Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại là niềm hy vọng của nhân loại

“Hãy đến với Tôi, tất cả anh em là những người gồng gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đức Giêsu mời gọi tất cả các môn đệ ở lại với Người và tìm nơi Người sự cứu giúp, nâng đỡ và ủi an

 Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại là niềm hy vọng của nhân loại


Tông du tại Cộng Hoà Tiệp Khắc (26-28//9/2009)
Bài giảng tại Phi trường Tuřany de Brno
Chúa Nhật XXVI Thường Niên, 27/9/ 2009
 

Anh chị em thân mến,

Hãy đến với Tôi, tất cả anh em là những người gồng gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đức Giêsu mời gọi tất cả các môn đệ ở lại với Người và tìm nơi Người sự cứu giúp, nâng đỡ và ủi an. Đặc biệt Người mời gọi Cộng đoàn phụng vụ quy tụ một cách thiêng liêng toàn thể Cộng đồng Giáo Hội của anh chị em về hiện diện chung quanh người Kế vị Thánh Phêrô. Tôi xin chào tất cả và từng người một trong anh chị em: trước tiên là Đức Giám mục Brno – và tôi xin cám ơn người đã dùng những lời lẽ thân tình để nói với tôi vào đầu Thánh lễ – cũng như các Đức Hồng y và Giám mục khác đang có mặt. Tôi xin chào các linh mục, phó tế, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và những người hoạt động mục vụ, các bạn trẻ và rất nhiều gia đình. Tôi trân trọng kính chào các cấp Lãnh đạo dân sự và quân sự, và đặc biệt hơn cả là ngài Tổng thống nước Cộng hoà và Phu nhân, ông Thị trưởng thành phố Brno và Chủ tịch Vùng Moravie, là vùng đất rất phong phú về lịch sử, về hoạt động văn hoá, công nghiệp và thương mại. Ngoài ra, tôi thân ái chào các khách hành hương đến từ vùng Moravie và từ các giáo phận Slovaquie, từ Ba Lan, từ Áo và Đức.

Các bạn thân mến, dựa theo bản tính của Cộng đoàn phụng vụ hôm nay, tôi sẵn lòng ủng hộ quyết định của Đức Giám mục giáo phận anh chị em muốn đưa các bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ hôm nay vào trong chủ đề đức cậy: tôi ủng hộ quyết định này khi nghĩ đến Quốc gia rất thân yêu của anh chị em, cũng như châu Âu và toàn thể nhân loại đang khao khát một cái gì đó làm nền tảng vững chắc cho tương lai của mình. Trong Thông điệp Thứ Hai,, của tôi – Spe salvi – được cứu rỗi trong niềm hy vọng, tôi đã nhấn mạnh rằng niềm trông cậy duy nhất “chắc chắn” và “đáng tin” (x. s.1) phải dựa trên Thiên Chúa. Kinh nghiệm lịch sử cho ta thấy con người sẽ đi đến những điều phi lý nào khi con người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi phạm vi lựa chọn và hành động của mình, và xây dựng một xã hội rút cảm hứng từ những giá trị của sự thiện, của công lý và tình huynh đệ thì chẳng dễ dàng chút nào, vì hữu thể nhân văn có tự do và tự do ấy thì vẫn luôn mỏng manh. Như thế, ta phải luôn chinh phục tự do để phục vụ sự thiện và vất vả tìm kiếm “đường lối đúng đắn để tổ chức những điều liên quan đến con người”, đó là nhiệm vụ của mọi thế hệ (x. sđd, 24-25). Chính vì thế, các bạn thân mến, chúng ta đang có mặt nơi đây, trước tiên là để lắng nghe, lắng nghe một lời nói chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới niềm hy vọng; và còn hơn thế nữa, chúng ta lắng nghe một lời nói, và chỉ lời nói ấy mới có thể mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc, bởi vì đó là Lời của Thiên Chúa.

Trong Bài đọc một (Is 61,1-3a), Tiên tri Isaia tự giới thiệu mình như người được Chúa trao cho sứ mệnh công bố công cuộc giải thoát, sự an ủi và niềm vui cho tất cả những ai u buồn, tất cả những ai nghèo khổ. Đức Giêsu đã lấy lại bản văn này và đã áp dụng cho mình khi Người đi rao giảng. Hơn nữa, Người đã khẳng định một cách rõ ràng rằng lời sấm của Tiên tri Isaia nay đã được ứng nghiệm nơi Người (x. Lc 4,16-21). Lời hứa ấy đã hoàn toàn được thể hiện qua cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá, và qua việc Người sống lại từ trong kẻ chết, khi Người giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của ích kỷ và điều ác, của tội lỗi và cái chết. Và đó là lời loan báo ơn cứu độ, đã cổ xưa, nhưng vẫn còn luôn mới mẻ, và Giáo Hội vẫn còn tiếp tục loan báo từ thế hệ này qua thế hệ khác rằng Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại là Niềm Hy vọng của nhân loại!

