Tối thượng quyền của Thiên Chúa

Qua cảnh Đức Giêsu đón tiếp các em nhỏ, khi Người bất bình về thái độ của các môn đệ muốn xua đuổi các em, ta thấy được hình ảnh của Giáo Hội tại châu Phi, cũng như ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, luôn biểu lộ tâm tình hiền mẫu, đặc biệt là đối với những người bé nhỏ nhất, ngay cả khi chúng chưa được chào đời.

Tối thượng quyền của Thiên Chúa

Bài giảng khai mạc Đại hội đặc biệt lần II Thượng hội đồng Giám mục châu Phi

Tại nhà nguyện Đức Thánh Cha, Vương cung Thánh đường Vatican, Chúa Nhật XXVII Thường Niên, 4/10/2009

Chư huynh thân mến trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn,
Kính thưa quý Bà, quý Ông,
Anh chị em thân mến,

Pax vobis – Nguyện xin bình an của Chúa ở cùng anh chị em! Qua lời cầu chúc phụng vụ này, tôi ngỏ lời với tất cả anh chị em, đang quy tụ nơi đây, trong Vương cung Thánh đường Vatican này, cũng chính tại nơi này, cách đây mười lăm năm, vào ngày 10/4/1994, người Tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã khai mạc Đại hội đặc biệt lần đầu tiên của Thương hội đồng Giám mục châu Phi.  Sự kiện hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây để khai mạc Đại hội lần Thứ Hai,, này muốn nói rằng Đại hội này chắc chắn là một biến cố lịch sử, nhưng không phải là một biến cố biệt lập. Đây là đích điểm của một cuộc hành trình đã được tiếp nối và giờ đây đã đi đến một giai đoạn mới đầy ý nghĩa trong việc đánh giá để rồi lại tiếp tục lên đường. Do đó chúng ta hãy tạ ơn Chúa! Tôi xin thân ái chào mừng các thành viên của đại hội Thượng hội đồng đang cùng tôi cử hành Bí tích Thánh Thể này, chào mừng các chuyên gia và các thính giả, đặc biệt những ai đến từ vùng đất châu Phi. Với tâm tình biết ơn, tôi xin chào vị tổng thư ký của Thượng hội đồng và các cộng sự viên của người. Tôi hết sức vui mừng được Đức Abouna Paulos,Thượng phụ Giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Tewahedo tại Ethiopie cũng có mặt trong đại hội này, và tôi xin chân thành cám ơn người, và xin chào các vị đại biểu anh em thuộc các Giáo Hội khác cũng như các Cộng đoàn Giáo Hội. Tôi cũng vui sướng được đón tiếp các cấp chính quyền dân sự và các vị đại sứ đã tham dự đại hội này; tôi thân ái chào các linh mục, các tu sĩ nam nữ, những người đại diện các tổ chức, các phong trào đoàn thể và ca đoàn Congo phụ trách phần thánh ca trong Thánh lễ cùng với ca đoàn Nhà nguyện Sixtine.

Các Bài đọc Sách Thánh Chúa Nhật hôm nay đề cập đến hôn nhân. Nhưng, một cách triệt để hơn, lại nói về chương trình sáng tạo, nói về khởi nguyên, và như thế, nói về Thiên Chúa. Bài đọc hai, được trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái, xác nhận chương trình sáng tạo: ”Đấng thánh hoá – tức là Đức Giêsu Kitô – và những người được thánh hoá – tức là con người – tất cả đều “có cùng một nguồn gốc”, “chính vì thế, Đức Giêsu không hề cảm thấy xấu hổ khi gọi họ là anh em mình” (Dt 2, 11). Do đó, tối thượng quyền của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, được làm nổi bật một cách hiển nhiên qua cả hai bài đọc, cùng với dấu ấn nguyên thuỷ và quyền chủ tể tuyệt đối của Người trong vũ trụ, quyền chủ tể mà các em nhỏ dễ dàng đón nhận hơn những người trưởng thành, do đó, Đức Giêsu gọi các em là mẫu mực để có thể vào được Nước Trời (x. Mc 10, 13-15). Thật thế, nhận biết quyền chủ tể tuyệt đối của Thiên Chúa là một trong những nét nổi bật và có tính liên kết của nền văn hoá châu Phi. Dĩ nhiên, tại lục địa châu Phi, có rất nhiều nền văn hoá khác nhau, thế nhưng, dường như tất cả đều quy về cùng một điểm sau đây: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và là nguồn mạch của sự sống. Và sự sống, – như chúng ta đã biết rõ – trước tiên được biểu lộ qua sự kết hiệp giữa người nam và người nữ và việc các em nhỏ được chào đời; luật Chúa, vì được ghi tạc trong thiên nhiên, do đó mạnh mẽ hơn và vượt thắng bất cứ luật lệ nào của con người, dựa theo câu khẳng định thật rõ ràng và cô đọng của Đức Giêsu: ”Con người không được phân ly những gì Thiên Chúa đã liên kết ” (Mc 10, 9). Ngay từ nguyên thuỷ, viễn tượng này trước tiên không hề mang tính luân lý: ngay trước cả bổn phận, nó liên quan đến hữu thể, đến trật tự được khắc ghi trong cuộc sáng tạo.

