23/11/2024

Thắc mắc 8: Khuynh hướng “Giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của R. Bultmann

Trong những bài giảng gần đây thỉnh thoảng cha có nhắc đến khuynh hướng “giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của R. Bultmann. Cha có thể nói rõ hơn về khuynh hướng này và lượng giá nó được không?

 

Khuynh hướng “Giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của R. Bultmann
Câu hỏi:
Trong những bài giảng gần đây thỉnh thoảng cha có nhắc đến khuynh hướng “giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của R. Bultmann. Cha có thể nói rõ hơn về khuynh hướng này và lượng giá nó được không? (Sinh viên lớp Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình – Học viện Mến Thánh Giá).
Trả lời:
Các bạn nên đặt câu hỏi này cho các giáo sư Thánh Kinh thì đúng hơn vì tôi chỉ là người nghiên cứu về Kitô học. Tuy nhiên chủ trương giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng của ông Rudoft Bultmann đặc biệt liên quan tới Kitô học vì nó chối bỏ tất cả những phép lạ, những biến cố kỳ diệu như cuộc Sống lại, Lên Trời của Đức Giêsu Kitô nên cũng rất đáng cho ta tìm hiểu. Tôi xin trả lời trong khả năng của mình.
1. Ông R. Bultmann là ai?
Trước hết, ta nên biết qua về thân thế sự nghiệp ông một chút. Ông Rudoft Bultmann sinh ngày 20-8-1884 ở Wiefelstede, nước Đức và mất ngày 30-7-1976 tại Marburg, nước Đức. Ông là nhà thần học Tin Lành , phái Lutheran, và nghiên cứu Thánh Kinh Tân Ước. Năm 1921 ông viết cuốn “Lịch sửTruyền thống Nhất Lãm”và được đánh giá cao về việc nghiên cứu Tin Mừng. Ông viết khá nhiều sách về Tân Ước như Tin Mừng theo Thánh Gioan (1941), Tân Ước và Huyền thoại (1941), Thần học Tân Ước (1948-1953), Lời rao giảng ban đầu (Kerygma) và thần thoại (1953), Tôn giáo mà không thần thoại (1954) viết chung với triết gia Karl Jaspers, Huyền thoại Kitô giáo (1958). Ông cũng là bạn thân và chịu nhiều ảnh hưởng của triết gia Martin Heidegger.
2. Chủ trương giải trừ huyền thoại cho Tân Ước là gì và nhắm mục đích gì?
Nói đơn giản chủ trương này cho rằng: trong sách Tin Mừng có nhiều điều lạ lùng, không tưởng, được gọi là huyền thoại, cần phải loại bỏ để con người thời nay dễ dàng đón nhận hơn.
Những huyền thoại đó là những phép lạ của Chúa Giêsu như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho bành cá hoá nhiều, đi trên mặt biển… hoặc các biến cố đặc biệt như sống lại, lên trời, hiện ra cùng các môn đệ, Chúa Thánh Thần hiện xuống…
Những huyền thoại đó làm cho con người thời nay không còn tin vào Tin Mừng vì coi đó như một cuốn truyện thần thoại, đầy những chuyện lạ lùng, không thật, như truyện Tây Du Ký hoặc các truyện tưởng tượng của các nhân vật ngoài hành tinh, khiến cho có người đặt giả thuyết rằng Đức Giêsu là người ngoài trái đất mới có thể làm được những điều lạ lùng như thế. Con người thời nay rất thực tế, lại được khoa học, kỹ thuật hướng dẫn, nên nếu muốn cho Tin Mừng được họ đón nhận và sống theo, R. Bultmann chủ trương phải giải trừ các huyền thoại trong Tin Mừng.
Ý hướng tốt lành của ông đáng ta trân trọng, nhưng chủ trương loại bỏ mọi điều lạ lùng trong cuộc đời của Đức Giêsu, biến Người thành “1 con người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi” thì Chúa Giêsu có còn là Đấng đáng ta tin yêu không? Những điều lạ lùng ấy là những dấu hiệu để ta nhận biết Người là Chúa, và Tin Mừng mới thật sự giải thoát, biến đổi và giúp ta trở thành Thiên Chúa như Người. Loại bỏ những điều lạ lùng đó, Tin Mừng có thể dễ hiểu hơn, nhưng không còn là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô mà chỉ còn là Tin Mừng của R. Bultmann.
3. R. Bultmann làm gì để thực hiện chủ trương của mình?
