Trái nổ… mùa thi
Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình đỗ đạt trong các kỳ thi nên nhiều lúc “nổ” quá xá, để rồi hối không kịp.
Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình đỗ đạt trong các kỳ thi nên nhiều lúc “nổ” quá xá, để rồi hối không kịp.
Chồng “nổ mìn”
Sinh ra, lớn lên ở quê nên chuyện học hành của anh P.H không được thuận lợi, dễ dàng như chúng bạn cùng trang lứa. Tốt nghiệp cấp 3, anh ở nhà một thời gian rồi ra phố làm công nhân xưởng cơ khí, lấy vợ, sinh con, thuê nhà sống qua ngày. Lương tháng hai vợ chồng đều làm công nhân cộng dồn trên 5 triệu. Nhờ vợ giỏi tằn tiện cũng có tháng đủ, tháng thiếu… Ngặt nỗi, ở quê vai vế của anh thuộc hàng “ăn trên ngồi trước”. Là trưởng chi tộc, nên có việc gì dù lớn, nhỏ trong quê, họ hàng bao giờ cũng ới anh trước tiên, nhất là chuyện học hành, thi cử của lớp nhỏ.
|
Trong một bữa chạp giỗ, khi đã ngà ngà, anh tâm tình: “Chi mình có 3 cái nhất: đông nhất, nghèo nhất và dốt nhứt”. Mọi người nghe vậy bàn tán ầm ĩ vì bị đụng chạm vào nỗi đau dai dẳng bấy lâu. Nhưng ngẫm lại, nhìn qua các chi, họ khác ai cũng thấy lâu nay chi của anh P.H chẳng có một mống vào cao đẳng, nói chi đến đại học. Chuyện đang cao trào, có người thông báo với anh đợt thi ni, trong chi có mấy đứa cháu ứng thí. Đang hứng, Anh P.H nổ ngay: “Rứa à, đứa nào mà đậu đại học, đại nào cũng được, công tư không phân biệt, miễn là vào đại học thì bác đây thưởng ngay 5 chai (5 triệu đồng)”.
Mọi người già, trẻ, lớn, bé nghe vậy vỗ tay rầm trời càng làm anh P.H rạng ngời niềm vui. Hôm sau tỉnh rượu, chị vợ nhắc chừng: “Ông đã hứa với ông bà, cô bác nội, ngoại thưởng tiền cho mấy đứa đậu đại học rồi đó. Mà tiền đâu ông có, bỏ quỹ đen lâu ni phải không? Nghe đến đây, anh P.H toát mồ hôi hột. Chuyện lỡ rồi, rút lại đâu kịp, mà hơn nữa anh tự an ủi: “Dễ chi có đứa nào vượt qua cửa đại học mà lo, chi tộc mình bao lâu ni vẫn mang tiếng dốt nhất mà…”.
Thấy cô gái lớn lơ là chuyện học, suốt ngày chúi đầu vào “nét”, anh T.P nhắc nhở nhiều lần, nhưng cô bé cứ lơ lơ. Một bữa có chút men trong người, anh kêu con lại hỏi han chuyện học, rồi bất ngờ phán: “Nếu con mà vô đại học, muốn gì ba cũng chiều”. Nghe vậy, cô con gái lém lỉnh: “Con đậu ba phải mua cho chiếc xe máy, cái xách tay gọn gọn và một cái iPhone 4”. Mới nghe đến đó, anh T.P đã rụt rè, nhà chỉ một mình làm chính, kéo “4 cái toa không” thường ngày đã bở hơi tai, nhưng đã lỡ “nổ” rồi thì cho nó văng mảnh luôn, chứ giữ làm gì, bèn gật đầu cái rẹt: “Tưởng đòi chi, chớ ba thứ linh tinh đó dễ ợt, hết vài chục triệu chứ mấy. Mà nè, ba nói cho biết, không đậu là mày chết với ba đó, nghe chưa!”.
