một loại sữa dê nhãn hiệu D được quảng cáo nhập khẩu nguyên lon từ Pháp. Giá bán tới 400.000 đồng/hộp 400 gam. Giá này gần như đắt gấp đôi một số nhãn hiệu sữa bò sản xuất trong nước như: Dielac Optimum (khoảng 350.000 đồng/hộp 900 gam) hay Friso (370.000-490.000 đồng/hộp 900 gam)…

Tuy nhiên, sau khi Hãng sữa D bị nhiều người tiêu dùng không tin tưởng chất lượng, mặc dù doanh nghiệp đã công bố các bản kiểm nghiệm, chị Hoa vẫn tự tay mang một sản phẩm đến Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) để kiểm nghiệm.

“Kết quả lại khác hoàn toàn với những bản công bố trước đó của nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cả Bộ Y tế. Độ đạm trong sữa thấp hơn so với mức công bố trên nhãn. Hàm lượng canxi chỉ 393mg/100 gam bột sữa, trong khi nhà sản xuất công bố tới 590mg/100 gam. Kết quả kiểm nghiệm mỗi lần lại khác nhau cho thấy thành phần dinh dưỡng trong sữa không ổn định. Như vậy làm sao khẳng định sữa tốt được?” – chị Hoa bức xúc. Chưa kể nếu so sánh với những nhãn hiệu sữa khác, mức canxi công bố trên nhãn của loại sữa cũng không phải cao vượt trội, thậm chí còn thấp hơn một số loại sữa có giá trung bình trên thị trường từ 350.000-450.000 đồng/hộp 900 gam, hàm lượng canxi 600-750mg/100 gam bột sữa.

Chị Bùi Thanh Huyền (ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết trong vòng chín tháng đã đổi tới ba loại sữa cho con, lần lượt là sữa nhập khẩu từ Mỹ, rồi đến sữa xách tay của Nhật và hiện đang dùng loại sữa sản xuất trong nước tiết kiệm hơn rất nhiều so với hai loại nhập khẩu trước đó.

Dinh dưỡng thiết yếu quyết định chất lượng

Không phủ nhận một số loại sữa giá cao trên thị trường hiện nay là những loại sữa được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá tốt, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng sữa giá cao không hẳn là sữa “xịn” và giá cả không phải là tiêu chí đánh giá chất lượng sữa. Theo đó, khi mua sữa cho con, quan trọng nhất phải nghiên cứu các thành phần dinh dưỡng thiết yếu trong sữa.

Một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng từng làm việc ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) cho biết rất nhiều hãng sữa lớn bán giá cao ngất ngưởng. Trong đó, họ quảng cáo những dưỡng chất như DHA, ARA… để làm lợi thế cạnh tranh với hãng khác và bán giá cao. Nhưng những dưỡng chất này chỉ là bổ sung. Chất dinh dưỡng thiết yếu mới thật sự quan trọng và là tiêu chí để đánh giá chất lượng sữa tốt hay không. Theo đó, người tiêu dùng khi chọn mua sữa nên quan tâm các nhóm thành phần dinh dưỡng thiết yếu gồm: đạm whey, hàm lượng carbohydrate, hàm lượng lipid, nhóm vitamin và khoáng chất, trong đó có canxi, kẽm, sắt, vitamin A, B, C, D…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, về cơ bản thành phần dinh dưỡng trên các sản phẩm sữa không có sự khác biệt quá lớn. Có chăng chỉ là các dưỡng chất bổ sung. Trong khi các thành phần dinh dưỡng cơ bản mới thật sự quan trọng tới sự phát triển của trẻ. Các bác sĩ tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho rằng khi chọn sữa nên lựa dựa trên những dưỡng chất cơ bản như: đạm, canxi, chất béo, năng lượng… Nhóm dưỡng chất này phải nằm trong tiêu chuẩn cho phép của TCVN.

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng điều quan trọng khi chọn sữa là dựa trên dưỡng chất cơ bản. Trẻ chỉ phát triển và thông minh, nhanh nhẹn khi được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của từng giai đoạn phát triển. Khi chọn sữa, người mua phải nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, chọn theo uy tín nhà sản xuất, giá cả hợp túi tiền…

“Cái khác lớn nhất là giá sữa ngoại luôn cao hơn sữa nội. Giá đắt vì chi phí vận chuyển từ nước ngoài về VN, cộng với chi phí qua các khâu nhập khẩu, phân phối, thuế nhập khẩu và chi phí quảng cáo” – một chuyên gia dinh dưỡng nói. Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, khẳng định nhiều loại sữa, gọi đúng tên theo quy định là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung, có nguồn gốc nhập khẩu bán cao hơn sữa sản xuất trong nước vì chi phí quảng cáo đội lên.

BẠCH HOÀN