13/11/2024

Xây dựng nền văn minh tình yêu cho người nghèo khổ và khuyết tật ở Việt Nam

Xây dựng nền văn minh tình yêu là xây dựng những con đường cụ thể, đó là những con người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là những người nghèo khổ, tàn tật, yếu đuối cả về vật chất lẫn tinh thần vì họ cần tình yêu hơn những người khác.

 Xây dựng nền văn minh tình yêu 
cho người nghèo khổ và khuyết tật ở Việt Nam

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng: con người chính là con đường của Thiên Chúa, vì Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Hơn nữa, con người còn là con đường của Giáo Hội (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Độ Con Người, Redemptor Hominis, số 14; Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 62). Xây dựng nền văn minh tình yêu (VMTY) là xây dựng những con đường cụ thể, đó là những con người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là những người nghèo khổ, tàn tật, yếu đuối cả về vật chất lẫn tinh thần vì họ cần tình yêu hơn những người khác, nhất là vì con số đông đảo của họ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì thế, chúng tôi muốn trình bày đề tài: “Xây dựng nền văn minh tình yêu cho người nghèo khổ và khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”.

Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những “con đường” đó thật sự là gì, tình trạng hiện nay ra sao, và cần phải sửa chữa, xây dựng như thế nào theo giáo huấn xã hội Công giáo để biến nền VMTY thành hiện thực.

1. HIỆN TRẠNG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Giống như những con đường vật chất ở VN hiện nay: có những con đường mới làm rất đẹp và bằng phẳng, có những con đường lâu ngày bị tàn phá nên lồi lõm, đầy những ổ gà… thì con đường tinh thần cũng giống như thế. Nhiều người VN bề ngoài trông mạnh khoẻ, tươi tắn nhưng tâm hồn bên trong đã bị rạn nứt, tổn thương, có khi nặng nề đến độ không thể sửa chữa nếu không có một sức mạnh phi thường và cả những ân huệ nhiệm mầu. Để giúp các bạn có một tầm nhìn rộng lớn hơn về tình trạng “con đường” VN hiện nay, chúng tôi xin chia sẻ một vài số liệu cụ thể.

1.1. Những người nghèo

Nước Việt Nam chúng ta hiện nay (2012) có 90 triệu dân. Tình trạng kinh tế đang đi xuống theo tình trạng chung của nền kinh tế toàn cầu, khiến cho tâm l‎ý con người càng ngày càng bất an, càng ưu tư để kiếm sao cho đủ cơm áo gạo tiền. Trong số 22 triệu hộ dân, có tới 3 triệu hộ số trong mức nghèo khổ cùng cực và 1,6 triệu hộ ở mức cận nghèo; nghĩa là gần 15 triệu người Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ, không kiếm đủ 1 USD/ ngày (khoảng 21 ngàn đồng Việt Nam) (x. Báo Tuổi Trẻ, 24/12/2011). Đi đâu chúng ta cũng bắt gặp những bàn tay chìa ra những tờ vé số xin người ta mua giúp. Là người nghèo họ rất dễ bị coi thường, bị áp bức bởi những người có tiền, bị đối xử bất công do chính những người có thế lực trong xã hội. Trong báo cáo của Văn phòng Quốc hội gửi văn phòng Thủ tướng Chính phủ, năm 2009, cả nước có tới hơn 500 ngàn đơn khiếu nại mà người ta ước tính: ít nhất có 10% những đơn này là của những người bị oan ức (x. Báo Tuổi Trẻ, Thứ Năm 22/10/2009; Nguyễn Ngọc Sơn, Tiếng trống kêu oan, Web: conglyvahoabinh.org, 20/05/2011).

 Nếu nhìn gần hơn chút nữa “con đường” Việt Nam, chúng ta còn thấy gần 300 ngàn người nhiễm HIV/AIDS, gần 200 ngàn người nghiện ma tu‎ý, gần 10 triệu người nghiện rượu bia thuốc lá trong số 24 triệu người uống rượu hay và 33 triệu người hút thuốc.

