Cứu ngôn ngữ của Chúa Jesus

Aramaic, ngôn ngữ của Chúa Jesus, đang đối mặt với nguy cơ lụi tàn khi số người có khả năng nói loại tiếng này sụt giảm mạnh trên toàn cầu.

 

Cứu ngôn ngữ của Chúa Jesus

Aramaic, ngôn ngữ của Chúa Jesus, đang đối mặt với nguy cơ lụi tàn khi số người có khả năng nói loại tiếng này sụt giảm mạnh trên toàn cầu.

Từng được cho là tiếng mẹ đẻ của người sáng lập Thiên Chúa giáo và các tông đồ cách đây hơn 2.000 năm, ngôn ngữ cổ Aramaic đang bị đe dọa có thể biến mất vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời. Đó là lời cảnh báo của giáo sư chuyên về ngôn ngữ học Geoffrey Khan của Đại học Cambridge (Anh), người triển khai sứ mệnh quan trọng trong nỗ lực ghi lại ngôn ngữ có liên quan đến người Do Thái và Ả Rập trước khi nó bị xóa sổ. Theo chuyên gia Khan, để làm được điều này, cần phải thực hiện các hành trình đến với những cộng đồng vẫn sử dụng Aramaic nằm rải rác trên thế giới. Bản thân ông đã từng lặn lội đến Georgia để gặp cho được người nói tiếng này.

 Một phần ngôn ngữ trong các cuộn giấy tại biển Chết viết bằng tiếng Aramaic
Một phần ngôn ngữ trong các cuộn giấy tại biển Chết viết bằng tiếng Aramaic – Ảnh: Reuters

Ngôn ngữ khoảng 3.000 năm tuổi từng được sử dụng phổ biến khắp vùng Trung Đông trong các giao dịch thương mại, văn khố của chính phủ và các nghi lễ tôn giáo từ vùng đất thánh đến tận Ấn Độ và Trung Quốc. Là ngôn ngữ chủ yếu tại Israel từ năm 539 trước Công nguyên đến năm 70, giới chuyên gia cho rằng nó có thể cũng là tiếng mẹ đẻ của Chúa Jesus. Aramaic là thứ tiếng được dùng phần lớn trong các cuốn kinh thánh phiên bản Daniel và Ezra, và là ngôn ngữ chính của kinh Talmud, tập hợp các văn bản cổ của những bậc thầy Do Thái. Bên cạnh đó, một phần các cuộn giấy ở biển Chết được viết bằng loại tiếng này. Tương truyền khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá, ngài đã thốt lên bằng tiếng Aramaic: “Elahi, Elahi, lema shabaqtani?” (tạm dịch: Chúa trời ơi, Chúa trời ơi, sao ngài bỏ rơi con?).

Sau thời kỳ hoàng kim, Aramaic dần mai một theo thời gian. Hiện chỉ còn những nhóm nhỏ nói tiếng này nằm rải rác trên toàn cầu, từ thành phố Erbil nằm ở phía bắc Iraq đến Chicago ở Mỹ, nơi cư ngụ của vài ngàn người Assyria. Theo website Smithsonian.com, Giáo sư Khan cho hay ông cảm thấy một sự thôi thúc cần phải ghi lại ngôn ngữ quý báu này sau cuộc nói chuyện với một người Do Thái ở Erbil. Aramaic không phải là ngôn ngữ duy nhất nằm trong diện sắp bị biến mất. Dự đoán sẽ có khoảng 50 đến 90% trong số 7.000 ngôn ngữ được sử dụng trên bề mặt trái đất sẽ tuyệt diệt vào cuối thế kỷ này, theo thống kê của Smithsonian.com.

Arame, những người đầu tiên nói tiếng Aramaic, là dân du mục ở sa mạc, và từ đó loại ngôn ngữ này lan tỏa trong các cộng đồng Thiên Chúa giáo, Do Thái, Hồi giáo, Samari…Tuy nhiên, Aramaic đã mất đi vị thế của mình tại Trung Đông vào thế kỷ thứ 7, khi các binh đoàn Hồi giáo từ thế giới Ả Rập chiếm đóng khu vực, và thay tiếng Ả Rập làm ngôn ngữ chính trong khu vực. Ngôn ngữ này vẫn tồn tại ở những vùng xa xôi như cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Ước tính, chỉ có khoảng nửa triệu người trên thế giới nói tiếng Aramaic, và một số phiên bản địa phương đã không còn tồn tại, theo Smithsonian.com