Bài đọc thêm cho học viên lớp Kitô học: NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ ĐỨC GIÊSU

Chúng tôi giới thiệu bài viết The Myths of Jesus (Những huyền thoại về Đức Giêsu) của Bart D. Ehrman, do Minh Thuỵ dịch, đã được Tuần báo Newsweek, số ra ngày 17-12-2012, đăng tải để các bạn học viên lớp Kitô học cũng như tín hữu Công giáo biết thêm về những gì người ngoài Công giáo đang nghĩ về Chúa Giêsu Kitô. Người ta có thể cho một số điều chúng ta tin tưởng là những huyền thoại và đòi hỏi phải giải trừ huyền thoại trong đời sống đức tin của người tín hữu.

  

 

Bài đọc thêm cho học viên lớp Kitô học

NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ ĐỨC GIÊSU

BART D. EHRMAN

 

LTS. Chúng tôi giới thiệu bài viết The Myths of Jesus (Những huyền thoại về Đức Giêsu) của Bart D. Ehrman, do Minh Thuỵ dịch, đã được Tuần báo Newsweek, số ra ngày 17-12-2012, đăng tải nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh để các bạn học viên lớp Kitô học cũng như tín hữu Công giáo biết thêm về những gì người ngoài Công giáo đang nghĩ về Chúa Giêsu Kitô. Người ta có thể cho một số điều chúng ta tin tưởng là những huyền thoại và đòi hỏi phải giải trừ huyền thoại trong đời sống đức tin của người tín hữu. Vì thế chúng ta càng cần phải học hỏi về Chúa Giêsu Kitô một cách tích cực hơn để có thể trả lời cho tất cả những ai đang thắc mắc về lòng tin của chúng ta vào Người. 

Một tờ giấy cói mới được phát hiện nhắc đến “vợ của Đức Giêsu” đã làm xáo động dư luận. Có thể đó chỉ là một trò “chơi khăm”, thế nhưng thật ra chúng ta có thật sự biết về cuộc đời của Đức Giêsu đúng như theo lịch sử hay không? Ngay cả các bản Phúc Âm cũng chẳng khớp với nhau nữa là!

 

Tháng Chín vừa qua, Giáo sư Karen King thuộc Đại học Havard đã tiết lộ một mẩu sách Tin Mừng vừa mới được khám phá mà bà đặt tựa là “Tin Mừng về Người Vợ của Đức Giêsu”. Dải giấy cói này đã khuấy động dư luận và khơi lại những câu hỏi liên quan đến những gì chúng ta có thể biết được về Đức Giêsu Nazareth theo phương diện lịch sử, và liệu còn có quyển sách Phúc Âm nào khác cung cấp những thông tin quý giá, ngoài bộ Tân Ước, hay không.

Dải giấy cói chỉ là một mẩu nhỏ, bằng kích cỡ của một tấm thẻ tín dụng, chữ viết được xác định là ngôn ngữ Coptic – tiếng Ai Cập cổ. Nó chứa tám hàng chữ không liền mạch, nhưng một trong tám hàng này nói tới Đức Giêsu nói về “vợ của tôi”. Những nhà lý luận theo cùng một phe “âm mưu thông đồng” mừng rỡ chộp lấy tin này như thể nó được mặc khải từ trời cao để khẳng định quan điểm của họ về tình trạng hôn nhân của Đức Giêsu theo kiểu “Mật mã Da Vinci” của nhà văn Dan Brown – một sự phỏng đoán thiếu cơ sở vững chắc. Các Kitô hữu bảo thủ thì lên án và cho rằng một mẩu giấy cói chẳng chứng tỏ được điều gì cả. Giáo sư King và đồng nghiệp của bà đứng ở vị trí trung lập; theo họ, vì mảnh giấy có niên đại vào thế kỷ thứ tư sau công nguyên, nghĩa là khoảng 300 năm sau khi Đức Giêsu và những người b  à con, thân cận của Ngài đã qua đời, nên nó có thể cho chúng ta biết điều mà các Kitô hữu lúc đó (300 A.D.) nghĩ về Đức Giêsu, nhưng không nhất thiết đó chính là điều đã thật sự xảy ra trong đời Ngài.