Trong số 24 triệu người truy cập internet, mỗi ngày có gần 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến, bỏ cả học hành làm việc. Từ tháng 7 năm 2007 đến nay, Việt Nam đứng đầu thế giới về số lượng người truy cập phim sex, mỗi ngày có hơn 5 triệu người xem những phim ảnh đồi truỵ, tâm thần trong sáng bị huỷ hoại, từ đó dẫn đến bao nhiêu hậu quả tai hại trong xã hội: những quán bia ôm, massage, karaoke, cà phê trá hình mọc lên khắp nơi. Việt Nam có khoảng 2 triệu ca phá thai hằng năm, 30% những phụ nữ bỏ con đó bị trầm cảm, rối loạn tâm thần rất cần được chữa trị để tìm lại bình an cho tâm hồn. Nếu chỉ tính trong 10 năm, chúng ta có khoảng 6 triệu phụ nữ bất an như vậy, chưa kể 6,62% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh con và những người rối loạn tâm thần vì tình trạng gia đình tan vỡ do ly dị, ly thân.

Qua các phương tiện truyền thông hằng ngày, chúng ta thấy nhan nhản những hiện tượng nói lên con người Việt Nam đang chạy theo đời sống hưởng thụ ích kỷ, nền văn hoá thực dụng và nền giáo dục trọng bằng cấp bên ngoài, khiến cho nhiều người bị tha hoá, nhiều người buôn gian bán dối với những hàng độc hại nguy hiểm, không nghĩ đến sự bất công mình gây ra cho người khác. Nhiều người nông dân bán những nông sản còn đầy thuốc trừ sâu và phân bón độc hại chỉ để kiếm lợi, bất chấp đến nguy hiểm cho mạng sống con người. Nhiều công ty nuôi trồng thuỷ sản bán hàng ngàn tấn tôm đầy những chất kháng sinh, hàng ngàn tấn thịt heo siêu nạc đầy những hoá chất tăng trọng nguy hại cho sức khoẻ người mua và bất công với sự sống con người. Trong một cuộc điều tra xã hội mới đây, người ta thống kê được rằng: 38% thanh niên và 43% người lớn sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường hoặc công ty tốt (Báo Tuổi Trẻ, ngày 09-08-2011).

Vài nét chấm phá để ta thấy con người Việt Nam đau khổ và tàn tạ như thế nào! Họ giống như người phong cùi trong sách Tin Mừng đang cần được chữa trị. Chúng ta có nhìn ra được sự thật về con đường của mình hay của người khác đang bị tàn phá, huỷ hoại, cong queo, lồi lõm, xấu xí, ta mới đem hết tài năng, ân phúc Chúa ban để sửa con đường của Người theo đúng con đường mẫu là Đức Giêsu Kitô, vì Người là con đường dẫn đến sự thật tuyệt đối và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6).

1.2. Những người khuyết tật

Chúng tôi mời bạn nhìn kỹ hơn loại người nghèo mới là những người khuyết tật. Nói đến người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam, nhiều cơ quan, tổ chức của chính quyền cũng như dân sự rất ngại ngùng và đưa ra những con số khác nhau, một phần vì khái niệm về khuyết tật chưa rõ ràng, phần khác vì tự ái dân tộc người ta không muốn nói đến một thực trạng có vẻ như không đẹp của đất nước. Là những người có trách nhiệm săn sóc những NKT, chúng ta được mời gọi để nhìn thẳng vào hiện trạng NKT tại Việt Nam, bỏ đi những mặc cảm tự ti, tự ái để hướng đến việc xây dựng một dân tộc khoẻ mạnh và phát triển bền vững.

1.2.1. Định nghĩa

Đối với đa số người Việt Nam, khuyết tậttàn tật là hai từ chỉ cùng một khái niệm. Từ năm 2009 trở về trước người ta vẫn dùng cả 2 từ trên phương tiện truyền thông đại chúng và văn bản pháp quy. Trong các pháp lệnh trước đây của Nhà nước Việt Nam, tàn tật là cụm từ được chính thức sử dụng. Ngày 17-6-2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho người tàn tật trong bộ Luật Người Khuyết Tật cũng như trong các bộ luật ban hành có liên quan.

Điều 2 Bộ luật định nghĩa rằng: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Thông thường từ khuyết tật được cho là mang sắc thái tình cảm, ý nghĩa tốt hơn là từ tàn tật. Người ta cho rằng từ “tàn” trong cụm từ tàn tật gợi đến hình ảnh tiêu cực, tạo cảm giác không còn khả năng gì, không còn tương lai và điều đó ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn. Từ “khuyết” mang nghĩa suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng.