Anh chị em thân mến, theo nghĩa này thì phụng vụ Lời Chúa hôm nay – ngoài ấn tượng đầu tiên – còn đặc biệt thích hợp để chúng ta khai mạc một hội nghị Thượng hội đồng châu Phi. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến một vài khía cạnh nổi cộm mà chúng ta cần phải giải quyết qua những phiên họp sắp tới. Khía cạnh đầu tiên đã được chúng ta đề cập đến: đó là tối thượng quyền của Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và là Chủ tể. Khía cạnh Thứ Hai,,: đó là hôn nhân. Và khía cạnh Thứ Ba,,: đó là các em nhỏ. Về khía cạnh đầu tiên, châu Phi được giao cho trách nhiệm giữ gìn một kho tàng vô giá cho toàn thể nhân loại: châu Phi ý thức thật sâu xa về Thiên Chúa, ý thức này tôi đã trực tiếp ghi nhận qua những lần tôi gặp gỡ các Giám mục châu Phi đến viếng “ad limina”, và còn hơn thế nữa, qua chuyến Tông du mới đây của tôi tại Cameroun và tại Angola, chuyến Tông du mà tôi vẫn còn ghi nhớ với tâm tình biết ơn và mối cảm xúc sâu xa. Và giờ đây, tôi muốn nhắc lại chuyến hành hương tại vùng đất châu Phi này, bởi vì lúc đó, khi trao công cụ làm việc cho các vị chủ tịch của các Hội đồng Giám mục và các vị lãnh đạo của các Thượng hội đồng Giám mục của các Giáo Hội Đông phương Công giáo, tôi đã khai mạc một cách thiêng liêng đại hội Thượng hội đồng này.  

Khi nói về các kho tàng của châu Phi thì lập tức ta liền nghĩ đến những tài nguyên thật phong phú của châu lục này, nhưng bất hạnh thay, chúng đã trở nên, hay đôi khi vẫn còn trở nên một nguồn khai thác, xung đột và hối lộ. Còn trái lại, Lời Chúa lại làm cho chúng ta hướng về một di sản khác: di sản tinh thần và văn hoá mà nhân loại lại còn cần hơn cả nguyên liệu thô. “Thật thế, – Đức Giêsu nói – được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì?” (Mc 8,36). Về phương diện này thì châu Phi biểu thị cho một “lá phổi” tinh thần vĩ đại dành cho một nhân loại dường như đang trải qua cơn khủng hoảng đức tin và đức cậy. Nhưng “lá phổi” này cũng có thể bị nhiễm bệnh. Và hiện nay, có ít nhất hai căn bệnh nguy hiểm đang tấn công lá phổi này: trước tiên, một căn bệnh đã lan tràn trong thế giới Tây phương, đó là chủ nghĩa duy vật thực tế, được liên kết với tư tưởng tương đối và hư vô. Ta không muốn nói đến những tai ương tinh thần này được hình thành như thế nào, tuy nhiên ta không thể chối cãi được khi nói rằng cái được gọi là thế giới “thứ nhất” thỉnh thoảng đã xuất khẩu và vẫn còn tiếp tục xuất khẩu những cặn bã tinh thần độc hại làm ô nhiễm các dân tộc của những châu lục khác, mà trong đó có các dân tộc châu Phi. Xét theo nghĩa này thì chủ nghĩa thuộc địa đã cáo chung trên bình diện chính trị, nhưng nó lại chưa hoàn toàn kết thúc. Nhưng cũng chính trong viễn tượng này mà ta cần phải nêu lên một loại “virút” Thứ Hai,, cũng có thể tác động trên châu Phi, đó là trào lưu chính thống tôn giáo, được gắn liền với những lợi lộc chính trị và kinh tế. Có những nhóm người rút cảm hứng từ những giáo phái khác nhau và hiện nay họ đang bành trướng khắp nơi trên lục địa châu Phi; họ nhân danh Thiên Chúa để làm như thế, nhưng lại dựa vào một luận lý đi ngược với luận lý của Thiên Chúa, nghĩa là giảng dạy và thực thi, không phải là tình yêu và sự tôn trọng tự do, mà sự bất khoan dung và vũ lực.

