Những hạt giống quý của buôn làng

Nghèo khó khiến chuyện học sinh bỏ học trở nên bình thường ở những buôn làng Tây nguyên. Nhưng cũng ở đó vẫn có những người học trò dân tộc thiểu số quyết tâm vượt nghèo để đến giảng đường đại học

 Những hạt giống quý của buôn làng

Nghèo khó khiến chuyện học sinh bỏ học trở nên bình thường ở những buôn làng Tây nguyên. Nhưng cũng ở đó vẫn có những người học trò dân tộc thiểu số quyết tâm vượt nghèo để đến giảng đường đại học.

 

 

Trước khi nhập học, Ka Huynh (phải) là một trong những lao động chính của gia đình – Ảnh: MAI VINH

 

Để Ka Huynh (dân tộc K’Ho, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có được cơ hội đến trường, cả ba anh chị của cô phải bỏ học… Và cô đã chắt chiu cơ hội ấy để trở thành tân sinh viên Đại học Đà Lạt.

Những cuộc chạy tiếp sức ngậm ngùi…

Mặc dù ngày 5-9 đã phải nhập học, nhưng đến chiều 3-9 Ka Huynh mới biết chắc chắn mình sẽ đi học đại học. Khi cô đang làm cỏ lúa thì bố cô, ông K’Brẹp, bảo cô về chuẩn bị hành lý rồi đón xe lên Đà Lạt. Gặng hỏi mãi Ka Huynh mới biết bố vừa vay nóng ngoài thị trấn 3 triệu đồng. Và lúc này Ka Huynh hiểu vì sao lúc nhận giấy báo trúng tuyển mẹ cô chỉ vui một thoáng. Buổi tối hôm đó cô thấy bố mẹ nói chuyện riêng. Câu chuyện loáng thoáng lọt vào tai Ka Huynh, từ nay bố mẹ sẽ không mua thuốc điều trị viêm khớp và thần kinh tọa để hằng tháng có 1,3 triệu đồng lo cho cô học đại học.

Chưa dứt câu chuyện cô đã nghẹn ngào: “Em không biết là việc em cầm 3 triệu đồng bố đưa đúng hay sai nữa. Em cứ bị dằn vặt mãi rằng mình làm vậy là ích kỷ. Nhưng em nghĩ nếu không học tiếp thì cuộc sống của em và gia đình mãi không thể thay đổi, chỉ quẩn quanh với cái nghèo này mà thôi”. Ông K’Brẹp kể rằng các anh chị của Ka Huynh đều học tốt, thầy cô đều khen và động viên đến trường. Nhưng nghèo quá nên các con ông lần lượt nghỉ học kiếm ăn. “Càng nghĩ càng tội, trước khi nghỉ học đứa nào cũng tự an ủi là dành cơ hội cho đứa sau”-ông K’Brẹp lắc đầu nói. Mới đây, trong thư gửi chương trình “Tiếp sức đến trường”, cô đã thay đổi ước mơ của mình: “Trước đây em quyết tâm để thành cô giáo dạy văn, nhưng giờ em sẽ gắng sức để thành một giảng viên”. Ước mơ của Ka Huynh cũng là ước mơ của gia đình và dòng họ.

 

Tiếp sức 150 tân sinh viên nghèo Tây nguyên

Sáng 8-9 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Giáo dục – đào tạo, Tỉnh đoàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 150 tân sinh viên khu vực Tây nguyên (trị giá 5 triệu đồng/suất).

Học bổng “Tiếp sức đến trường” nằm trong chuỗi chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ nhằm giúp đỡ những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập. Chương trình do Giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ, VTV9 và Vietnam Golf tổ chức) tài trợ.

Theo cách nghĩ của Ka Huynh thì việc học cũng như một cuộc chạy tiếp sức, cô là người chạy ở chặng cuối cùng, còn bố mẹ và các anh chị là người chạy chặng đầu. Nếu cô ngừng lại thì mọi hi sinh, cố gắng của người trước sẽ trở nên vô nghĩa. Cuộc chạy tiếp sức nhiều ngậm ngùi đó cũng diễn ra ở gia đình của tân sinh viên Đại học Kinh tế Huế Rơ Ô H’Ir (xã Ia Bro awi, huyện Ia Pa, Gia Lai). Mặc dù gia đình lần lượt bán hai trong ba sào đất để bảy anh em Rơ Ô H’Ir được đến trường nhưng rồi mọi cố gắng cũng trở nên tuyệt vọng. Sáu anh chị của cô lần lượt bỏ học, tất cả hi vọng đành gửi lại cho Rơ Ô H’Ir: “Anh chị sẽ lo kiếm ăn giúp bố mẹ, còn em phải học để lo những chuyện lớn hơn trong nhà”. Nhìn anh chị lầm lũi trong cái nắng rát da để trồng từng cây bắp, cô tự nhủ: “Mình phải là người có chữ để lo chuyện lớn trong nhà”. Trong kỳ tuyển sinh 2012, H’Ir là người dân tộc ít người duy nhất của xã vào được đại học.

 

Sau khi nhập học, trong túi H’Ir chỉ có 300.000 đồng. Cô nói: “Phải kiếm việc làm ngay thôi, em không dám báo gia đình nữa sợ mọi người lo. Hôm em nhập học, các anh chị phải chạy mọi đường gom góp mới đủ học phí”.

Con đường duy nhất

Cậu học trò người dân tộc Châu Mạ K’Hải đỗ vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM với điểm số 21 khiến người dân buôn B’Ké (Đạ Huoai, Lâm Đồng) bất ngờ. K’Hải là người đầu tiên của buôn đậu đại học. Nhà K’Hải có đến chín anh em nên chuyện học trong gia đình cậu như một điều xa xỉ, chỉ lo cái ăn trong nhà đã mỏi mệt.

Nơi K’Hải sống, cứ hết lớp 5 thì học trò bắt đầu vào rừng kiếm sống như một cái lệ. Em song sinh của K’Hải cũng bỏ học sớm và nhiều lần K’Hải tính đến chuyện cùng em vào rừng. “Hằng đêm nằm ở nhà, em nghe tiếng xe máy gầm gừ trên những con đường từ rừng đến nhà. Đó là lúc bạn bè em chở gỗ về, tiếng bánh xe bọc xích chạm vào nền đá nghe lạnh buốt… Chính lúc này em bỏ hẳn ý định bỏ học. Em phải làm điều gì đó khác hơn cái lệ cứ đến tuổi là bỏ học để đi làm rẫy. Phải kiếm được tiền theo cách của người được đi học”, Hải tâm sự. Đã chuẩn bị xong đồ đạc để vào TP.HCM nhưng Hải vẫn chưa biết mẹ sẽ cho cậu bao nhiêu tiền để nhập học: “Bao nhiêu cũng được, chỉ là vốn ban đầu, em sẽ đi làm thêm”. Trong hành lý Hải mang theo có một nỗi buồn: “Từ lúc đậu đại học, em chưa thấy mẹ cười vui. Nỗi lo từng bữa ăn vẫn còn đeo bám mẹ”.