Ngày hôm nay cũng thế, lời cứu độ này vẫn còn âm vang một cách mạnh mẽ trong Cộng đoàn phụng vụ của chúng ta. Tôi xin thân ái chào anh chị em, là những người con rất thân yêu của mảnh đất được chúc phúc này, mảnh đất mà hạt giống Tin Mừng đã được gieo xuống từ hơn một thiên niên kỷ nay. Đất nước của anh chị em, cũng như các quốc gia khác, đang trải qua một hiện tình văn hoá thường biểu thị một thách đố triệt để đối với đức tin, và như thế, đối với đức cậy. Thật thế, hiện nay, đức tin cũng như đức cậy đã “bị dời chỗ”, bởi vì người ta đã xếp xó hai nhân đức này vào trong bình diện tư nhân và hoàn toàn mang tính trần thế, trong khi đó thì trong đời sống cụ thể và công cộng, niềm hy vọng vào sự tiến bộ của khoa học và kinh tế lại được khẳng định (x. Spe salvi, – được cứu rỗi trong niềm hy vọng -, s.17). Tất cả chúng ta đều biết rằng một sự tiến bộ như thế thì rất nhập nhằng: nó đồng thời vừa mở ra những khả thể tốt đẹp, nhưng cũng lại mở ra những viễn cảnh tiêu cực. Những phát triển về mặt kỹ thuật và cải thiện các cơ cấu xã hội thì quan trọng và chắc chắn là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ để bảo đảm cho xã hội được sung túc về mặt luân lý (x. sđd, 24). Con người cần được giải phóng khỏi những bó buộc về mặt vật chất, nhưng cũng cần phải được cứu thoát, và một cách sâu xa hơn, phải được giải thoát khỏi những điều ác đang khuấy động tâm trí con người. Và ai có thể cứu thoát được con người chúng ta, nếu không phải là Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã mạc khải dung mạo một người Cha toàn năng và giàu lòng thương xót trong Đức Giêsu Kitô? Như thế, niềm hy vọng vững chắc của chúng ta dựa vào Đức Kitô: trong Người, Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến cùng và đã ban cho chúng ta sự sống dồi dào (x. Ga 10,10), sự sống mà bất cứ ai cũng thiết tha mong mỏi ngay cả khi họ không ý thức.

“Hãy đến với Tôi, tất cả anh em là những người gồng gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời mời gọi trên đây của Đức Giêsu, được viết thành những dòng chữ lớn trên cửa chính nhà thờ chánh toà Brno của anh chị em, giờ đây đang nói với mỗi người trong anh chị em. Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29-30). Chúng ta có thể nào dửng dưng được với tình yêu của Chúa? Ở đây cũng như ở những nơi khác, qua dòng thời gian, nhiều người đã phải chịu đau khổ để sống trung thành với Tin Mừng và đã không hề đánh mất niềm trông cậy. Nhiều người đã hy sinh đời mình để mang lại cho con người phẩm giá và cho các dân tộc sự tự do, những con người đó tìm được sức mạnh để xây dựng một xã hội mới, khi họ quảng đại gắn bó với Đức Kitô. Tuy nhiên, trong xã hội ngày hôm nay, nơi mà nhiều loại hình đói nghèo là hậu quả của cô lập, thiếu vắng tình yêu tha nhân, chối từ Thiên Chúa, con người khép kín ngay từ đầu một cách bi thảm và nghĩ rằng mình chẳng cần ai, hoặc mình chỉ là một sự kiện vô nghĩa và chóng qua; trong thế giới tha hoá này “khi con người đặt niềm tin vào những dự phóng hoàn toàn mang tính nhân văn” (x. Caritas in Veritate – Bác ái trong Chân lý –, s.53), thì chỉ mình Đức Kitô mới có thể là niềm trông cậy vững vàng cho chúng ta. Đó chính là điều mà chúng ta, với tư cách là Kitô hữu, được Chúa mời gọi loan báo mỗi ngày qua chứng tá cuộc đời của chúng ta.

Hãy loan báo sứ điệp này, hỡi anh em là những linh mục thân mến, bằng cách sống kết hiệp với Đức Giêsu và hăng hái thi hành thừa tác vụ của mình, và xác tín rằng những ai phó thác nơi Chúa thì chẳng thiếu thốn gì. Hãy làm chứng cho Đức Kitô, hỡi anh chị em là những tu sĩ nam nữ thân mến, làm chứng bằng cách vui vẻ thực thi và gắn bó với những lời khuyên Phúc Âm, và chỉ cho mọi người thấy quê trời mới là quê hương thật sự của chúng ta. Về phần anh chị em, hỡi anh chị em tín hữu thân mến, hỡi những bạn trẻ và người trưởng thành thân mến, hỡi các gia đình thân mến, dựa trên niềm tin vào Đức Kitô, anh chị em đang xây dựng những dự tính cho gia đình, cho công việc, cho học vấn và cho những hoạt động thuộc mọi lĩnh vực trong xã hội. Đức Giêsu không bao giờ bỏ rơi bạn hữu của mình. Người bảo đảm là Người luôn giúp đỡ họ, vì không có Người, ta chẳng làm được gì nên thân, nhưng đồng thời, Người lại yêu cầu mỗi người trong chún ta dấn thân để loan truyền sứ điệp tình yêu và hoà bình phổ quát của Người. Ước gì gương sáng của hai Thánh Cyrillô và Mêthôđô, là Thánh quan thầy chính của vùng Moravie này, và là những người đã loan truyền Phúc Âm cho các dân tộc Slaviô, và gương của hai Thánh Phêrô và Phaolô mà nhà thờ chánh toà của anh chị em được cung hiến khích lệ anh chị em! Hãy bước theo chứng tá sáng ngời của Thánh nữ Zdislava, là hiền mẫu của gia đình, rất giàu lòng bác ái và thương người; chứng tá sáng ngời của Thánh Gioan Sarkander, là Linh mục Tử đạo; chứng tá của Thánh Clément-Marie Hofbauer, linh mục và là tu sĩ, đã sinh trưởng trong Giáo phận này và đã được phong Thánh cách đây 100 năm, chứng tá của Chân phước Kafkova, là nữ tu sinh trưởng tại Brno và đã bị Đức quốc xã giết chết tại Vienne. Ước gì Đức Maria, là Mẹ của Đức Kitô và là Niềm Hy Vọng của chúng ta, đồng hành với anh chị em và bảo vệ anh chị em. Amen.