Chúa lên trời khai mở một hình thức hiện diện mới mẻ và chung cục

Lễ trọng mừng Chúa lên trời hôm nay mời gọi chúng ta kết hợp một cách sâu xa hơn với Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, Người đang hiện diện một cách vô hình trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

 Chúa lên trời khai mở một hình thức hiện diện mới mẻ và chung cục

 

 

 

 

Tông du tại Cassino và Núi Cassin
Cử hành trọng thể Thánh lễ mừng Chúa lên trời
Tại Cassino, Quảng trường Miranda
Chúa Nhật VII Phục Sinh, lễ Chúa lên trời, 24/5/2009 

 

Anh chị em thân mến, 

 

Nhưng anh em sẽ lãnh nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8). Với những lời trên, Đức Giêsu chào từ biệt các Tông đồ như chúng ta đã nghe trong bài đọc một. Lập tức ngay sau đó, tác giả thánh nói thêm “Họ thấy Người được cất lên cao và biến vào trong một đám mây” (Cv 1,9). Đó là mầu nhiệm Chúa lên trời mà hôm nay chúng ta long trọng cử hành. Nhưng Sách Thánh và phụng vụ muốn dạy chúng ta điều gì khi nói “Họ thấy Người [Đức Giêsu] được cất lên cao”? Chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu nói này không phải từ một bản văn duy nhất, thậm chí cũng không phải từ một quyển sách duy nhất trong Tân Ước, nhưng trong việc chăm chú lắng nghe toàn bộ Sách Thánh. Thật thế, việc sử dụng động từ “cất lên cao” có nguồn gốc từ Cựu ước, và quy chiếu về việc thiết lập vương quyền. Như thế, biến cố Đức Giêsu lên trời trước tiên có nghĩa Thiên Chúa đặt Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại lên ngai vàng và vương quyền của Thiên Chúa đã được biểu lộ trên trần gian. 

Tuy nhiên, còn có một ý nghĩa sâu xa hơn thế nữa mà ta không thể nhận ra được ngay lập tức. Trước tiên, Sách Công vụ Tông đồ nói rằng Đức Giêsu được “cất lên cao”, và sau đó nói thêm “Người được rước lên trời” (x. c.11). Biến cố được mô tả nơi đây không giống như một cuộc du hành lên không trung, nhưng đúng hơn, như một hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đem Đức Giêsu vào trong khoảng không gian cận kề của Thiên Chúa. Sự hiện diện của đám mây làm cho họ “không còn thấy được Người nữa” (c.9) nhắc ta nhớ đến một hình ảnh rất cổ xưa của thần học Cựu Ước, và đặt trình thuật biến cố Chúa lên trời vào trong lịch sử của Thiên Chúa với dân Israel, từ đám mây trên núi Sinai và trên lều giao ước trong hoang địa, cho đến đám mây chói loà trên Núi Biến hình. Mô tả Chúa Giêsu được một đám mây bao phủ cũng gợi lại cùng một mầu nhiệm được diễn tả qua biểu tượng “ngồi bên hữu Thiên Chúa”. Trong Đức Kitô được cất lên trời cao, hữu thể nhân văn đã được tham dự vào trong đời sống thân mật của Thiên Chúa một cách lạ lùng và mới mẻ; từ nay con người đã có một chỗ ở vĩnh viễn trong Thiên Chúa. “Trời”, từ ngữ trời, không hề ám chỉ đến một địa điểm nào đó ở trên các vì sao, nhưng ám chỉ một cái gì đó mạnh mẽ và cao thượng hơn nhiều: nó ám chỉ chính con người Đức Kitô, là Ngôi vị Thiên Chúa đã hoàn toàn đón nhận nhân loại một cách trọn vẹn và vĩnh viễn, và trong Người, Thiên Chúa và con người vĩnh viễn kết hiệp với nhau một cách chặt chẽ. Con người sống trong Thiên Chúa, đó chính là trời cao. Và chúng ta tiến gần đến trời cao, hay đúng hơn, chúng ta bước lên trời, trong mức độ chúng ta xích lại gần Đức Giêsu và kết hợp với Người. Như thế, lễ trọng mừng Chúa lên trời hôm nay mời gọi chúng ta kết hợp một cách sâu xa hơn với Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, Người đang hiện diện một cách vô hình trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. 