Ta có thể nói rõ hơn rằng: Người khuyết tật là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần mà vì thế gây ra suy giảm đáng kểlâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày”.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có ba mức độ suy giảm là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap).

+ Khiếm khuyết chỉ sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể liên quan đến tâm lý hoặc/và sinh lý.

+ Khuyết tật chỉ sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết.

+ Tàn tật đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người mang khiếm khuyết do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ (WHO, 1999).

Còn theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế người khuyết tật, người khuyết tật trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác (DPI, 1982).

Do đó, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội đối với cộng đồng mà trong đó người khuyết tật sống.

1.2.2. Phân loại

Điều 3 của bộ Luật NKT đã phân loại khuyết tật thành 6 dạng tật (thay vì 13 dạng theo cách chia cũ) như sau:

a) Khuyết tật vận động;                  

b) Khuyết tật nghe, nói;                 

c) Khuyết tật nhìn;  

d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;

e) Khuyết tật trí tuệ;                                   

f) Khuyết tật khác.

Các nhà khoa học trước đây đã chia thành hàng chục loại khuyết tật, nhưng hiện nay người ta thu gọn vào sáu loại khuyết tật chính sau đây:

a. Khuyết tật về mặt thể lý: sự khiếm khuyết, suy yếu về mặt thể lý, hoặc những bệnh tật mang tính vĩnh viễn làm suy yếu khả năng thể lý hay kỹ năng vận động của một người.

b. Khiếm thính: những người khuyết tật thuộc nhóm này là những người yếu kém khả năng nghe nên cần phải có những dụng cụ trợ thính để giúp họ nghe được tiếng nói của người khác; vì không nghe được nên khả năng nói của họ cũng rất yếu kém.

c. Khiếm thị: những người rất yếu kém khả năng nhìn, dù đã đeo kính, khiến hạn chế hoạt động cần nhìn bằng mắt.

d. Khuyết tật về tinh thần (những bệnh nhân tâm thần): là người suy yếu về cảm xúc, suy nhược tinh thần hoặc mắc bệnh tâm lý khiến cho những nhu cầu của cá nhân và những nhu cầu mang tính xã hội của họ bị hạn chế.

e. Khuyết tật về sự phát triển trí não: những người khuyết tật dạng này có sự suy yếu hay chậm phát triển trí não như những người bại não, động kinh, tự kỷ, và những rối loạn tương tự khác.

f. Khuyết tật hỗn hợp: đây là dạng khuyết tật bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chưa xác định rõ ràng nhưng lại gây nên hậu quả tai hại cho con người như nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân bị virus độc huỷ hoại, do thực phẩm, thuốc men có nhiều hoá chất độc hại tạo nên những di chứng thần kinh hoặc những khuyết tật bắt nguồn từ những nguyên nhân mà ta gọi là tâm linh.

1.2.3. Các mức độ

Theo điều 3 của bộ Luật NKT, người khuyết tật được chia theo những mức độ sau đây:

a) Khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

b) Khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

c) Khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Chính phủ quy định chi tiết về dạng tật và mức độ khuyết tật quy định tại điều này.

2. TÌNH TRẠNG NKT Ở VIỆT NAM VỚI NHỮNG SỐ LIỆU VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN KHUYẾT TẬT

2.1. Số liệu NKT

Theo Tổng cục Thống kê năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật trên tổng số 85,5 triệu dân, tương đương 7,8% dân số.

Số NKT và tỷ lệ người khuyết tật trên đây căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 3 dạng tật đầu (thể lý, khiếm thính, khiếm thị và một phần của chậm phát triển trí não). Tuy nhiên, nhiều tổ chức đánh giá của chính phủ cũng như phi chính phủ lại đưa ra những con số và tỷ lệ rất khác nhau và đa dạng, lý do là vì các tổ chức đó dựa vào các tiêu chí khác nhau. Thống kê trên thế giới có khoảng 10% người khuyết tật, tương đương với 650 triệu người (khảo sát năm 2007) (x. www.un.org, Some Facts about Persons with Disabilities). Ở Việt Nam các báo cáo thay đổi từ 5% đến 15% (x. www.baovanhoa.vn, Giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật như thế nào? 24/7/2009;  Giáo dục và dạy nghề cho trẻ khuyết tật: Vẫn đau đầu!)

