Bài trắc nghiệm về sự hiểu biết và tình yêu đối với Đức Kitô

Người Hành Khất Kitô cần phải hiểu rõ và hiểu đúng về Bang chủ của mình để có thể bước theo và hy sinh vì đại nghĩa trong công trình cứu độ với Đức Kitô. Bản trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn điều đó. Bạn hãy thử trả lời các câu hỏi sau đây và tự tìm câu giải đáp ở phần cuối bài.

 

BÀI TRẮC NGHIỆM
VỀ SỰ HIỂU BIẾT VÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐỨC KITÔ

 
Người Hành Khất Kitô cần phải hiểu rõ và hiểu đúng về Bang chủ của mình để có thể bước theo và hy sinh vì đại nghĩa trong công trình cứu độ với Đức Kitô. Bản trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn điều đó. Bạn hãy thử trả lời các câu hỏi sau đây và tự tìm câu giải đáp ở phần cuối bài. Nếu bạn trả lời đúng từ 30 câu trở lên, bạn có thể tự hào, biết khá đúng về Bang chủ của mình. Nếu bạn trả lời sai từ 10 câu trở lên, bạn cần phải tìm hiểu, học hỏi thêm để tình yêu của bạn mỗi ngày lớn mạnh và công lực của Bang chủ chuyển thông vào bạn sẽ giúp bạn tăng cường nội lực. Chúc bạn thành công.

 
 
Câu hỏi
 
 
1.      Đức Giêsu áp dụng danh hiệu Vua cho mình theo ý nghĩa nào?
a. Vua Israel mới, nhưng nước Ngài không thuộc trần thế này.
b. Vua cánh chung quy tụ tất cả.
c. Vua bị lăng nhục như đầy tớ Giavê.
d. Tất cả ý nghĩa trên đây.
2.      Danh hiệu “Con Người” được Đức Giêsu hiểu theo nghĩa nào?
a. Con người tổng hợp các ý nghĩa sau đây.
b. Con người khiêm tốn trong thân phận đau khổ, hiến dâng mạng sống.
c. Con người vinh quang ngự bên hữu Thiên Chúa.
d. Con người bí mật và mầu nhiệm với quyền năng đặc biệt.
3.      Hình ảnh con người của Đức Giêsu Kitô bị bóp méo do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân nào nguy hiểm nhất cho người tín hữu?
a. Bóp méo do nguyên nhân xã hội, dân tộc.
b. Bóp méo do những suy tư không đúng.
c. Bóp méo do lòng tôn kính quá đáng và sai lạc.
d. Bóp méo do những sáng kiến lập dị của cá nhân.
4.      Trong bản gia phả của Đức Giêsu, Matthêu có kể tên 4 phụ nữ ngoại giáo, tội lỗi. Qua hình ảnh của họ, Thánh sử muốn chú ý đến điểm gì nhất?
a. Đức Giêsu không chỉ có máu Do Thái, Ngài thuộc về mọi dòng dõi.
b. Thiên Chúa hoàn toàn tự do để yêu thương và cứu độ cách vô vị lợi, khi chọn hoà nhập vào dòng dõi bất thường, tội lỗi ấy.
c. Đức Giêsu không chỉ là con cháu của tổ tiên thánh thiện, mà có cả tổ tiên tội lỗi, nên Ngài chia sẻ mọi sự tốt xấu của chúng ta.
d. Họ bất ngờ hoà nhập với dòng dõi Đức Kitô dẫn đến hành động bất ngờ, phi thường của Thiên Chúa.
5.       Đức Giêsu có tiến bộ về mặt đạo đức không?
a. Không, vì Ngài là Thiên Chúa hoàn thiện nên không thể tốt hơn được.
b. Không, Ngài không thể phạm tội nên luôn sống hoàn thiện.
c. Có, vì khả năng phát triển và tiến bộ là chiều kích của con người lịch sử.
d. Có, vì Đức Giêsu lịch sử, “dù là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới tới mức thập toàn” (Dt 5,8-9). Ngài đã cầu nguyện, chịu khổ, bị cám dỗ, luôn tự vâng phục ý Chúa Cha để biểu lộ sự tiến bộ này.