Trong nhãn quan này, chúng ta mới hiểu được tại sao Thánh sử Luca khẳng định rằng, sau khi Chúa lên trời, các môn đệ trở lại Giêrusalem “lòng đầy hân hoan” (24,52). Họ vui mừng vì những điều đã xảy ra trước mặt họ, trong thực tế, không phải là việc Chúa đã chia tay, Chúa đã hoàn toàn vắng mặt; mà trái lại, từ nay thậm chí họ còn chắc chắn hơn nữa rằng Đấng chịu đóng đinh và phục sinh vẫn sống mãi, và rằng trong Người, các cánh cửa của Thiên Chúa, các cánh cửa của sự sống vĩnh cửu đã mãi mãi mở ra cho nhân loại. Nói cách khác, việc Chúa lên trời không có nghĩa là Chúa tạm vắng mặt trong một thời gian, nhưng đúng hơn là khai mở một hình thức hiện diện mới, chung cục và không bao giờ chấm tận, bởi vì chúng ta đã tham dự vào quyền vương đế của Thiên Chúa. Và ngay từ bây giờ, các môn đệ, được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và làm cho thêm dạn dĩ, phải có bổn phận giúp đỡ mọi người nhận ra được sự hiện diện của Chúa bằng cuộc sống chứng nhân, bằng sự rao giảng và dấn thân truyền giáo. Ngày lễ trọng mừng Chúa lên trời cũng phải làm cho tâm hồn chúng ta được thanh thản và đầy phấn khởi, như các Tông đồ năm xưa từ Núi Cây Dầu trở về “lòng đầy hân hoan”. Cũng như các môn đệ, chúng ta cũng thế, khi đón nhận lời mời gọi của “hai người vận áo trắng”, chúng ta cũng không được đứng đó mà nhìn lên trời cao, nhưng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chúng ta phải đi khắp nơi loan báo tin mừng cứu độ của Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Đoạn kết thúc Tin Mừng Thánh Matthêu đồng hành và uỷ lạo chúng ta: “Và Thầy, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19).

 

Anh chị em thân mến, đặc tính lịch sử của mầu nhiệm phục sinh và lên trời của Đức Kitô giúp chúng ta nhận ra và hiểu được địa vị siêu việt của Giáo Hội, Giáo Hội không được khai sinh và không sống để thay thế cho Chúa của mình đã “vắng mặt”, mà trái lại, sự hiện diện thường xuyên của Đức Giêsu, cho dầu là vô hình, một sự hiện diện có sức tác động bằng quyền năng Thần Khí của Người là lý do cho sự hiện hữu và sứ mạng của Giáo Hội. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội không làm công tác chuẩn bị cho một Đức Giêsu “vắng mặt” sẽ trở lại, nhưng Giáo Hội sống và làm việc để công bố sự “hiện diện đầy vinh quang” có tính lịch sử và hiện sinh của Đức Kitô. Kể từ ngày Chúa lên trời, mỗi cộng đoàn Kitô, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng Mình và Máu Chúa, đều tiến bước trên lộ trình trần thế của mình và mong chờ các lời hứa thiên sai được ứng nghiệm. Đấy là điều kiện của Giáo Hội – Công đồng chung Vatican II đã nhắc lại – “Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa, Giáo Hội rao truyền cái chết và thập giá Chúa cho đến khi Người lại đến” (Lumen gentium – Ánh sáng Muôn dân -, s. 8). 

