Hai hình ảnh của Thánh Thần: Gió mạnh và Lửa hồng

Để mô tả Chúa Thánh Thần, trong trình thuật về lễ Ngũ Tuần, sách Công vụ Tông đồ sử dụng hai hình ảnh lớn: hình ảnh giông bão và hình ảnh lửa.Trong thế giới cổ xưa, giông bão được xem là dấu chỉ quyền năng của thần linh, và đứng trước sức mạnh này, con người cảm thấy bị khuất phục và vô cùng sợ hãi.

 Hai hình ảnh của Thánh Thần: Gió mạnh và Lửa hồng


Bài giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Tại Nhà nguyện Đức Thánh Cha, Vương cung Thánh đường Vatican
Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31/5/2009

Anh chị em thân mến!
Cứ mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta đều sống trong đức tin mầu nhiệm được thực hiện trên bàn thờ, nghĩa là chúng ta tham dự vào hành động cùng tận của tình yêu mà Đức Kitô đã thực hiện qua cái chết và sự phục sinh của Người. Và sau đó, trọng tâm duy nhất này, trọng tâm của phụng vụ và của đời sống Kitô hữu – mầu nhiệm Phục Sinh – qua những ngày lễ trọng và lễ kính, mặc lấy những “hình thái” đặc thù, với những ý nghĩa khác nhau và những ân ban đặc biệt. Trong số các ngày lễ trọng này, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nổi bật hẳn lên do tầm quan trọng của nó, bởi vì mục đích của toàn bộ sứ mạng của Đức Giêsu ở trần gian mà chính Người đã tiên báo đã được ứng nghiệm trong ngày lễ này.

Quả thật, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Thầy đã đến mang lửa xuống trần gian này và Thầy mong muốn biết bao cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên!” (Lc 12,49). Lời Chúa nói đã được ứng nghiệm một cách hiển nhiên nhất vào ngày lễ Ngũ Tuần, được cử hành 50 ngày sau lễ Phục Sinh, là ngày lễ cổ xưa của người Do Thái, và đã trở thành ngày lễ trọng mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Giáo Hội: “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa;… và bấy giờ tất cả đều tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần” (Cv 2,3-4). Lửa đích thực, là Chúa Thánh Thần, đã được Đức Kitô mang đến trần gian này. Người không cướp lửa từ tay các thần linh, như Prométhée đã làm, dựa theo thần thoại Hy Lạp, nhưng Người đóng vai trò là trung gian của “hồng ân Thiên Chúa”, và Người đã có được ngọn lửa này, bằng tác động tình yêu vĩ đại nhất trong lịch sử, đó là cái chết của Người trên Thập giá.

Thiên Chúa muốn tiếp tục trao ban “lửa” này cho mỗi thế hệ con người, dĩ nhiên Người có toàn quyền tự do muốn làm khi nào và như thế nào là hoàn toàn do ý Người muốn. Người là thần khí, và thần khí muốn “thổi đâu thì thổi” (x. Ga 3,8). Nhưng có một “con đường bình thường” mà Người đã chọn để “đưa lửa xuống trần gian này”; con đường này, chính là Đức Giêsu, người Con độc nhất của Thiên Chúa đã nhập thể, đã chết và sống lại. Và khi thời gian đến hồi viên mãn, Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như Nhiệm thể của Người, để cho Giáo Hội kéo dài sứ mệnh của Người trong lịch sử. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” – Người đã nói với các Tông đồ vào buổi chiều phục sinh, và sau khi nói, Người đã làm một cử chỉ đầy ý nghĩa: Người đã “thổi hơi” trên họ (x. Ga 20,22). Và như thế, Người cho họ thấy Người đã chuyển trao cho họ Thần Khí của Người, Thần Khí của Cha và của Con. Và bây giờ, thưa anh chị em thân mến, trong ngày lễ trọng hôm nay, lại một lần nữa, Thánh Kinh nói cho ta biết một cộng đoàn phải sống như thế nào, chúng ta phải sống như thế nào, để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Trong trình thuật mô tả biến cố ngày lễ Ngũ tuần, tác giả thánh nhắc lại các môn đệ “cùng nhau tụ họp tại một địa điểm”. “Địa điểm” này là phòng Tiệc Ly, “căn phòng ở lầu trên”, nơi Đức Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly với các Tông đồ, nơi Người đã hiện ra sau khi sống lại, có thể nói được căn phòng này đã trở nên “trụ sở” của Giáo Hội sơ khai (x. Cv 1,13). Tuy nhiên, Sách Công vụ Tông đồ không nhấn mạnh đến địa điểm thể lý cho bằng muốn làm cho chúng ta ghi nhận thái độ nội tâm của các môn đệ: “Tất cả cùng một lòng một trí, chuyên tâm cầu nguyện” (Cv 1,14). Như vậy, sự hoà hợp giữa các môn đệ là điều kiện cần thiết cho Chúa Thánh Thần hiện xuống; và sự hoà hợp giả định cần phải có sự cầu nguyện.