6.      Đức Giêsu có cần đến đức tin không?
a. Có, vì Đức Giêsu trong thân phận con người trần thế đã cư xử như một tín hữu đích thực khi cầu nguyện nhiều lần, tham dự nghi thức Phụng vụ.
b. Không, vì Đức Giêsu có ơn gắn bó mật thiết với Cha mình là Thiên Chúa.
c. Không, vì tin là thân phận của người lữ khách chưa vào được quê trời, còn Đức Giêsu đã thấy rõ Nước Trời rồi.
d. Không, vì ơn hưởng kiến đã giúp Đức Giêsu thấy rõ tất cả.
7.      Đức Giêsu sinh thời biết gì?
a. Biết hết mọi sự gần như chính Thiên Chúa.
b. Đức Giêsu biết như con người bình thường vì Người là Con Thiên Chúa đã tự ý hạ mình (Pl 2,7) nhưng nhờ kết hợp với Ngôi Lời nên đã từng hiểu biết và biểu hiện nơi mình những gì phù hợp với Thiên Chúa và cần thiết cho chương trình cứu độ.
c. Vì Ngôi Lời đã đảm nhận một linh hồn con người nên có một tri thức nhân loại thật sự. Tri thức này tự nó là hữu hạn, bị chi phối bởi điều kiện lịch sử của cuộc sống (GLHTCG 471-474).
d. Không biết gì nhiều hơn những người đương thời.
8.      Đức Giêsu đã biểu lộ một số lần những sai lầm và không biết trong đời sống. Việc này nói lên điều gì quan trọng nhất?
a. Đức Giêsu chia sẻ văn hoá Do Thái và trong đó có những sai lầm của đồng bào.
b. Đức Giêsu chi biết những gì cần thiết để thực hiện sứ mệnh.
c. Đức Giêsu phục tùng “luật tự huỷ” vì một khi đã làm người, Con Thiên Chúa tuỳ thuộc vào những luật tự nhiên, tâm lý, văn hoá, lịch sử như bất cứ ai.
d. Thiếu tri thức không phải là một tội lỗi.
9.      Tân Ước diễn tả Đức Giêsu là Thiên Chúa qua những chứng minh gián tiếp nào?
a. Qua các thái độ, đòi hỏi và cách giảng dạy của Đức Giêsu.
b. Qua việc quy về cho Đức Giêsu những thuộc tính dành riêng cho Đức Giavê, những lời kinh tán tụng, những kiểu nói “ego eimi”, “Con Thiên Chúa”.
c. Qua việc Đức Giêsu tha tội, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân…
d. Qua tất cả các điểm trên đây.
10. Khi tuyên xưng “Đức Giêsu là Thiên Chúa” chúng ta muốn quả quyết điều gì?
a. Đức Giêsu gồm tất cả những điểm sau đây:
b. Đức Giêsu có mọi thuộc tính của Thiên Chúa như toàn năng, toàn tri, vĩnh hằng, phi khổ luỵ, hiện diện khắp nơi…
c. Đức Giêsu có chung một thiên tính cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
d. Đức Giêsu là Hữu thể tuyệt đối, nguồn của tất cả những gì hiện hữu hay có thể hiện hữu.
11. Những lạc giáo sau Công đồng Nicaea thật sự bắt nguồn từ đâu?
a. Từ ác ý muốn xuyên tạc giáo lý chính thống của Giáo Hội.
b. Từ việc tranh giành ảnh hưởng của các vị giám mục lãnh đạo cộng đoàn.
c. Từ thiện ý muốn giúp cho tín hữu hiểu biết hơn về Đức Giêsu Kitô như là Thiên Chúa có hai bản tính phối hợp với nhau như thế nào, nhưng các từ ngữ của các địa phương khác nhau lại không hiểu như nhau.
d. Từ những từ ngữ mà mỗi nơi hiểu một ý khác nhau.