Anh chị em thuộc cộng đoàn giáo phận thân mến, ngày lễ trọng hôm nay khuyến khích chúng ta củng cố đức tin vào Đức Giêsu hiện diện thật sự trong lịch sử; không có Người, chúng ta không làm được điều gì có tác động trong cuộc đời và trong công việc tông đồ của chúng ta. Như Thánh Tông đồ Phaolô đã nhắc lại trong bài đọc hai, “những ơn Người ban cho người này làm Tông đồ, người nọ làm tiên tri, kẻ khác làm người rao giảng Tin Mừng, và kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân Thánh được tổ chức để làm công việc phục vụ và thân mình Đức Kitô– nghĩa là Giáo Hội – “được xây dựng” (Ep 4,11-12). Và để đạt tới “sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết thật sự về Con Thiên Chúa” (Ep 4,13), ơn gọi chung của tất cả mọi người là được Chúa kêu mời “chia sẻ cùng một niềm hy vọng, cũng như chỉ có một thân thể duy nhất và một Thần Khí duy nhất” (Ep 4,4). Chính trong lăng kính này mà hôm nay tôi đến đây, như Đức Giám mục của anh chị em đã nhắc đến, để khuyến khích anh chị em không ngừng “xây dựng, xây nền móng và tái thiết” cộng đoàn giáo phận dựa trên Đức Kitô. Nhưng bằng cách nào đây? Chính Thánh Biển Đức, trong Luật dòng, đã chỉ cho chúng ta thấy khi người dặn dò các môn sinh của mình là đừng đặt cái gì trước Đức Kitô: “Christo nihil omnino praeponere” (LXII,11). 

Do đó tôi tạ ơn Thiên Chúa về những điều tốt đẹp mà cộng đoàn của anh chị em đã thực hiện được, dưới sự hướng dẫn của Viện phụ Dom Pietro Vittorelli là mục tử của anh chị em, mà tôi thân ái chào và cám ơn về những lời lịch thiệp người đã nhân danh tất cả anh chị em để nói với tôi. Tôi cũng xin chào cộng đoàn tu viện, các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đang hiện diện nơi đây. Tôi chào các vị lãnh đạo dân sự và quân sự, trước tiên là ngài thị trưởng, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời chào đón ngài dành cho tôi tại Quảng trường Miranda, mà kể từ ngày hôm nay, sẽ mang tên tôi, mặc dầu tôi bất xứng. Tôi xin chào các giáo lý viên, những người làm công tác mục vụ, các bạn trẻ và tất cả những ai, cách này hay cách khác, luôn để tâm loan truyền Tin Mừng trên vùng đất ghi đậm nét lịch sử này, vùng đất đã trải nghiệm những thời kỳ đau khổ lớn lao trong Thế chiến Thứ Hai. Rất nhiều nghĩa trang bao quanh thành phố đang hồi sinh của anh chị em, mà giữa những nghĩa trang này, tôi đặc biệt nhắc đến những nghĩa trang của người Ba Lan, của người Đức, và nghĩa trang Commonwealth là những chứng nhân thầm lặng nói lên những điều kể trên. Cuối cùng, tôi cũng xin được chào dân thành Cassino và người dân thuộc các thành phố lân cận: ước gì tâm tình yêu mến và lời cầu nguyện của tôi có thể đến mỗi người, và đặc biệt đến các bệnh nhân và những người đang đau khổ. 