Anh chị em thân mến, điều này cũng đúng cho Giáo Hội ngày hôm nay, và cũng đúng cho chúng ta đang tụ họp nhau nơi đây. Nếu chúng ta không muốn giản lược ngày lễ Hiện Xuống thành một nghi lễ đơn thuần hay một lễ tưởng niệm, cho dầu là hết sức gợi cảm, nhưng muốn cho đại lễ này là một biến cố hiện tại mang ơn cứu độ, thì chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn chờ đợi hồng ân Chúa ban, bằng cách khiêm nhường và thinh lặng lắng nghe Lời Chúa. Để cho biến cố Hiện Xuống được tái diễn trong thời đại chúng ta, thì có lẽ Giáo Hội – không hề ngăn cả Thiên Chúa tự do hành động – phải bỏ bớt những hoạt động “gây mỏi mệt”, và chú tâm nhiều hơn nữa cho kinh nguyện. Đó là điều mà Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh, Mẹ của Giáo Hội, và Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, đã dạy dỗ chúng ta.

Năm nay, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống rơi đúng vào ngày cuối tháng 5, ngày mà chúng ta thường cử hành lễ Đức Bà đi thăm viếng bà Elizabeth. Lễ này cũng là một loại lễ “Hiện Xuống” nhỏ làm vọt lên niềm vui và lời ca tụng phát xuất từ tâm hồn bà Elizabeth và Đức Maria, một người thì son sẻ, còn người kia là trinh nữ, và cả hai đã được làm mẹ nhờ một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa (x. Lc 1,41-45). Âm nhạc và lời ca đệm trong nghi lễ phụng vụ cũng giúp chúng ta tâm đầu ý hợp trong kinh nguyện, đo đó, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với ca đoàn của nhà thờ chánh toà và giàn nhạc thính phòng (Kammerorchester) của thành phố Cologne. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày Joseph Haydn qua đời, thật là thích hợp khi chúng ta chọn bài Harmoniemesse cho buổi cử hành phụng vụ hôm nay, một tác phẩm cuối trong loạt bài “Messes” của nhà soạn nhạc vĩ đại này, một bài giao hưởng tuyệt vời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Tôi xin thân ái chào tất cả anh chị em đến đây tham dự lễ kỷ niệm này.

Để mô tả Chúa Thánh Thần, trong trình thuật về lễ Ngũ Tuần, sách Công vụ Tông đồ sử dụng hai hình ảnh lớn: hình ảnh giông bão và hình ảnh lửa. Rõ ràng là Thánh Luca đã có trong đầu cuộc thần hiện trên núi Sinai, được Sách Xuất Hành (19,16-19) và Sách Đệ Nhị Luật (4, 10-12.36) kể lại. Trong thế giới cổ xưa, giông bão được xem là dấu chỉ quyền năng của thần linh, và đứng trước sức mạnh này, con người cảm thấy bị khuất phục và vô cùng sợ hãi. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác nữa: giông bão được mô tả như một “cơn gió mạnh” và điều này làm chúng ta liên tưởng tới không khí làm cho hành tinh của chúng ta khác với những tinh đẩu khác và cho phép chúng ta có thể sống được trên hành tinh này. Sự sống của sinh vật cần đến không khí như thế nào, thì sự sống thiêng liêng cũng cần đến Thánh Thần như thế ấy, và cũng như không khí bị ô nhiễm làm cho môi trường và các sinh vật có sự sống bị ngộ độc, thì cũng thế, tâm hồn và tâm trí bị ô nhiễm làm chết ngạt và đầu độc cuộc sống thiêng liêng. Cũng như ta không được làm quen với khí độc – chính vì thế mà ngày hôm nay vấn đề sinh thái được xem là một ưu tiên – thì chúng ta cũng phải xa lánh những gì làm biến chất tinh thần chúng ta.

Thế nhưng, dường như người ta lại càng dễ dàng làm quen với nhiều sản phẩm làm ô nhiễm tinh thần và tâm hồn đang được lưu hành trong xã hội – chẳng hạn như người ta đã biến thú vui, bạo lực hay sự khinh bỉ con người thành phim ảnh. Người ta còn cho đây là một hình thái tự do, mà không hề nhận ra tất cả những điều đó chỉ làm ô uế và đầu độc tâm trí, đặc biệt là tâm trí của những thế hệ mới, và sau cùng, làm cho ta không còn được tự do nữa. Trái lại, ẩn dụ về cơn gió mạnh trong ngày lễ Ngũ Tuần làm ta liên tưởng tới việc được hít thở một luồng không khí trong lành, một luồng không khí vật lý, với hai buồng phổi, và được hít thở một luồng không khí thiêng liêng, với tâm hồn, luồng không khí lành mạnh của tâm trí chính là tình yêu thì quý giá đến độ nào!