12. Công đồng Chung Chalcedonina xác định điểm quan trọng nhất của Kitô học: Đức Giêsu là một ngôi vị trong hai bản tính. Sự hợp nhất hai bản tính được diễn tả theo 4 trạng từ nào sau đây?
a. Không trộn lẫn, không mất đi, không thay đổi, không tách biệt.
b. Không trộn lẫn, không thay đổi, không chia rẽ, không tách biệt.
c. Không mất đi, không thay đổi, không tách biệt, không chia rẽ.
d. Không mất đi, không thay đổi, không trộn lẫn, không chia rẽ.
13. Hãy tìm điểm sai trong việc chuyển thông đặc tính (communicatio idiomatum) nơi Đức Giêsu khi nói:
a. Đức Giêsu (= Ngôi Lời) chết.                c. Đức Giêsu trở thành người.
b. Đức Giêsu (= Ngôi Lời) đói.                 d. Ngôi Lời trở thành người.
14. Mầu nhiệm nhập thể là gì theo ý nghĩa cứu độ học?
a. Là việc Thiên Chúa trở thành xác thể để dùng thể xác làm phương tiện cứu độ.
b. Là Thiên Chúa tham dự vào lịch sử loài người cách cụ thể, chủ động theo cung cách con người để cứu độ con người.
b. Là việc Thiên Chúa mang lấy bản tính nhân loại.
d. Là mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành con người.
15. Qua việc nhập thể, Thiên Chúa muốn thực hiện điều gì ?
a. Phối kết hài hoà trong chính mình các yếu tố cấu thành mầu nhiệm nhập thể: thần thiêng và nhân loại, xác và hồn, trí thức và lao động, cá nhân và cộng đoàn, nội tâm và ngoại giới…
b. Kết hợp tất cả mọi người trong tình liên đới siêu nhiên.
c. Kết hợp mọi người, mọi vật thành một nơi con người hoàn hảo là Đức Giêsu Kitô.
d. Tất cả các điểm trên đây.
16. Để chuẩn bị cho mầu nhiệm nhập thể, Ngôi Lời có thể trở thành con người bởi vì :
a. Thiên Chúa dựng nên vạn vật, nên Ngài có thể trở thành vạn vật.
b. Thiên Chúa toàn năng nên Ngài có thể trở thành bất cứ điều gì Ngài muốn.
c. Thiên Chúa tự trao ban chính mình cho con người mà chẳng cần đến sự đón nhận của con người.
d. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh mình, nghĩa là cho con người có khả năng mở ra vô tận nhờ tinh thần của con người để đón nhận Thiên Chúa.
17. Trong quá trình tiến hoá, con người càng ngày càng phát triển về mặt tinh thần. Nhưng cuộc nhập thể không phải là kết quả của cuộc tiến hoá này. Vì sao?
a.Thiên Chúa hoàn toàn tự do và chủ động trong sáng kiến của mình: Ngài ban Con Một để cứu độ và cho con người hiệp thông với mình.
b. Quá trình tiến hoá mâu thuẫn với cứu cánh của thiên nhiên.
c. Vũ trụ tự bản chất có thể tự mình trở thành tinh thần.
d. Con người có thể tự mình tìm đến Thiên Chúa và hoà nhập với Thiên Chúa.
18. Sự việc Đức Giêsu chết là:
a. Một mầu nhiệm cần đức tin để cảm nghiệm nhưng cũng là một biến cố lịch sử cần lý trí để thấu hiểu.
b. Một biến cố vừa có tính lịch sử vừa siêu việt trên lịch sử.
c. Một biến cố duy nhất gồm hai mặt không thể tách rời : chết đi – sống lại của Đức Giêsu.
d. Gồm tất cả các điểm trên đây.
