Buổi đến trường, buổi tảo tần mưu sinh

Sau buổi cắp sách đến trường, nhiều học sinh lại trở về với “nghề” riêng của mình để lo cho việc học của bản thân, phụ giúp gia đình khốn khó. Chẳng nhiều nhặn gì nhưng số tiền mưu sinh nhọc nhằn ấy đã đặt từng viên gạch trên hành trình xây dựng ước mơ được học hành đến nơi đến chốn.

 Buổi đến trường, buổi tảo tần mưu sinh

 

Huỳnh Thị Tố Mai – Ảnh: h.bình

 

Sau buổi cắp sách đến trường, nhiều học sinh lại trở về với “nghề” riêng của mình để lo cho việc học của bản thân, phụ giúp gia đình khốn khó.

Chẳng nhiều nhặn gì nhưng số tiền mưu sinh nhọc nhằn ấy đã đặt từng viên gạch trên hành trình xây dựng ước mơ được học hành đến nơi đến chốn.

Cô lớp phó bán bánh tráng trộn

Chiều mưa tầm tã. Đến ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM gọi điện mãi mà Huỳnh Thị Tố Mai – học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi – không bắt máy. Ông trưởng ấp cũng lắc đầu vì gia đình Mai ở trọ. Cuối cùng, nhờ bạn cùng lớp đưa đến nhà, Mai nói tỉnh queo: “Em tráng bánh ở trước nhà nên không biết có điện thoại”. Vừa nói, đôi tay cô học trò vẫn thoăn thoắt thoa bột, trở bánh một cách thuần thục bên chiếc máy chạy rè rè đặt ở hiên nhà.

Bên trong nhà, cô em kế của Mai – Huỳnh Thị Tố Trinh (15 tuổi) – đang xếp những xấp bánh vừa khô bỏ vào bao. “Trinh mới nghỉ học cách đây một tháng để “hi sinh” cho chị và các em đến trường” – bà Phan Thị Loan (40 tuổi), mẹ của Mai, nói. Mưa giội ầm ầm xuống mái tôn, gió thốc tứ bề nên chị em Mai phải lấy chăn che chắn để nước khỏi tạt vào “dây chuyền” làm bánh. Sau khi đóng gói xong, cha của Mai, ông Huỳnh Ta (41 tuổi), sẽ đưa đi bỏ mối cho những nơi bán bò bía. “Tráng hết một thau bột trong ba giờ, trừ chi phí còn được 20.000 đồng” – ông Ta cho biết.

20 tuổi nhưng Mai vẫn đang học lớp 12. Mai kể năm 12 tuổi, bạn vào Sài Gòn phụ làm bánh gửi tiền về cho em mổ bệnh bướu cổ nên việc học bị gián đoạn hai năm. May mắn thay, Mai được một “mái trường tình thương” nhận vào học mà không phải đóng tiền. Sau ba năm vừa làm vừa học, cô trò nhỏ tốt nghiệp cấp II loại giỏi.

Sau đó, gia đình Mai chuyển từ Ninh Thuận vào Sài Gòn. “Trôi nổi” về Củ Chi, Mai xin vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Luôn đạt học sinh giỏi, năng nổ hoạt động phong trào nên Mai được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập và bí thư chi đoàn. Mai còn được bạn bè biết đến với hình ảnh cô lớp phó học tập vẫn ngày ngày mang bánh tráng trộn đến trường bán.“Cứ giải lao, hết giờ học là em mang ra bán cho các bạn. Mỗi bịch lời được 300 đồng” – Mai hồn nhiên kể.

Thứ bảy, chủ nhật cô học trò này cũng tranh thủ đi làm thêm ở quán nước mía gần nhà, kiếm  thêm khoảng 80.000 đồng/ngày để lo việc học cho mình và các em.

Đi múa lân nuôi ước mơ làm công an

 

Hồ Tú Quỳnh – Ảnh: H.Bình

 

Hỏi thăm nhà Hồ Tú Quỳnh, ông Đoàn Anh Tân (trưởng ấp Gò Nổi A, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) gọi điện cho ông Nguyễn Út Nhỏ (trưởng đoàn nghệ thuật lân sư rồng Gia Định Đường) mới biết cậu học trò lớp 11A5 Trường THPT An Nhơn Tây này là thành viên của đoàn lân đã bốn năm.