Liên quan đến chủ đề hôn nhân, lời Chúa trong chương hai của Sách Sáng thế nhắc lại cho chúng ta nền tảng ngàn đời của hôn nhân đã được chính Đức Giêsu xác định như sau: ”Vì thế, người nam sẽ rời bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Làm sao mà ta không nhắc lại một loạt bài giáo lý rất hữu ích mà người Tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã dành cho chủ đề này, khởi đi từ bài chú giải thật sâu xa biết mấy về bản văn Kinh Thánh nói trên? Ngày nay, khi đề nghị cho chúng ta chủ đề này vào lúc khai mạc Thượng hội đồng Giám mục, phụng vụ đã mang lại cho chúng ta ánh sáng chân lý được mạc khải và nhập thể trong Đức Kitô, để ta có thể xem xét chủ đề phức tạp về hôn nhân trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội của châu Phi. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra một gợi ý ngắn gọn trước khi chúng ta suy nghĩ và đưa ra những chỉ dẫn luân lý, và gợi ý này cũng được gắn liền với tối thượng quyền của ý nghĩa về điều linh thánh và Thiên Chúa. Hôn nhân, như đã được Sách Thánh trình bày, thì không thể nào hiện hữu ngoài tương giao với Thiên Chúa. Đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ, và do đó, đời sống của gia đình được phát xuất từ hôn nhân, thì được ghi khắc vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, và dưới ánh sáng của Tân Ước, đời sống hôn nhân đã trở nên một hình tượng nói về Tình Yêu Ba Ngôi và bí tích kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Trong mức độ mà châu Phi bảo tồn và phát triển đức tin của mình, thì châu lục này sẽ có thể tìm thấy những nguồn lực vô biên để ban tặng cho gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân.

Khi đưa trích đoạn nói về Đức Giêsu và các em nhỏ vào trong giai thoại Tin Mừng (Mc 10,13-15), phụng vụ mời gọi chúng ta, ngay từ bây giờ, xem xét thực tế của tuổi thơ chiếm phần lớn dân cư châu Phi, ngay cả khi các em đang phải đối diện với đau khổ và bất hạnh, để có hướng giúp đỡ các em trong công tác mục vụ của chúng ta. Qua cảnh Đức Giêsu đón tiếp các em nhỏ, khi Người bất bình về thái độ của các môn đệ muốn xua đuổi các em, ta thấy được hình ảnh của Giáo Hội tại châu Phi, cũng như ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, luôn biểu lộ tâm tình hiền mẫu, đặc biệt là đối với những người bé nhỏ nhất, ngay cả khi chúng chưa được chào đời. Cũng như Chúa Giêsu, trước tiên, Giáo Hội không xem các em là những con người cần được giúp đỡ, và càng không xem các em là những con người cần đến lòng mộ đạo hay một thao tác nào đó của chúng ta, nhưng xem các em là những con người toàn diện, những con người mà qua cách sống của mình đã chỉ cho ta thấy con đường chính yếu để được vào Nước Trời, đó là con đường phó thác vô điều kiện vào tình yêu của Thiên Chúa.