Khi mảnh giấy xuất hiện, phần lớn các chuyên gia về Kitô giáo thời Sơ khai nghĩ rằng mẩu giấy cói này là “trò lừa”, được một tay không chuyên làm giả trong ít năm gần đây thôi. Không như Giáo sư King và các học giả tầm cỡ như bà, tay này không nắm những chi tiết tinh vi của văn phạm ngôn ngữ Coptic, nên hắn không thể che giấu những dấu vết lừa đảo. Tuy vậy, lời phán quyết cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Hiện chúng ta vẫn còn chờ kết quả giám định mực, để xem mực này từ thời cổ hay thời hiện đại. Thế nhưng ngay cả khi mẩu giấy là giả thì nó cũng nhắc chúng ta rằng có những bản Phúc Âm truyền từ thế giới cổ xưa đưa ra những thông tin trái ngược với những quan điểm phổ biến cố cựu.

Trong khi các Kitô hữu ngày nay nô nức mừng lễ Giáng sinh, thì chúng ta cần lưu tâm rằng phần lớn những kiến thức phổ thông về Hài nhi tại Bethlehem lại không thể được truy nguyên từ bất kỳ cuốn Kinh Thánh được chính thức công nhận nào. Lượng thông tin đó hoặc đến từ một huyền thoại không xa thời nay bao nhiêu, hoặc dựa trên các bản văn Tin Mừng nằm ngoài ranh giới của bộ Kinh Thánh Thiên Chúa giáo chính thức. Ví dụ, không đâu trong Kinh Thánh chỉ ra thời điểm Đức Giêsu ra đời, hay xác định đó là ngày 25 tháng 12; cũng không hề nói đến trâu bò hay lừa đến gần máng cỏ; cũng không xác định có 3 (hay 7 hoặc 12) nhà thông thái đến viếng thăm.

Qua hàng thế kỷ, phần lớn các Kitô hữu tích lũy thông tin về sự kiện Đức Giêsu ra đời không phải từ Tân Ước mà từ những bản văn không được chính thức công nhận là Kinh Thánh. Cuốn sách nổi tiếng nhất là “Tin Mừng Nguyên thuỷ theo Giacôbê” (“Proto-Gospel of James”), được viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai – một thế kỷ muộn hơn so với các bản Tin Mừng chính thống. Như vậy, ít có khả năng bản văn này chứa đựng những thông tin đúng với lịch sử; tuy nhiên, các Kitô hữu suốt thời Trung Cổ hiếm khi quan tâm tới tính chính xác theo lịch sử; họ thích chuyện kể và say mê những câu chuyện liên quan tới sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trong trần thế.

Trên nhiều khía cạnh, ta thấy Tin Mừng Nguyên thuỷ theo Giacôbê có động cơ làm thỏa mối bận tâm về Đức Trinh Nữ Maria, mẹ của Đức Giêsu. Vì sao cô được chọn để cưu mang Con Thiên Chúa? Trong bản văn này, lần đầu tiên chúng ta được biết về sự ra đời kỳ lạ của chính Đức Trinh Nữ. Bà mẹ Anna mang tiếng hiếm hoi, nhưng Đức Chúa đã can thiệp và bà Anna thụ thai. Khi sinh cô con gái Maria, bà dâng tiến con mình cho Thiên Chúa, và trong ba năm đầu đời của Maria, cô bé sống riêng biệt trong một căn phòng như một điện thờ mà bà mẹ xếp đặt, nhằm tránh những ảnh hưởng trần tục từ thế giới bên ngoài. Sau đó bố mẹ cô bé đưa cô lên Đền Thờ tại Jerusalem, cho các tư tế dạy dỗ, và một thiên thần đến nuôi nấng cô hàng ngày. Khi cô đến tuổi dậy thì (khoảng 13,14 tuổi), các tư tế tìm cho cô một người giám hộ qua một cuộc bốc thăm chọn lựa trong sự cầu xin ơn trên soi sáng. Nhiệm vụ này rơi vào ông Giuse, một người góa vợ đã lớn tuổi. Ban đầu, ông từ chối nhận trách nhiệm, nhưng các tư tế thuyết phục ông bằng lời răn đe rằng Chúa Trời không chấp nhận một lời khước từ đâu! Cho tới nay hàng triệu tín hữu vẫn hình dung Giuse như một ông già và cô Maria như một thiếu nữ (cứ nghĩ về các bức họa miêu tả hai người đi tới Bethlehem hay cảnh Giáng sinh mà xem), và nhiều người tin rằng các “anh em” của Đức Giêsu (gồm cả Giacôbê, người được xem như tác giả của bản văn) chính là các con trai của Giuse từ cuộc hôn nhân trước đó. Đây không phải là những quan điểm từ Thánh Kinh, nhưng từ bản Tin Mừng theo Giacôbê.

