Quốc hội và những sự kiện “đầu tiên”

Kỳ họp Quốc hội chưa khép lại, đại biểu Dương Trung Quốc đã ghi nhận được một sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử”. Đó là việc Thủ tướng Chính phủ xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân.

 Quốc hội và những sự kiện “đầu tiên”

Kỳ họp Quốc hội chưa khép lại, đại biểu Dương Trung Quốc đã ghi nhận được một sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử”. Đó là việc Thủ tướng Chính phủ xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân.

Đến lượt mình, ông Dương Trung Quốc cũng đi vào lịch sử Quốc hội nước nhà với tư cách là đại biểu đầu tiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ về văn hóa từ chức. Chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc được Thủ tướng trả lời thẳng thắn, rõ ràng và chính vị đại biểu này đã chia sẻ với Tuổi Trẻsau đó là “Tôi cảm thấy thoải mái”.

Diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã ghi nhận nhiều sự kiện “lần đầu tiên” diễn ra, và được đánh giá như là những “cột mốc” trong tiến trình thực hành dân chủ liên quan đến hoạt động Quốc hội. Đơn cử như tại kỳ họp giữa năm 1988, lần đầu tiên Quốc hội nước ta sau khi thảo luận dân chủ đã quyết định đưa ra hai ứng cử viên để đại biểu lựa chọn và bầu một người giữ chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hay là sự kiện lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào năm 2004…

Điều đặc biệt tại kỳ họp lần này là sự tiếp nối hoặc phát triển mới ở tầm cao hơn một số sự kiện đã khởi đầu ở Quốc hội cách đây nhiều năm. Năm 1994, ý tưởng truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trước khi được chấp thuận đã phải trải qua không ít bàn thảo, cân nhắc ở cấp cao. Và rồi trong nhiều năm qua, Quốc hội không chỉ truyền hình trực tiếp hoạt động chất vấn mà còn có nhiều nội dung khác. Đến kỳ họp lần này đã ghi nhận một kỷ lục về truyền hình trực tiếp: khoảng 13 phiên làm việc (tăng năm phiên so với kỳ họp trước).

Dấu ấn khó quên khác trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây là vào năm 2004, khi đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) lần đầu tiên kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với bốn vị bộ trưởng. Dù không thành hiện thực nhưng kiến nghị đó đã trở thành một tiền lệ được xác nhận. Và hơn tám năm sau, ngay tại kỳ họp lần này, Quốc hội đang thảo luận để thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Nghị quyết này ra đời sẽ mở đường cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm và bỏ phiếu tín nhiệm những trường hợp cần thiết theo quy định.

Những sự kiện lần đầu tiên diễn ra trên nghị trường thường tạo ấn tượng mạnh cho cử tri, bản thân sự kiện và các chuyển động sau đó đã đem lại sự gần gũi hơn, tin cậy hơn của cử tri dành cho Quốc hội. Ví như chiếc tivi giúp kết nối trực tiếp nghị trường và cử tri, cơ chế lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm giúp nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. Hi vọng từ không khí dân chủ, từ sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử” của Quốc hội kỳ này, nền dân chủ của nước nhà sẽ được tạo dựng tốt hơn nữa.