Anh em thân mến, những chỉ dẫn đến từ Lời Chúa hôm nay được định vị trong phạm vi rộng lớn của đại hội Thượng hội đồng Giám mục, được bắt đầu từ ngày hôm nay, và được gắn liền với đại hội đi trước đó cũng đã được dành cho lục địa châu Phi, và thành quả đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ trình bày trong Tông huấn Ecclesia in Africa – Giáo Hội tại châu Phi -. Bổn phận đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng, và thậm chí của cả một công cuộc tái rao giảng Tin Mừng, một công việc ý thức đến những biến đổi nhanh chóng của xã hội ở vào thời đại chúng ta và ý thức đến hiện tượng toàn cầu hoá, bổn phận ấy dĩ nhiên vẫn còn có giá trị và vẫn còn mang tính thời sự. Chúng ta cũng cần phải nói đến sự chọn lựa mục vụ trong việc xây dựng Giáo Hội như Gia đình của Thiên Chúa (x. sđd., 63). Chính trong bối cảnh rộng lớn này mà đại hội lần hai có chủ đề: ”Giáo Hội tại châu Phi phục vụ hoà giải, công lý và hoà bình. “Anh em là muối đất… Anh em là ánh sáng trần gian” (Mt 5,13.14)”. Trong những năm vừa qua, Giáo Hội Công giáo tại châu Phi đã trải nghiệm được một động lực lớn lao, và nền tảng của Thượng hội đồng là dịp để chúng ta tạ ơn Chúa. Và bởi vì sự tăng trưởng của cộng đoàn Giáo Hội về mọi phương diện cũng bao gồm cả những thách đố cả bên trong lẫn bên ngoài (ad intra et ad extra), nên Thượng hội đồng Giám mục là thời gian thuận tiện để cho chúng suy nghĩ lại hoạt động mục vụ và canh tân nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng. Để trở nên ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian, chúng ta càng phải nhắm đến “mức đo lường cao” về đời sống Kitô hữu, nghĩa là sự thánh thiện. Các vị mục tử và các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh; các tín hữu được mời gọi làm cho hương thơm thánh thiện được lan toả trong gia đình, nơi công sở, nơi học đường, và trong bất cứ môi trường xã hội và chính trị nào khác. Ước gì Giáo Hội tại châu Phi luôn trở thành một gia đình bao gồm những môn đệ đích thực của Đức Kitô, một gia đình mà những khác biệt giữa các sắc tộc trở thành nguyên nhân và động lực phong phú hoá về mặt nhân bản và tinh thần hỗ tương.

Nhờ hoạt động loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, Giáo Hội chắc chắn có thể đóng góp nhiều cho toàn xã hội tại châu Phi, một xã hội mà đáng buồn thay đã trải nghiệm những thảm cảnh đói nghèo, bất công, bạo lực và chiến tranh trong nhiều quốc gia. Ơn gọi của Giáo Hội, một cộng đoàn bao gồm những con người đã được giao hoà với Thiên Chúa và với nhau, là tiên báo và là men giao hoà giữa các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, trong lòng mỗi quốc gia và trên toàn lục địa. Sự giao hoà, hồng ân của Thiên Chúa mà con người phải nài xin và đón nhận, là nền tảng bền vững để xây dựng hoà bình, là điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ đích thực của con người và của xã hội, thể theo chương trình công chính hoá của Thiên Chúa. Một khi mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa Phục Sinh, châu Phi sẽ luôn được ánh sáng của Chúa soi chiếu, và một khi để cho Thánh Thần hướng dẫn, châu Phi sẽ trở nên lời chúc phúc cho Giáo Hội toàn cầu, và mang lại phần đóng góp có chất lượng cao trong việc dựng xây một thế giới công bình và huynh đệ hơn.

Các Nghị phụ Thượng hội đồng thân mến, xin cám ơn sự đóng góp của mỗi người trong anh em trong các phiên làm việc trong những tuần lễ sắp tới, mà đối với chúng ta, sẽ là một kinh nghiệm mới về tình hiệp thông huynh đệ sẽ tuôn tràn trong những ngày họp sắp tới cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt trong bối cảnh của Năm linh mục. Về phần anh chị em, thưa anh chị em thân mến, xin hãy đồng hành với chúng tôi qua kinh nguyện. Tôi xin những người đang có mặt nơi đây; tôi xin các tu viện sống đời chiêm niệm và các cộng đoàn tu sĩ đang có mặt ở châu Phi và trên toàn thế giới, tôi xin các giáo xứ và các phong trào, các bệnh nhân và những người đang đau khổ: tôi xin tất cả mọi người cầu xin Chúa cho đại hội đặc biệt lần hai này của Thượng hội đồng Giám mục châu Phi gặt hái được nhiều thành quả. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Phanxicô Assise mà ngày hôm nay chúng ta mừng nhớ, cũng như các Thánh nam và các Thánh nữ của châu Phi, đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, là Mẹ của Giáo Hội và là Đức Bà của châu Phi bảo trợ cho Đại hội này. Amen!