Câu chuyện tiếp tục đến một đoạn quen thuộc hơn: thiên thần báo tin cho cô Maria rằng cô sẽ thụ thai nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần; cô thưa vâng, và sự việc diễn ra như thế. Ông Giuse thất vọng, nghĩ rằng cô Maria không chung thủy, nhưng rồi ông cũng biết sự thật. Khi cả hai đến Bethlehem, hài nhi Giêsu chào đời. Thế nhưng về điểm này, có vô số những chi tiết đáng ngờ hiện diện trong tất cả những bản văn. Thú vị hơn cả là đoạn mô tả của ông Giuse (ở ngôi thứ nhất) về thời khắc Đức Giêsu ra đời: ông thấy chim ngừng bay giữa thinh không, một nhóm người đang bốc đồ ăn bỗng dừng tay như hóa đá, một người chăn cừu đang giơ gậy lùa cừu bỗng bất động cánh tay lơ lửng giữa không trung!

Đáng chú ý hơn là những gì diễn ra sau đó. Ông Giuse chạy đi tìm một bà đỡ để phụ giúp cô Maria trong khi sinh nở, nhưng khi họ tới nơi, thì hài nhi đã ra đời: hang động (chứ không phải chuồng súc vật) ngập tràn một thứ ánh sáng chói mắt, và đứa trẻ đi (chỉ trong vòng một giờ sau khi sinh!) đến với mẹ để được cho bú mớm. Bà đỡ lại chạy đi tìm một bà đỡ khác, tên là Salome, và thông báo rằng một trinh nữ đã sinh con. Salome hẳn nhiên là hoài nghi, nói rằng bà không tin trừ khi bà trực tiếp thăm khám cô Maria. Bà tới hang và khám hậu sản, kinh ngạc nhận ra cô Maria vẫn trinh nguyên. Vì Salome đã không tin, nên bàn tay mắc tội của bà bốc cháy; chỉ khi chạm vào đứa trẻ theo lời chỉ dẫn thần thánh, bàn tay mới được lành. Đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu được ghi nhận.

Phần lớn độc giả hiện đại không quen với những câu chuyện như trên thấy chúng quả là khó tin. Đó là phản ứng thường gặp khi chúng ta tiếp xúc với những câu chuyện kỳ lạ mà mình chưa bao giờ nghe trước đây – chúng có vẻ không hợp lý và “rõ ràng” là chuyện bịa đặt, cũng như các huyền thoại và những câu chuyện thêu dệt vô căn cứ. Vậy mà chúng ta hầu như không phản ứng như thế trước những câu chuyện huyền bí quen thuộc mà mình đã nghe từ thời thơ ấu, dù đối với người ngoài – những người mới nghe lần đầu, chúng cũng kỳ dị và khó tin biết mấy! Chẳng lẽ những câu chuyện về sự kiện Đức Giêsu ra đời trong Kinh Thánh Tân Ước lại đáng tin hơn sao?

Điều này tùy thuộc vào người mà bạn đặt câu hỏi. Tháng 11 vừa rồi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI xuất bản cuốn sách thứ ba về cuộc đời Đức Giêsu (Đức Giêsu thành Nazareth: Các Trình thuật Thơ ấu), tập trung vào các bản trình thuật về sự kiện Đức Giêsu ra đời. Trước khi trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo, ngài Giuse Ratzinger đã là nhà thần học người Đức danh tiếng, và bây giờ ngài đem kiến thức đó vào việc giải thích các bản trình thuật Đức Giêsu chào đời. Tuy nhiên đây không phải là một cuốn sách nặng tính học thuật do một học giả viết nhằm thúc đẩy những mục tiêu nghiên cứu, mà chủ yếu (như người ta mong đợi) là sự suy tư đầy sốt sắng và sùng kính – vô cùng thích hợp với các tín hữu sùng đạo trong đoàn chiên đông đảo của Đức Giáo hoàng. Như vậy cuốn sách sẽ được hoan nghênh rộng rãi, không chỉ giữa những người Công giáo, mà còn từ các Kitô hữu bảo thủ thuộc mọi chi phái, vì sách khẳng định các bản văn Phúc Âm chính thống không chỉ có giá trị về mặt thần học mà còn chính xác trên phương diện lịch sử.