19. Các môn đệ giải thích về cái chết của Đức Giêsu như thế nào?
a. Ngài chết theo đúng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như Thánh Kinh đã báo trước.
b. Ngài chết vì muốn tự hiến dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ đền tội cho loài người.
c. Ngài chết để thiết lập một giao ước mới giữa Thiên Chúa và vạn vật khi hoà giải tất cả với Thiên Chúa.
d. Tất cả những lời giải thích trên đây.
20. Đức Giêsu bị kết án vì lý do chính yếu nào?
a. Vì can tội chính trị khi “tự xưng là vua dân Do Thái”.
b.Vì lý do tôn giáo: phạm thượng, chống đối lề luật …
c. Vì chính cuộc sống đầy ý nghĩa của Ngài.
d. Vì phạm đến an ninh, trật tự, không đóng thuế, chống lại đế quốc Roma.
21. Cái chết của Đức Giêsu mang lại lợi ích gì lớn lao nhất cho con người?
a. Ơn tha thứ của Thiên Chúa.
b. Ơn hoà giải con người với nhau, với vạn vật.
c. Trở thành con cái Thiên Chúa và được thần hoá.
d. Trở thành dân riêng của Thiên Chúa.
22. Căn cứ vào điểm cơ bản nào mà các môn đệ lại có thể giải thích về cái chết của Đức Giêsu với nhiều ý nghĩa sâu xa và nội dung phong phú ?
a. Chúa Thánh Thần soi sáng cho các môn đệ hiểu.
b. Giáo Hội sơ khai suy niệm, thắc mắc nhiều về cái chết của Đức Giêsu.
c. Vì chính Đức Giêsu đã hiểu biết về sứ mạng và tình nguyện chịu chết qua các lời rao giảng và loan báo trước về cái chết của Ngài.
d. Vì dân ngoại công kích, nhạo báng Kitô hữu về cái chết của Đức Giêsu.
23. Hãy tìm điểm sai trong kinh nghiệm mà Đức Giêsu trải qua về cái chết của mình?
a. Như một con người đích thực với tất cả đau đớn trong thể xác và khổ sở, lo sợ, tủi nhục trong tinh thần.
b. Như Đấng Thiên Sai ý thức về sứ mệnh của mình: người công chính chết thay cho tội nhân, cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi vì là hiện thân của tội lỗi.
c. Như Thiên Chúa chết cho loài người và vạn vật vì yêu thương và muốn cứu độ tất cả.
d.Như một con người siêu phàm: nhờ sức mạnh Thiên Chúa nên không cảm thấy đau đớn, tủi nhục.
24. “Tấm màn trong đền thờ bị xé ra từ trên xuống dưới” (x. Mt 27,51) như muốn mạc khải điểm nào quan trọng nhất qua cái chết của Đức Giêsu?
a. Mạc khải Thiên Chúa là tình yêu đã ban Con Một để chết cho ta và để cứu độ ta: Ngài không còn ngăn cách với con người.
b. Đền thờ Jerusalem trở thành vô ích vì Thiên Chúa đã rời bỏ và bắt đầu một tôn giáo mới mẻ, phổ quát.
c. Mạc khải mầu nhiệm con người có thể giết chết Thiên Chúa vì tội lỗi của mình.
d. Sự phẫn nộ của Thiên Chúa vì nhân loại giết Con Một của mình.
25. Thái độ nào thích đáng nhất khi đối mặt với khổ đau và sự dữ?
a. Tích cực đương đầu với chúng như Đức Giêsu đã chữa bệnh, cứu đói, trừ quỷ …
b. Âm thầm cam chịu nơi mình như một thứ định mệnh do Thiên Chúa gửi đến.
c. Đón nhận mọi đau khổ mà không phân biệt vì đó là mầu nhiệm của đời người.
d. Dùng đau khổ để đánh bại sự dữ như Đức Giêsu đã đón nhận thập giá và cái chết để cứu độ tất cả.
26. Việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông loan báo điểm nào quan trọng nhất trong tín điều này?
a. Ngài chết thật sự, đã đi vào miền âm phủ để giải phóng vong linh.
b. Ngài giải phóng toàn bộ lịch sử loài người, công cuộc cứu độ trọn vẹn thành tựu khi chiến thắng tội lỗi và thần chết.
c. Ngài đánh thắng tử thần và quyền lực tối tăm.
d. Ngài đến để loan báo Tin Mừng cứu độ cho các vong linh.
27. Trong tư cách là con người chịu đau khổ, Đức Giêsu đau đớn như thế nào?
a. Vì Đức Giêsu tự làm phép lạ để cơn đau không thâm nhập vào Ngài.
b. Vì Đức Giêsu có thiên thần phụ giúp riêng nên Ngài chẳng đau đớn bao nhiêu.
c. Đức Giêsu chịu khổ và chịu chết như một con người đích thực với sự đau khổ tột cùng trong cả thể xác lẫn tâm hồn.
d. Vì Đức Giêsu được hưởng kiến Thiên Chúa ngay trong cuộc sống ở trần gian, nên nỗi đau chỉ phớt qua ở bên ngoài thể xác.
28. Trong tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giêsu chịu đau khổ nào khủng khiếp nhất?
a. Đức Giêsu cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi vì gánh lấy tội lỗi thay cho mọi người.
b. Đức Giêsu chết trong cảnh cô đơn, bị mọi người bỏ rơi.
c. Đức Giêsu chết trong cảnh tủi nhục như một tội nhân.
d. Đức Giêsu chết trong cảnh chán chường vì sự vô ơn của con người.
29. Trong tư cách là Thiên Chúa chết, Đức Giêsu mang lại hiệu quả gì lớn lao nhất?
a. Thiên Chúa có thể chết trong khi nhận lấy nhân tính.
b. Thiên Chúa là tình yêu, muốn chứng minh yêu con người đến tột cùng.
c. Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong tình yêu, tự nguyện chết cho con người để thần hoá con người.
d. Con người có thể yêu mến Thiên Chúa cách tuyệt đối và hiến mạng sống cho Thiên Chúa.
30.Đối với mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết, con người có thể chọn hành động nào cao cả nhất để đáp ứng?
a. Sẵn sàng chịu đau khổ thử thách trong đời mình.
b. Dám phó thác hoàn toàn đời mình với những đau khổ, chết chóc cho Thiên Chúa như một người Con giống như Đức Giêsu.
c. Dám đón nhận đau khổ, thử thách thay cho người khác như một Kitô.
d. Dám dấn thân vào cuộc sống đầy bất trắc và hiểm nguy để cứu độ con người như Đức Giêsu.
31. Theo Kinh Thánh,Ngôi Lời Nhập thể trút bỏ gì trong cuộc khổ nạn và cái chết của mình?
a. Tất cả quyền năng của Thiên Chúa: quyền sáng tạo vũ trụ, ra lệnh cho vạn vật …
b. Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, quyền được đối xử như Thiên Chúa (x. Pl 2,6-11).
c. Các đặc tính thần linh của Ngôi Lời: hằng hữu, hằng sống, bất khả chịu khổ …
d. Các đặc tính trên đây.
32. Lý do nào quan trọng nhất khiến người tín hữu ít quan tâm đến mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu?
a. Vì thần học hay Kitô học ít khám phá về mầu nhiệm này.
b. Vì phụng vụ xem mầu nhiệm này như một giai đoạn chuyển tiếp giữa Chúa Giêsu phục sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống nên không mấy quan tâm.
c. Vì người tín hữu không hiểu mầu nhiệm này muốn nói gì trong cuộc sống trần thế của họ.
d. Vì nhiều người tín hữu chưa muốn lên trời ngay nhưng vẫn muốn sống bám vào trần thế.