Vợ nhặt mảnh
Ngày thi qua mau. Các trường rần rần công bố điểm. Nhớ lại chuyện đã nổ, hai anh P.H và T.P đứng ngồi không yên. Sáng bạn rủ cà phê cũng kiếm chuyện từ chối. Chiều đến, bạn kêu lai rai vài chai bia hai anh cũng lắc đầu, nói bận trăm công nghìn việc. Kỳ thực hai anh bứt rứt lo vì lỡ con cháu đậu đại học thì biết ăn nói ra sao, tiền đâu mà thưởng, sắm sanh. Bữa trước vợ kêu đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ ở trường mẫu giáo còn chần chừ kêu khó, huống chi phải bỏ tiền triệu trong thời điểm kinh tế khó khăn bộn bề này.
Ngày trường K. công bố điểm chuẩn, con gái anh T.P mặt mũi rạng rỡ, nói cười râm ran thông báo cho ba biết mình đậu dư cả gần chục điểm. Nghe con đậu, anh T.P mừng rơn, nhưng trong bụng thì lo thon thót, cứ y như ai đốt lửa trong người, anh lẩm bẩm: “Mày không đậu thì chết với ba. Còn mày đậu rồi thì… ba chắc chết với mày!”.
Anh P.H thì mấy ngày liền không dám mở máy điện thoại, bởi anh sợ tiếng chuông reo, nhất là các số điện thoại từ quê. Bữa đó, chị vợ vừa đi làm về, miệng mồm liếng thoắng: “Trong quê gọi anh quá trời sao anh không nghe, máy móc bỏ đâu, hay đưa cho con nào rồi?”. Anh P.H móc trong túi quần ra, rồi lí nhí: “Đây chứ đâu. Mà có chuyện chi”. Chị vợ đon đả, cười giòn: “Trong nhà cô Tư, chú Tám vừa báo hai đứa cháu của ông đậu rồi, sướng nhé. Từ nay chi tộc của ông hết mang tiếng dốt nhất còn gì”. Vừa nghe tới đó, anh P.H quay cuồng, choáng váng… Cũng may chị vợ bắt được bịnh chồng, liền can: “Có chi mà ông sợ dữ vậy, toàn con cháu cả, cứ về nói với bọn nó là bác nổ để động viên tinh thần cho tụi bây trước khi ra trận thôi”. Anh P.H dùng dằng: “Nói vậy mà được à. Người lớn đã nói đã hứa phải giữ lời. Tui là trưởng chi tộc, lớn chứ nhỏ đâu mà vác mặt về nói trống cho xong, rồi ai còn coi ra gì”.
Ngày trong quê mở tiệc mừng con cô Tư, chú Tám đậu đại học làm rạng danh chi tộc, anh P.H nôn nao cầm ly bia đi tới đi lui. Bình thường anh nói lớn, dõng dạc như ra lệnh với đám cháu, chắt. Nay thì anh từ tốn hẳn. Chị vợ nhìn chồng ỉu xìu, thấy thương cho bệnh nổ của anh, nên ra tay cứu thua, xuống bếp thì thầm, rồi dắt hai đứa cháu đến bên cạnh bác nói khẽ: “Hai cháu biết bác nổ để động viên, nên hai đứa không nhận 5 triệu của bác đâu, chỉ xin bác thưởng mỗi đứa 50.000 lấy hên là được”. Chỉ nghe đến đó, mặt anh P.H mới giãn ra, cười xòa: “Bây lấy 50.000 thì được, chứ lấy mỗi đứa 5 triệu thì bác đây… ôm bom cho rồi!”.
Giải xong trái nổ của mình, anh P.H liền a lô gọi anh T.P đi làm vài ly vì thoát hiểm, luôn tiện bày cho anh T.P chiêu nhờ “vợ nhặt mảnh”. Nghe xong, anh T.P vỗ đùi cái đét, hét lên: “Vợ ơi, cứu anh…”.