Anh chị em thân mến, trong buổi cử hành hôm nay, chúng ta cảm thấy lời kêu gọi của Thánh Biển Đức âm vang thật mãnh liệt trong lòng chúng ta. Người mời gọi chúng ta gắn chặt tâm hồn mình vào Đức Kitô, không đặt điều gì đi trước Đức Kitô. Điều này không hề làm cho chúng ta xa rời thực tế, mà trái lại, càng thúc đẩy chúng ta nhiều hơn nữa trong việc dấn thân xây dựng một xã hội, mà trong đó, tình liên đới được biểu lộ bằng những dấu hiệu cụ thể. Nhưng bằng cách nào đây? Nền tu đức của Thánh Biển Đức, mà anh chị em đã biết rất rõ, đề nghị một chương trình sống Phúc Âm được tóm tắt trong khẩu hiệu: ora et labora et lege – cầu nguyện, làm việc, văn hoá – Trước tiên là kinh nguyện, là di sản tốt đẹp nhất mà Thánh Biển Đức đã để lại cho các đan sĩ của người, cũng như đã để lại cho Giáo Hội địa phương của anh chị em: cho hàng giáo sĩ, mà phần lớn được đào tạo trong chủng viện của giáo phận, mà trụ sở, đã từ bao thế kỷ nay, vẫn nằm trong Tu viện Núi Cassin, cho các chủng sinh, cho rất nhiều người được đào tạo trong các học đường và trong các “các cơ sở bảo trợ” Biển Đức và trong các giáo xứ của anh chị em, cho tất cả anh chị em là những người đang sinh sống trên vùng đất này. Khi đưa mắt nhìn mỗi giáo xứ, mỗi giáo hạt trong giáo phận, anh chị em có thể thán phục tiếng mời gọi chúng ta không ngừng hướng về trời cao của Tu viện Núi Cassin, Tu viện mà mỗi năm, vào ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, anh chị em đều rước kiệu đi lên Tu viện. Lời kinh, mà cứ mỗi sáng, tiếng chuông trầm vang của tháp chuông nhà thờ Thánh Biển Đức mời gọi các đan sĩ cầu nguyện, là con đường thinh lặng dẫn chúng ta đi thẳng đến con tim của Chúa; đó là hơi thở của linh hồn mang lại cho chúng ta sự bình an trong những cơn giông bão của cuộc đời. 

Hơn nữa, khi học theo gương Thánh Biển Đức, các đan sĩ đã luôn trau dồi một tình yêu đặc biệt dành cho Lời Chúa qua lectio divina ngày nay đã trở nên di sảnh chung của nhiều người. Tôi biết rằng Giáo Hội của giáo phận anh chị em, khi đi theo những chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Ý, đã hết sức chú tâm đào sâu Sách Thánh, và thậm chí còn khai mở một lộ trình học hỏi Lời Chúa, và năm nay được dành riêng để học hỏi về Thánh sử Marcô, và sẽ tiếp tục trong vòng bốn năm tới, để rồi kết thúc, nếu Chúa muốn, bằng một chuyến hành hương của giáo phận tại Thánh Địa. Ước gì việc lắng nghe Lời Chúa nuôi dưỡng cuộc đời cầu ngyện của anh chị em, và làm cho anh chị em trở nên những sứ ngôn loan báo chân lý và tình yêu và cùng nhau cam kết truyền bá Tin Mừng và thăng tiến con người. 

Một điểm mấu chốt khác trong nền tu đức của Thánh Biển Đức là lao động. Nhân bản hoá thế giới lao động là nét tiêu biểu của tinh thần tu viện, và điều này cũng nói lên sự cố gắng của cộng đoàn anh chị em muốn đứng bên cạnh những người lao động đang làm việc trong nền công nghiệp lớn tại vùng Cassino và những xí nghiệp gắn liền vùng Cassinô. Tôi biết rất nhiều công nhân đang phải đối diện với tình hình nguy kịch. Tôi xin biểu lộ tình lên đới của tôi đối với tất cả những ai đang sống trong tình trạng bấp bênh thật đáng lo ngại, đối với những người lao động đang trong tình trạng thất nghiệp vì thiếu nguồn nguyên liệu, hay thậm chí phải bị sa thải. Ước gì nạn thất nghiệp đang tác động trên vùng đất này thúc đẩy các nhà lãnh đạo thành phố, các chủ nhà máy và tất cả những ai, cùng với sự cộng tác của nhiều người, có khả năng tìm kiếm những giải pháp đúng đắn cho cuộc khủng hoảng việc làm, bằng cách tạo ra những việc làm mới để bảo vệ các gia đình. Khi đề cập đến vấn đề này, làm sao mà chúng ta không nhắc lại rằng gia đình ngày hôm nay rất cần được bảo vệ một cách kỹ lưỡng hơn, bởi vì gia đình đang bị đe doạ một cách sâu xa ngay trong chính bản thể của mình? Tôi cũng nghĩ đến những khó khăn của các bạn trẻ trong việc tìm ra cho mình một hoạt động nghề nghiệp xứng đáng cho phép họ xây dựng một mái ấm gia đình. Tôi muốn nói với họ rằng: các bạn thân mến, đừng ngã lòng. Giáo Hội không bỏ rơi các bạn đâu! Tôi biết có ít nhất 25 bạn trẻ của giáo phận đã tham dự Đại hội Thế giới Giới trẻ tại Sydney: khi rút tỉa kinh nghiệm tinh thần tuyệt vời này, các bạn hãy trở nên men Phúc Âm giữa lòng bạn bè và giữa những người trẻ cùng trang lứa, với sức mạnh của Thánh Thần, các bạn hãy là những nhà thừa sai mới trên vùng đất của Thánh Biển Đức này! 