Dựa trên Bảng phân loại Quốc tế về chức năng, khuyết tật và sức khoẻ (International Classification of Functioning, Disability and Health-ICF) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng cục Thống kê Việt Nam đã tiến hành khảo sát, khi sử dụng một số câu hỏi về khuyết tật theo phương pháp đánh giá chức năng. Mỗi thành viên từ 5 tuổi trở lên của hộ gia đình được phỏng vấn 6 câu hỏi để đánh giá việc thực hiện các chức năng cơ bản của con người là: nghenhìn, vận động, nhận thức, khả năng ghi nhớ/tập trung, tự chăm sóc bản thân và chức năng giao tiếp. Người trả lời tự đánh giá việc thực hiện các chức năng đó dựa trên 4 mức phân loại sau: (1) Không khó khăn; (2) Khó khăn; (3) Rất khó khăn; và (4) Không thể thực hiện được. Trong tài liệu này, nếu một người có phương án trả lời là (2), (3) hoặc (4) khi thực hiện bất kỳ chức năng nào trong sáu chức năng nói trên sẽ được coi là khuyết tật.

Theo cách phân loại trên, tỷ lệ người khuyết tật chung cả nước là 15,3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỷ lệ người khuyết tật khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (17,8% so với 14,4%).

Tỷ lệ người khuyết tật nữ cao hơn nam (16,58% so với 13,69%) lý do được đưa ra là nhóm dân số nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với nhóm dân số cao tuổi là nam giới (x. Kết quả tóm tắt mức sống hộ gia đình năm 2006, Trung tâm Tư liệu Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tổng Cục Thống kê Việt Nam).

Tỷ lệ tương đương của các nước trên thế giới là:

Quốc gia

Tỉ lệ dân số khuyết tật

Năm thống kê

New Zealand

20%

1996

Úc

20%

2000

Zambia

13.1%

2006

Thuỵ Điển

12.1%

1988

Nicaragua

10.3%

2003

Mỹ

19.4%

2000

2.2. Số liệu theo từng dạng tật

Với điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra và trải qua mấy chục năm chiến tranh nên người khuyết tật ở Việt Nam là khá lớn. Theo các tài liệu điều tra, khảo sát nghiên cứu của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và một số tổ chức quốc tế về thực trạng người khuyết tật ở Việt Nam cho thấy: Người tàn tật cơ quan vận động chiếm 35,46%, thị giác 15,70%, thần kinh 13,93%… Tỷ lệ người đa tật chiếm khá cao: 20,22% trong tổng số người tàn tật. Phần lớn người tàn tật sống cùng với gia đình, chiếm tỷ lệ: 95,85%; số người tàn tật sống độc thân chiếm 3,31%; tỷ lệ người tàn tật sống trong trại bảo trợ xã hội của Nhà nước là 0,22% (tập trung chính ở hai nhóm tuổi: 15 – 55 chiếm 54,17% và nhóm tuổi dưới 15 chiếm 28,85%); người tàn tật sống lang thang là 0,62% (x. www.nhandan.com.vn 12/01/2011).

2.2.1. Số NKT vận động có khuynh hướng ngày càng tăng do tai nạn lao động và tai nạn giao thông cũng như do một số bệnh tật như teo cơ. Số nạn nhân khuyết tật vận động mỗi năm có thêm khoảng từ 30-40 ngàn người do tai nạn giao thông và lao động.

2.2.2. Số người khiếm thính khoảng hơn 1 triệu. Dạng khuyết tật về thính lực chiếm tỷ lệ khá lớn trong các dạng khuyết tật nói chung của người Việt. Bà Dương Thị Vân, Uỷ viên Thường vụ Liên hiệp NKT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cho biết, hiện nay, mới chỉ có 70 trường học/trung tâm dành cho người khiếm thính, tập trung tại một số thành phố lớn với chương trình giáo dục tiểu học. Do thiếu giáo viên, tài liệu học tập và môi trường giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu nên người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, học văn hoá, học nghề, tiếp cận các dịch vụ hành chính, xã hội nói chung, đặc biệt là tìm và duy trì việc làm. Những khó khăn và thách thức này khiến đa số người khiếm thính khó hoà nhập bình đẳng trong xã hội (x. cdsptw-tphcm.vn, Khoa Giáo dục Đặc biệt, 23/02/2012).