Đến nhà, Quỳnh và các em đang ăn cơm. Căn phòng chừng chục mét vuông xây bằng gạch chưa tô kê hai chiếc giường cho năm người. Góc nhà có sáu, bảy bao lúa chất gọn gàng. “Nhiêu đó đủ ăn trong ba tháng” – cha của Quỳnh, ông Hồ Văn Quang (48 tuổi), nói. Ông Quang đi lên luống dưa thuê theo thời vụ được khoảng 800.000 đồng/tháng. Mẹ Quỳnh, bà Lê Thị Năm (47 tuổi), làm tạp vụ được thêm 2 triệu đồng nữa, trang trải cho gia đình năm người.

Cạnh hai chiếc giường là “góc học tập” của ba anh em Quỳnh. Những cuốn sách trên kệ còn khá mới, của một người trong xóm có con học xong cho lại. “Lần gần đây nhất Quỳnh đi múa lân là khi nào?” – tôi hỏi. Quỳnh bảo “em có ghi sổ” rồi lấy trong cặp ra một cuốn sổ bằng nửa lòng bàn tay được bao bọc cẩn thận. Trong đó, những ngày công đi “diễn” ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh,

Bình Phước… được bạn ghi chú cẩn thận, với lần gần nhất là tuần trước. “Khi nào không đi học em đăng ký và anh Út Nhỏ sẽ gọi đi – Quỳnh nói thêm – Mỗi lần được 40.000 đồng, có khi được 50.000 đồng. Em dành để đóng tiền học ở trường và mua thêm sách vở cho hai em. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng em vẫn tin rằng mình sẽ thực hiện được ước mơ – trở thành một chiến sĩ công an giỏi”.

Tối. Cơm nước xong Quỳnh đến nhà ông Út Nhỏ sửa chữa, chăm chút lại những đầu lân chuẩn bị cho những ngày đi diễn sắp tới. “Quỳnh đi múa lân với đoàn chủ yếu là vào cuối tuần. Khi được nghỉ học, em báo cho tôi biết và tôi sắp lịch cho em” – ông Út Nhỏ cho biết.

Đánh bắt chim dành tiền mua sách vở

 

Lê Đình Đức Minh – Ảnh: H.Bình

 

Rặng tre sau nhà là nơi Lê Đình Đức Minh – học sinh lớp 11A1 Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) – thường bắt chim sẻ, chào mào đem bán để dành tiền mua sách vở. Đến thăm nhà Minh lúc chập tối, bạn vừa đi học thêm về. Cha của Minh, ông Lê Đình Huy Phong, đi làm phụ hồ vẫn chưa về. Mẹ của Minh, bà Phan Thị Tị (42 tuổi), làm công nhân ở một công ty gần nhà mới tan ca. Bà Tị cho biết mỗi tháng lương của bà được 2 triệu đồng.

“Thầy cô biết gia đình em khó khăn nên không nhận tiền dạy thêm” – cậu học trò cao 1,65m, nặng khoảng 40kg, với gương mặt đen nhẻm, nói. Minh có thói quen thường xuyên cầm một cuốn vở trên tay dù có đi đâu. “Cứ nghỉ học là em xách lồng đi bẫy chim và cầm tập vở theo học bài nên riết thành quen” – Minh giải thích. “Cũng đã thử đi phụ hồ với cha nhưng yếu quá xách đồ không nổi nên thôi” – mẹ của Minh góp thêm vào câu chuyện.

Biết sức yếu, Minh chọn việc phù hợp với sức mình là đánh bắt chim và phụ cha đi mò cua, bắt cá để giúp gia đình. “Có ngày mình bắt được bảy con. Mỗi con bán được 10.000 đồng. Còn thường chỉ được 1-2 con. Ngày nào nhiều thì để mua sách vở và phụ mẹ đóng học phí cho em. Ngày không đáng kể thì mua thêm “đồ nghề” để làm việc”. Làm “nghề” phụ gia đình nhưng Minh luôn đạt học sinh giỏi. Điểm tổng kết năm lớp 10 của bạn rất cao như: toán 8,4; vật lý 8,8; hóa học 9,1; sinh học 9,1; địa lý 9,2 và điểm trung bình cả năm học đạt 8,5.