Cuối cùng, để tâm đến thế giới văn hoá và giáo dục cũng là một nét truyền thống của anh chị em. Những tài liệu lưu trữ nổi tiếng và thư viện Núi Cassin quy tụ vô số các chứng từ của những con người đã dày công suy nghĩ và tìm kiếm cách thế cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất của con người. Trong Tu viện của anh chị em, ta có thể đưa tay chạm đến “quaerere Deum”, nghĩa là trong quá khứ, nền văn hoá Âu Châu hệ tại nỗ lực đi tìm Thiên Chúa và chăm chú lắng nghe Người. Và điều này cũng còn giá trị cho thời đại chúng ta. Tôi biết anh chị em nỗ lực làm việc trong tinh thần này tại Đại học và trong các trường học, để biến các cơ sở giáo dục trở thành những nơi đào tạo về kiến thức, nghiên cứu, ham mê học hỏi để phục vụ tương lai của những thế hệ mới. Tôi cũng biết rằng, trong thời gian chuẩn bị cho chuyến Tông du của tôi, mới đây anh chị em đã tổ chức một hội nghị có chủ đề về giáo dục, để thúc đẩy mọi người quyết tâm chuyển trao lại cho giới trẻ những giá trị của di sản nhân loại và Kitô giáo mà chúng ta không thể nào bỏ qua được. Trong nỗ lực về mặt văn hoá hiện nay nhằm tạo ra một nền nhân bản mới, trung thành với truyền thống Biển Đức, anh chị em cũng quan tâm đến con người mỏng giòn, yếu đuối, đến những người khuyết tật và những người di dân. Và tôi cám ơn anh chị em hôm nay cho phép tôi có thể khánh thành “Nhà Từ thiện”, nơi chúng ta sẽ xây dựng một nền văn hoá chú tâm đến sự sống một cách cụ thể. 

Anh chị em thân mến! Mọi người đều có thể nhận ra cộng đoàn của anh chị em, một Giáo Hội sống xung quanh Núi Cassin này, là người thừa hưởng và gìn giữ sứ mệnh thấm nhuần tinh thần của Thánh Biển Đức, trong việc loan báo rằng không có điều gì, cũng như không có ai có quyền chiếm chỗ nhất đã được dành cho Đức Giêsu trong cuộc đời chúng ta; sứ mệnh xây dựng, nhân danh Đức Kitô, một nhân loại mới theo khẩu hiệu đón tiếp và giúp đỡ những người yếu đuối nhất. Ước gì Thánh Tổ phụ Biển Đức, cùng với Thánh nữ Scôlastica, là em của người, giúp đỡ và đồng hành với anh chị em; ước gì các Thánh Quan thầy và nhất là Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội và là ngôi sao hy vọng của chúng ta bảo trợ anh chị em. Amen!