2.2.3. Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù loà, trong đó đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, sau đó là đái tháo đường, glôcôm… Đặc biệt, có đến 69% số người mù có thể chữa được và 14% có thể phòng ngừa.

“Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 85.000 người mù cả hai mắt, cũng ngần ấy người mù một mắt do đục thuỷ tinh thể. Tuy nhiên, do thiếu phí hỗ trợ nên nhiều người cận nghèo và khuyết tật chưa được phẫu thuật”, phó giáo sư Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết tại hội thảo chăm sóc mắt cho người khuyết tật tổ chức tại Hà Nội ngày 10/4.

Ngoài ra, vấn đề đáng báo động là tỷ lệ mắc tật khúc xạ (cận, loạn, viễn thị) ngày càng tăng ở trẻ. Tỷ lệ học sinh thành thị mắc tật khúc xạ chiếm tới 40-50%, riêng Hà Nội và TP HCM có tới 75% học sinh cận thị (x. vnexpress.net, 11/4/2012).

2.2.4. Số người chậm phát triển trí não thường chiếm tỷ lệ từ 2.5 tới 3% dân số. Trẻ bị khuyết tật này thường được phát hiện vào tuổi tới trường, khi mà khó khăn học hỏi và hành vi trở nên rõ ràng (x. www.saigongate.com).

Điều đáng lưu ý là số trẻ tự kỷ hiện nay gia tăng đến chóng mặt: cách đây 35 năm, người ta  không nói đến dạng tật này, nhưng sau đó khoảng 30 năm gần đây trẻ tự kỷ chiếm tỷ lệ 1/2.500 em; 20 năm gần đây 1/1.500; 10 năm trước đây là 1/500 và hiện nay là 1/160. Chúng ta cũng lưu ý đến trẻ chậm phát triển trí não bắt nguồn từ những cha mẹ nghiện ngập rượu bia, thuốc lá, ma tuý. Ở Việt Nam hiện nay có 33 triệu người hút thuốc lá và 24 triệu người uống rượu bia, trong đó có hàng triệu người nghiện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con cái.

2.2.5. Số NKT tinh thần trước đây không được tính vào số NKT nhưng theo phân loại mới thì ta phải kể đến những người này. Đây là một con số rất lớn. Theo thống kê của Viện Thần kinh Trung ương Hà Nội, số người có những rối loại tâm thần dẫn đến nguy cơ khuyết tật là 10,6% dân số. Ngoài những nguyên nhân căng thẳng trong đời sống kinh tế xã hội, ta còn phải để ý đến những người bị rối loạn do chiến tranh, những hành vi tra tấn tù đày, những nỗi sợ hãi ám ảnh về quá khứ đau thương. Ta cũng không thể không nói tới Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu ca phá thai hằng năm mà 30% những người bỏ thai luôn bị giằn vặt, day dứt dẫn đến trầm cảm vì hành động của mình cần chữa trị về tâm lý; trong số 1 triệu người phụ nữ sinh con mỗi năm, có khoảng 6,62% rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi sinh, nếu không được chữa trị sẽ trở thành dạng khuyết tật tinh thần. Ảnh hưởng nặng nề của những phim ảnh đồi truỵ, những trò chơi trực tuyến lên tinh thần của những người nghiện loại này đã làm gia tăng số NKT tinh thần tại VN. Hiện nay, theo thống kê, chúng ta có khoảng 5 triệu người truy cập phim sex hằng đêm và 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến và cả trò chơi đồi truỵ. Chúng ta thử tưởng tượng: mỗi giây có 24 hình ảnh đi vào trí não của người nghiện và 1 giờ có 86.400 hình ảnh lưu trong trí não làm rối loạn tinh thần, khiến họ bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ học hành làm việc và cuối cùng không làm chủ được chính mình.