Một hình ảnh khác về Chúa Thánh Thần mà chúng ta tìm thấy trong Sách Công vụ Tông đồ là lửa. Trong phần đầu bài giảng, tôi đã đưa ra sự đối nghịch giữa Đức Giêsu và thần thoại về Prométhée, một câu chuyện thần thoại nhắc lại một khía cạnh đặc trưng của con người hiện đại. Khi chiếm lấy những năng lực của vũ trụ – lửa – dường như con người ngày nay muốn tự khẳng định mình như một vị thần và muốn biến đổi thế giới, bằng cách loại trừ Đấng Sáng Tạo vũ trụ, để Người sang một bên, hay thậm chí còn chối bỏ Người. Con người không còn muốn mình là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, nhưng là của chính mình; con người tự tuyên bố là tự trị, tự do và trưởng thành. Hiển nhiên một thái độ như thế cho ta thấy được một mối tương giao không đích thực với Thiên Chúa, là hậu quả của một hình ảnh lệch lạc mà con người có về Thiên Chúa, như người con hoang đàng trong dụ ngôn Phúc Âm tưởng rằng mình có thể thể hiện được chính mình khi rời xa nhà cha. Trong bàn tay của một con người như thế, thì ngọn “lửa” và những tiềm năng bao la của nó sẽ trở thành một mối nguy hiểm: chúng có thể quay ngược lại chống sự sống và chống chính nhân loại như lịch sử đã chứng minh cho ta thấy điều đó. Những thảm kịch tại Hiroshima và Nagasaki, mà trong đó năng lực nguyên tử, được sử dụng vào những mục đích gây chiến, cuối cùng đã đưa đến việc gieo rắc cái chết với những tỉ lệ kinh hoàng, những điều đó không ngừng cảnh tỉnh chúng ta về thảm kịch này.

Trong thực tế, ta cũng có thể tìm thấy những ví dụ khác, không trầm trọng bằng, thế nhưng, vẫn có tính chất báo hiệu cho chúng ta trong thực thể của mỗi ngày sống. Sách Thánh mạc khải năng lực có thể làm cho thế giới này chuyển động không phải là một sức mạnh vô danh và mù quáng, mà là hành động của “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) ngay trước khi tạo dựng vũ trụ. Và Đức Giêsu Kitô đã “mang đến trần gian” không phải sức sống đã có mặt trên trần gian này rồi, mà là Thánh Thần, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng “canh tân bộ mặt trái đất” bằng cách thanh luyện mặt đất khỏi điều ác và giải phóng mặt đất khỏi sự thống trị của cái chết (x. Tv 103/104, 29-30). Ngọn “lửa” tinh tuyền, thiết yếu và hữu vị này, ngọn lửa của tình yêu đã ngự xuống trên các Tông đồ đang cùng cầu nguyện với Đức Maria trong nhà Tiệc Ly, để làm cho Giáo Hội tiếp tục công trình canh tân của Đức Kitô.

Sau cùng, một suy niệm cuối được rút ra từ Sách Công vụ Tông đồ. Thánh Thần chiến thắng sự sợ hãi. Chúng ta biết rằng các môn đệ ẩn trốn trong nhà Tiệc Ly sau khi Thầy bị bắt, và giam mình trong đó vì sợ phải chịu cùng một số phận như Thầy mình. Sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ vẫn chưa hết sợ. Nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần ngự xuống trên họ, thì những con người này không còn sợ hãi nữa, và họ đã bắt đầu loan báo cho tất cả mọi người tin mừng về Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Họ không còn sợ hãi nữa, bởi vì họ cảm thấy mình đang ở trong bàn tay của một Đấng mạnh mẽ hơn. Vâng đúng thế, thưa anh chị em thân mến, nơi đâu Thần Khí Thiên Chúa ngự đến, thì nơi đó không còn sợ hãi nữa, Người làm cho chúng ta biết và cảm thấy rằng chúng ta đang ở trong bàn tay của Tình yêu Thiên Chúa Toàn Năng: dầu cho điều gì có thể xảy ra, thì tình yêu vô biên của Người cũng không hề từ bỏ chúng ta. Đó là điều mà chứng tá của các Thánh Tử đạo, sự can đảm của những người tuyên xưng đức tin, nhiệt huyết dũng cảm của các vị thừa sai, tính thẳng thắn của các nhà rao giảng, gương lành của tất cả các Thánh, mà trong đó thậm chí còn có cả những thiếu niên và trẻ em, đã minh chứng.

Cuộc sống của Giáo Hội cũng đã minh chứng chân lý trên, dầu cho có những giới hạn và những lầm lỗi của con người, thì Giáo Hội, được Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, và được sinh động bởi ngọn lửa thanh luyện của Người, vẫn tiếp tục trải qua đại dương của lịch sử. Cùng với niềm tin này và với niềm hy vọng tươi vui này, ngày hôm nay, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, chúng ta đọc lại lời kinh sau đây: “Xin sai Thần Khí của Ngài, lạy Chúa, để Người canh tân bộ mặt trái đất”…