Tuy nhiên, cuốn sách sẽ không nhận được sự hoan nghênh từ những người không quan tâm tới việc khẳng định giá trị các bản trình thuật Kinh Thánh cho bằng muốn biết những gì thật sự xảy ra trong quá khứ. Và có một bộ phận rất đông các học giả Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, người theo thuyết bất khả tri, v.v.. mang một nhận định hoàn toàn khác về các bản văn trình thuật Giáng sinh trong Tân Ước; họ nhận ra nhiều điều không ổn trong những câu chuyện truyền thống được tường thuật trong Tin Mừng Matthêu và Luca (hai bản Tin Mừng duy nhất có những đoạn tường thuật thời ấu thơ). Dù các bản văn này có giá trị thế nào trên phương diện suy tư thần học về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đức Giêsu (mà có ai phủ nhận điều đó?), thì chúng vẫn không phải là những tư liệu lịch sử mà chúng ta có thể hy vọng dựa vào để tái hiện những sự kiện trong lịch sử. Đối với một số Kitô hữu, đây là vấn đề khó chịu; đối với những người khác, đấy lại là sự giải thoát, vì nó giải phóng người tín hữu khỏi sức ép phải đặt niềm tin lên những điều không chắc trong những tài liệu ghi chép không mang tính lịch sử triệt để và đến từ những sử gia nghiên cứu chúng – những người hoàn toàn có thể sai lầm.

Qua hàng thế kỷ nhiều học giả đã nhận ra rằng các trình thuật giáng sinh trong Tân Ước “có vấn đề” về tính lịch sử. Thứ nhất, hai bản văn – hai chương đầu trong Tin Mừng Matthêu và hai chương đầu trong Tin Mừng Luca – vô cùng khác nhau, không tương thích ở nhiều điểm. Cả hai đều trình bày bản gia phả của ông Giuse (Đức Giêsu không có quan hệ huyết thống với ông Giuse, thì hà cớ gì phải làm thế?), nhưng đó là hai bản gia phả khác nhau: cha khác, ông nội khác, ông cố cũng khác, v.v.. Đây không phải là một bản của cô Maria, một bản của ông Giuse. Cả hai tác giả Tin Mừng đều nói rõ: họ đang trình bày bản gia phả của ông Giuse. Và họ làm thế nhằm kết nối Đức Giêsu với dòng dõi tổ tiên lên tới các tổ phụ Do Thái. Tuy nhiên cả hai tác giả đều không tiếp cận được với dữ liệu đáng tin cậy cho việc này. Vì thế họ cung cấp những bản gia phả được dựng lên với mục đích đó, và hậu quả là chúng không tương thích với nhau. Và đây chỉ là điểm khởi đầu. Những điểm thiếu nhất quán liên tục xuất hiện khắp các chương.