2.2.6. Số NKT hỗn hợp hiện nay đang gia tăng đáng kể trong cộng đồng xã hội. Ở Việt Nam chúng ta không thể không nói đến những nạn nhân của chất độc màu da cam. Việc sử dụng khoảng 76,9 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất độc dioxin trong giai đoạn từ năm 1962-1971 được rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Từ 2,1 đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm trực tiếp với dioxin trong khoảng thời gian trên. Các khuyết tật ở những trẻ mới sinh từ bố, mẹ từng bị phơi nhiễm được nhiều người cho là có nguyên nhân trực tiếp từ nhiễm độc dioxin.

Hiện nay cả nước có khoảng 100 ngàn người đồng tính ái. Nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc sử dụng những loại thuốc ngừa thai mà người phụ nữ không lường được thời gian tồn tại những dư chất trong cơ thể họ khoảng 2 năm đã tạo nên những biến đổi giới tính trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Với tình hình sử dụng những hoá chất trong phân bón và thuốc trừ sâu đối với những nông sản hiện nay cũng như những chất kháng sinh, chất tạo nạc trong việc nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, số lượng những bệnh tật bắt nguồn từ những lạm dụng hoá chất này có thể tạo nên rất nhiều những nạn nhân khuyết tật hỗn hợp.

Ta cũng không thể không nói đến những trường hợp rối loạn tâm linh mà nhiều nhà khoa học đang cố gắng nghiên cứu. Dân gian có thể gọi là những hiện tượng ma ám, quỷ nhập, nhưng các nhà khoa học hiện nay vẫn đang tìm hiểu những hiện tượng kỳ lạ nơi những con người không còn làm chủ được tinh thần mình. Chúng ta có thể đọc thêm những tài liệu nghiên cứu của khoa Cận Tâm lý, Đại học KHXH&NV Hà Nội, hiện tượng khám phá hơn 1.000 ngàn ngôi mộ vô danh của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhiều nhà ngoại cảm khác…

Như thế, tổng số NKT ở VN hiện nay không chỉ dừng lại ở con số 6,7 triệu người và 7,8% dân số; nhưng theo các nhà xã hội học, con số đó có thể tăng gấp đôi hoặc hơn nữa.

2.3. Thái độ của cộng đồng đối với NKT

Năm 2007 được sự tài trợ của Quỹ Ford, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát 4 tỉnh thành ở Việt Nam và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật – qua đó cho thấy sự phân biệt đối xử là lớn như thế nào, các con số biến thiên do sự khác biệt giữa các tỉnh:

Thái độ của cộng đồng với người khuyết tật

Tỉ lệ quan điểm đồng ý

Đáng thương

98% đến 99%

Người khuyết tật là người ỷ lại

18% đến 32%

Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường

40% đến 59,4%

Người khuyết tật bị như vậy là do số phận

56% đến 65%

Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước

14% đến 21%

Gặp phải người khuyết tật là gặp vận đen

17%

Phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình (dựa trên việc đặt câu hỏi với những người quen biết người khuyết tật – lý do là người trong gia đình sẽ không nói thật về hành vi phân biệt đối xử của chính họ):                                 

* Coi thường người khuyết tật (16%);

* Coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%);

* Coi là vô dụng (20,7%);

* Thường xuyên lăng mạ (14,2%);

* Bỏ mặc không chăm sóc (8,5%);

* Bỏ rơi (7,1%);

* Không cho ăn (4,3%);

* Khóa/xích trong nhà (10,2%);

* Bắt đi ăn xin (1,5%).

3. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Sau khi tìm hiểu hiện trạng NKT ở VN mà TP.HCM là một bộ phận lớn của cả nước, chúng tôi nghĩ rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều để giúp đỡ anh chị em khuyết tật trong hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay.

3.1. Nguồn lực: Giáo hội Công giáo Việt Nam với hơn 4.000 linh mục, gần 4.000 chủng sinh, 17.000 nam nữ tu sĩ, 56.000 giáo lý viên và hàng trăm ngàn đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Legio Mariae, các hội dòng ba Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh trong tổng số 6 triệu tín hữu là một nguồn lực nhân sự lớn lao để giúp đỡ hàng chục triệu người nghèo khổ ở VN trong công cuộc xây dựng nền VMTY.

