“Tiệc” nghệ thuật trước trung thu

Trong số 18 tiết mục tham gia liên hoan chỉ có hai tiết mục rối nước: Không gian trắng của Nhà hát Múa rối VN vàThiêng liêng hai tiếng đồng bào của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ðây cũng là “ngón nghề” riêng mà VN muốn “khoe” với bạn bè quốc tế.

 “Tiệc” nghệ thuật trước trung thu

Sáng 8-9, rạp 27 Ðinh Tiên Hoàng, Hà Nội khán giả nườm nượp kéo đến xem vở rối nước Thiêng liêng hai tiếng đồng bào - một trong hai tiết mục rối nước tham gia Liên hoan múa rối quốc tế 2012.

 

Trẻ em thích xem múa rối (ảnh chụp tại rạp Hồng Hà) – Ảnh: Đức Triết

 

Trong số 18 tiết mục tham gia liên hoan chỉ có hai tiết mục rối nước: Không gian trắng của Nhà hát Múa rối VN vàThiêng liêng hai tiếng đồng bào của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ðây cũng là “ngón nghề” riêng mà VN muốn “khoe” với bạn bè quốc tế.

Nghệ sĩ David – Nhà hát Múa rối Key (Israel) – cùng hai cậu con trai sau 40 phút chăm chú xem vở Thiêng liêng hai tiếng đồng bào, bày tỏ: “Tôi đã được xem múa rối nước VN ở Israel, đã thấy hay và hấp dẫn. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên được xem ở ngay chính chiếc nôi sinh ra rối nước, tôi mới thật sự cảm nhận được hồn điệu của nghệ thuật này. Ngoài ra, nhờ có bảng phụ đề tiếng Anh, tôi hiểu được cả câu chuyện các bạn kể”.

Liên hoan múa rối đã thu hút được sự yêu mến của trẻ nhỏ ở Hà Nội. Ngay từ đêm khai mạc, Nhà hát lớn Hà Nội đã chật ních khán giả nhí. Vở rối cạn Giai điệu ký ức của đoàn Hải Phòng đã khiến bọn trẻ im thin thít theo dõi từng màn diễn vì câu chuyện khá trừu tượng so với lứa tuổi của mình. Vở Alađin của Nhà hát Múa rối VN lại đem đến cho các em một không khí sôi động. Chúng cười hả hê khi lão phù thủy Jafar bị lừa vào cây đèn thần. Chúng hồi hộp theo dõi rối Alađin thực hiện những động tác khó để tìm được đèn thần trong hang sâu… Cậu bé Quang Thành – học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh – nói: “Hôm trước cháu đã xem Alađin rồi. Thế nhưng hôm nay xem lại vẫn không thấy chán”.

Ðến những ngày các nước bạn biểu diễn, các rạp đã chủ động mời trẻ từ các trường mầm non lân cận đến xem và cổ vũ. Trẻ háo hức dù không hiểu hết được câu chuyện mà mỗi chương trình, trò rối được nước bạn kể. Dẫu vậy, những con rối đủ màu sắc với trang phục truyền thống lộng lẫy của mỗi dân tộc vẫn đủ sức hấp dẫn các bé xem đến cùng. Bé Thùy Trang, 5 tuổi (Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ, Thanh Xuân) khi đến xem chương trình rối bóng Công chúa Mặt trăng của đoàn Far, Israel đã cảm nhận: “Con không hiểu nhiều về nội dung nhưng con rất thích. Vì lần đầu tiên con được thấy những con rối in bóng lên phông. Con thích nhất là hình ảnh cô bé bay lên mặt trăng”.

“Cả một rạp chật đầy khán giả nhí. Ðấy là niềm vui, niềm động viên rất lớn dành cho nghệ sĩ, ban tổ chức. Nhìn quang cảnh này, tôi lại nhớ đến câu nói của Bác Hồ khi đề nghị đoàn rối của Tiệp Khắc: “Trẻ con chúng tôi còn thiếu niềm vui và tiếng cười, rất mong các bạn xây dựng giúp cho chúng tôi đoàn múa rối”. Hiện nay các nhà hát phục vụ cho thanh thiếu nhi ở cả nước còn rất ít. Nếu như các loại hình này được đầu tư thích đáng, đầu tư đúng chuyên môn, chuyên ngành, đúng loại hình của nó thì rất bổ ích cho sự định hướng phát triển tính cách tương lai cho tâm hồn trẻ thơ sau này” – ông Nguyễn Thành Nhân, chủ tịch hội đồng giám khảo, trưởng ban tổ chức, nói.

 

 

 

Vở rối nước Thiêng liêng hai tiếng đồng bào – Ảnh: Đức Triết

 

Có 57 nghệ sĩ của 11 đoàn nghệ thuật múa rối đến từ các nước Israel, Campuchia, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào cùng với năm đoàn VN: Nhà hát Múa rối trung ương, Nhà hát múa rối Thăng Long, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, CLB múa rối Đắk Lắk, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hà Tĩnh tham gia Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ III. Liên hoan diễn ra từ ngày 4 đến 10-9-2012 tại Hà Nội.

Ngay sau các buổi biểu diễn để dự thi, các nghệ sĩ múa rối đã biểu diễn liên tục tại các rạp Hồng Hà, Đinh Tiên Hoàng, Trường Chinh. Đặc biệt, trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, các đoàn đã biểu diễn ở công viên nước Hồ Tây để phục vụ được đông đảo khán giả hơn.