Ngoài ra, cả hai bản văn đều chứa những thông tin đi ngược với những sự kiện đã được biết trong lịch sử. Lấy ví dụ ở Tin Mừng Luca. Chỉ bản Tin Mừng này nói tới chuyến đi của ông Giuse và cô Maria từ quê nhà Nazareth lên Bethlehem để khai báo trong cuộc thống kê dân số khi “khắp cả thiên hạ” đều phải đăng ký dưới thời hoàng đế Caesar Augustus. Toàn thế giới ư? Ắt hẳn Luca có ý muốn nói “toàn thể đế chế La Mã”. Nhưng ngay cả điều này cũng không đúng theo lịch sử. Chúng ta có tư liệu về triều đại Caesar Augustus, và cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn đế chế chưa bao giờ diễn ra, huống chi là cuộc điều tra dân số mà người ta phải đi đăng ký tại nguyên quán của mình! Theo bản văn này, ông Giuse và cô Maria cần đăng ký ở Bethlehem (đây là lý do vì sao Đức Giêsu được sinh ra ở đó) vì ông Giuse mang dòng dõi vua David – người xuất thân từ Bethlehem. Thế nhưng vua David sống cách đó một nghìn năm rồi. Liệu tất cả mọi người trên khắp đế chế La Mã đều phải quay về nguyên quán của một nghìn năm trước? Thử hình dung những cuộc di cư đông đảo vì cuộc điều tra này mà xem! Vậy mà chẳng có sử gia nào thời đó nghĩ chuyện này đáng được ghi lại? Đây không phải là một câu chuyện dựa trên sự kiện lịch sử, mà được viết ra nhằm cho thấy Đức Giêsu ra đời tại Bethlehem – nơi Đấng Messiah được tiền định sẽ đến – trong khi mọi người đều biết Người đến từ Nazareth.

Trong các bản văn còn có những điểm đáng ngờ khác – ngoài vấn đề hạ sinh đồng trinh đã gây tranh cãi rất nhiều. Ví dụ, trong Tin Mừng Matthêu, các nhà thông thái theo ngôi sao đến Bethlehem, nơi vì sao ngừng lại trên ngôi nhà nơi Đức Giêsu đang cư ngụ (tại sao gia đình của Đức Giêsu lại đang sống trong một ngôi nhà, nếu như họ chỉ đến để đăng ký cho cuộc điều tra dân số?). Làm thế nào một ngôi sao – hay một thiên thể nào đó – có thể dẫn ai đó tới một thành phố cụ thể? Và làm thế nào nó có thể dừng lại trên một ngôi nhà nào đó?

Người ta đã tranh cãi nhiều năm về những câu đố hóc búa trên. Một số học giả Thiên Chúa giáo và những người ủng hộ không chuyên đã khéo tìm ra những lời giải đáp tài tình cho những câu hỏi ấy. Những sử gia hay phê phán chỉ trích lại khăng khăng khẳng định chúng là những vấn đề thẳng thắn chứng tỏ rằng những nguồn văn Tin Mừng, chính thống hay không, đều không phải là những bản mô tả mang tính lịch sử đáng tin cậy về điều thật sự diễn ra khi Đức Giêsu ra đời.

Một bộ phận Kitô hữu cảm thấy bị xúc phạm với nhận định trên, nhưng thật ra không nên như thế, vì nhiều tín hữu có suy nghĩ thoáng hơn từ lâu đã biết và cho đó là hợp lý. Các bản trình thuật về cuộc đời Đức Giêsu trong Tân Ước chưa bao giờ được gọi là “tài liệu lịch sử”; thay vì thế, chúng được gọi là “Phúc Âm” – nghĩa là “những lời công bố Tin Mừng”. Đây là những quyển sách nhằm tuyên xưng những chân lý tôn giáo, chứ không phải những sự kiện lịch sử. Những tín hữu nào cho rằng chân lý nhất thiết phải đặt trên cơ sở lịch sử, thì có lẽ đó sẽ chẳng còn là tin mừng gì nữa! Đối với những tín hữu có tầm nhìn thoáng hơn, với lối đánh giá tài liệu khoan dung hơn, và khả năng cảm nhận ý nghĩa thần học trọn vẹn hơn, thì câu chuyện về trẻ Giêsu và sự ra đời của Người không nhất thiết phải được dựa trên những gì thật sự đã diễn ra, nhưng dựa trên những gì thật sự đang diễn ra ngay trong đời sống của họ – của những người tin rằng các câu chuyện như thế có thể truyền đạt một chân lý còn lớn hơn cả sự thật lịch sử.

Người dịch: Minh Thuỵ

 

Chú thích: Bart D. Ehrman, Giáo sư về ngành nghiên cứu tôn giáo tại Đại học North Carolina, Chapel Hill, tác giả của quyển sách “Đức Giêsu có hiện hữu?” (Did Jesus Exist?) và “Đức Giêsu, Những Điểm Dừng” (Jesus, Interrupted). Ông viết hàng ngày tại trang web ehrmanblog.com.