Tuy nhiên hiện nay, về các cơ sở xã hội, Giáo hội Công giáo VN mới chỉ có 43 trung tâm dạy nghề; 138 trạm xá; 28 trại phong – tâm thần – HIV/ma tuý; 203 cơ sở dành cho NKT, người già neo đơn và trẻ mồ côi (x. Bảng tổng kết 26 giáo phận, năm 2010, của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN). Nếu mỗi cơ sở chứa được khoảng 50 người thì chúng ta ước tính những cơ sở đó chưa giúp được bao nhiêu so với hàng chục triệu người đau khổ cần cứu giúp.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã đi thăm một số cơ sở nuôi dưỡng NKT và trẻ mồ côi tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và cảm thông sâu sắc nỗi cực nhọc và khó khăn mà họ đang phải chịu đựng. Một số cơ sở do khủng hoảng kinh tế nặng nề của đất nước trong thời gian qua đã không còn nhận được sự trợ giúp dồi dào nên đã phải nhận những đồ ăn thừa của các nhà hàng, xí nghiệp để lại mỗi ngày.

Nhiều NKT không được tạo điều kiện để học nghề, học văn hoá, nhất là những NKT đang sống trong gia đình. Họ bị đối xử bất công, bị coi thường và luôn mang mặc cảm trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

3.2. Đề nghị những chương trình hành động: Chính vì thế, với những phương tiện còn giới hạn của mình, chúng tôi giới thiệu một vài chương trình hành động sau đây để chúng ta, nhất là những anh chị em đang đóng vai trò quản lý, điều hành cũng như dạy dỗ trong các cơ sở nuôi dưỡng NKT, cùng thực hiện cho những đồng bào kém may mắn của mình.

1. Những linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và đoàn viên Công giáo Tiến hành được đào tạo về những chủ đề liên quan đến vấn đề khuyết tật qua những khoá tập huấn được Giáo Hội tổ chức phối hợp với các chuyên viên tâm lý xã hội có thể trở thành những tác viên xã hội. Họ có thể biến những nhà xứ, tu viện, phòng họp đoàn thể thành những nơi để tham vấn tâm lý, phổ biến những kỹ năng và giá trị sống làm giảm bớt số người nghèo khổ, bất an, khuyết tật trong xã hội, vì chúng ta biết rằng, rất nhiều trẻ khuyết tật, chậm phát triển trí não là do cha mẹ nghiện rượu bia, nghiện thuốc lá, sử dụng thuốc ngừa thai không đúng cách…

2. Cộng đồng Kitô hữu một khi được thấm nhuần tình yêu Đức Kitô sẽ sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những bà mẹ trẻ đơn thân, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, khuyết tật ngay trong chính cộng đồng của mình. Có như thế, những người nghèo khó mới cảm nghiệm được tình yêu thật sự của những anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa.

3. Đối với những tổ chức như Cartias Việt Nam, Caritas Giáo phận, Giáo hội Công giáo có thể đề nghị có những sự phối hợp với các uỷ ban khác của HĐGMVN như Uỷ ban Di dân, Công lý và Hoà bình, Giáo dục, Truyền thông Xã hội để cùng tổ chức những khoá tập huấn và hành động trong những chương trình chung như: Chương trình khám sức khoẻ tổng quát và định kỳ cho những người nghèo khổ, NKT trong các cơ sở cũng như đang sống tại gia đình, trong cộng đồng xã hội – Chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT – Tổ chức những trại hè kỹ năng sống, triển lãm mẫu gương vượt lên số phận, hội thao, hội diễn văn nghệ – Thực hiện cẩm nang giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ NKT và trẻ mồ côi.

Kết luận

Nhìn vào cơ cấu dân số Việt Nam, chúng ta thấy số NKT có thể lên tới 15 triệu người (13,35% dân số), điều này cũng không lạ lùng nếu so với nhiều nước khác. Đứng trước con số lớn lao này, chúng ta cần phải liên kết và cộng tác chặt chẽ với nhau và với mọi thành phần trong cộng đồng dân tộc, không phân biệt hay kỳ thị bất cứ ai thì mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp để giúp đỡ NKT một cách hiệu quả và thiết thực.

Người Kitô hữu chúng ta luôn nhắm tới việc phục hồi và hoà nhập NKT dựa vào cộng đồng bằng việc gây nhận thức trong quần chúng về giá trị cao cả của bất cứ con người nào, cũng như nhằm đến việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới để dân tộc Việt Nam mỗi ngày một mạnh khoẻ hơn, an lành hơn và phát triển bền vững.

–o0o–