Vì là nhà thần học Tin Lành, R. Bultmann nghiên cứu Thánh Kinh rất sâu xa và trung thành với nguyên tắc nền tảng “sola fides, sola Scriptura” (chỉ cần đức tin, chỉ cần Kinh Thánh). Tuy nhiên để Tin Mừng có thể được đón nhận với đức tin, ông cho rằng người ta phải hiểu được bài học của Thiên Chúa hay Đức Giêsu gửi đến cho con người thời nay, chứ đừng để những huyền thoại lạ lùng dẫn mình đến đời sống không tưởng. Các phép lạ đầy dẫy trong Tin Mừng Chúa Giêsu làm cho người ta có cảm tưởng rằng Chúa Giêsu làm phép lạ khắp nơi trong khi nghiên cứu, so sánh người ta lại thấy nhiều phép lạ hình như được lặp lại do định luật truyền miệng và được chép lại nhiều lần. Hơn nữa, người tín hữu còn được khuyến khích làm những phép lạ đó (x. Mc 16,15-20) mà lại không làm được!
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống hiện nay, với sự khám phá của khoa học, nhiều phép lạ có thể giải thích cách dễ hiểu hơn, y học cũng đã chữa được nhiều bệnh tật thời Chúa Giêsu, những trường hợp chữa người bệnh bị tà ma ám ảnh có thể chỉ là những trường hợp mắc bệnh thần kinh phân liệt hay hoang tưởng. Vì thế, R. Bultmann đã cố gắng giải thích những đoạn văn huyền thoại đó theo cách mới để giới thiệu những ý nghĩa thiên liêng nhằm giúp người thời nay hiểu và sống Tin Mừng.
Thí dụ: Sách Tin Mừng nhiều lần kể lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (x. Mt 14,13-21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-10; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14). Ông cho rằng nếu đọc và nghiên cứu kỹ, người ta sẽ khám phá ra nhiều điều khó tin: số lượng người ăn quá lớn và không thống nhất từ 5.000 người đến 5.000 đàn ông không kể đàn bà, con trẻ. Số lượng khác biệt là do Tin Mừng trước khi được viết thành sách cho mỗi cộng đồng thì đã được truyền miệng trong 1 khoảng thời gian, càng truyền lâu, con số càng lớn.
Ông nghĩ rằng tại sao các nhà nghiên cứu Thánh Kinh lại phải hao tổn công sức tranh luận về những con số phép lạ hay số người ăn. Đức Giêsu cũng không muốn làm ảo thuật rút ra từ trong 1 cái rổ hết tấm bánh này đến tấm bánh khác rồi đưa cho các môn đệ phân phát cho dân chúng. Nguyên việc rút ra mấy ngàn tấm bánh cũng tốn rất nhiều giờ, huống chi còn có những con cá nhỏ nữa! Phép lạ không nhằm diễn tả quyền năng siêu việt, lạ lùng của Đức Giêsu, nhưng ý nghĩa thật sự của đoạn Tin Mừng này nằm ở nơi khác.
R. Bultmann giải thích như sau: Đức Giêsu là nhà giảng thuyết đại tài, rất thu hút quần chúng nên họ lũ lượt theo Người, say mê lời Người giảng. Vì thế, Đức Giêsu phải tìm các nơi hoang vắng, rộng rãi để quy tụ đám đông. Những người này luôn mang theo đồ ăn, thức uống dự trữ để tránh phải đi mua hay phải mua giá mắc. Do đó khi Người giảng về tình yêu vô bờ của Cha Trên Trời và kêu gọi chia sẻ quảng đại cho nhau thì quần chúng đều đưa ra những đồ ăn dự trữ của họ. Nhờ vậy, cả ngàn người đều ăn no và còn dư được nhiều thúng bánh vụn.
Giải thích phép lạ hoá bánh như thế vừa tránh được cách hiểu Tin Mừng theo nghĩa huyền thoại vừa nêu bật ý nghĩa hành động của Đức Giêsu và con người thời nay dễ dàng chấp nhận đoạn Tin Mừng này! Kết quả là rất nhiều nhà thần học thời nay, ngay cả trong Giáo hội Công giáo, đón nhận khuynh hướng này. Người ta chối bỏ tất cả những gì bị coi là huyền thoại trong cuộc đời Đức Giêsu, nhất là biến cố sống lại của Người. Chúng chỉ còn mang ý nghĩa thiêng liêng chứ không phải là những sự kiện có thật trong lịch sử.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định rằng: khuynh hướng này, nếu đi tới cùng, sẽ phá đổ lòng tin của người tín hữu, đúng như thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14-19).
Tóm lại, khuynh hướng giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng của Rudoft Bultmann ảnh hưởng rất nhiều đến Kitô học và nguy hiểm cho lòng tin của người tín hữu. Muốn giải trừ được khuynh hướng này chúng ta phải giải đáp được những khó khăn đặt ra cho các nhà chú giải Tin Mừng. Chúng ta sẽ bàn đến các giải đáp này trong những số tới.