33. Việc Chúa Giêsu lên trời được thực hiện vào những thời điểm khác nhau theo lời kể của Thánh Kinh: Công vụ Tông đồ nói đến thời điểm 40 ngày sau khi Chúa sống lại (Cv 1,1-11), còn các Phúc Âm Nhất Lãm lại kể việc Chúa lên trời ngay sau khi Người sống lại. Vậy thời điểm nào đúng hơn cả?
a. Thời điểm 40 ngày sau khi sống lại.
b. Thời điểm ngay sau khi Chúa sống lại.
c. Việc lên trời không thật sự xảy ra nhưng chỉ có ý nghĩa thiêng liêng.
d. Chúa Giêsu về với Chúa Cha một cách thiêng liêng ngay sau khi Người sống lại và Chúa Giêsu chấn dứt sự hiện diện hữu hình với các môn đệ 40 ngày sau khi sống lại.
34. Việc lên trời của Đức Giêsu mang ý nghĩa nào cao cả nhất?
a. Đức Giêsu về ngự bên hữu Chúa Cha.
b. Đức Giêsu trở thành sự hiện diện hằng hữu.
c. Đức Giêsu đi vào trạng thái kết hợp hoàn toàn với Chúa Cha để chia sẻ thiên tính của Người cho những ai tin tưởng.
d. Đức Giêsu sau khi hoàn tất công trình cứu độ đã đưa con người vào vũ trụ lên cao tột đỉnh để có thể hiệp thông với Thiên Chúa.
35. Ơn cứu độ theo Kitô giáo là gì?
a. Là tất cả các điểm sau đây.
b. Tình trạng tối hậu, trong đó các cá nhân và cộng đoàn nhân loại được hưởng hạnh phúc sung mãn khi thoả mãn mọi nhu cầu và khát vọng chính đáng.
c. Khả năng được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, trong Thần Khí và qua trung gian của Đức Kitô, sau khi thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây nên.
d. Một thực tại phức tạp, phong phú, tác dụng trên mọi chiều kích của hữu thể thụ tạo.
36. Tại sao ơn cứu rỗi lại là ơn nhưng không của Thiên Chúa?
a.Vì con người không cần cộng tác với Chúa thì vẫn được Chúa cứu độ.
b. Vì con người không thể tự cứu rỗi chính mình, thoả mãn mọi khát vọng chính đáng của mình.
c. Vì Thiên Chúa yêu thương và cứu độ con người ngay khi con người còn là tội nhân (x. Rm 5:8).
d. Vì con người không thể tự thần hoá mình.
37. Sự cộng tác của con người với Thiên Chúa để cứu độ chính mình được biểu lộ cách cao cả nhất ở điểm nào?
a. Từ bỏ con đường tội lỗi để bước vào đường lối Tin Mừng.
b. Tự do và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để tham gia vào chương trình cứu độ của Đức Giêsu.
c. Sống tốt đẹp và công chính với mọi người.
d. Sống đạo đức để biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa.
38. Lý do nào quan trọng nhất đòi hỏi nền thần học Kitô giáo phải đổi mới ngôn ngữ để trình bày rõ ràng về ơn cứu độ?
a. Vì hình ảnh con người bị bóp méo khiến nhiều giá trị thực tế như thân xác, thế giới, lịch sử bị coi thường và vì chân dung thật sự của Thiên Chúa cứu độ bị bóp méo đến độ không thể chấp nhận được khiến người ta sợ hãi và không còn muốn tìm hiểu, yêu mến Thiên Chúa nữa.
b. Vì quan niệm sai về lịch sử.
c. Vì quan niệm thần thoại về thiên đàng và hoả ngục.
d. Vì tất cả những lý do trên.
39. Muốn đổi mới ngôn ngữ thần học về ơn cứu độ, cần phải làm gì trước hết?
a. Không cần phải làm gì vì con người luôn bất lực khi muốn diễn tả những mầu nhiệm.
b. Đưa vào những từ ngữ mới, những ẩn dụ mới phù hợp với nhận thức của con người.
c. Đưa vào những ý niệm mới về cứu độ như giải phóng, huynh đệ, trật tự mới, …
d. Thay thế ngôn ngữ cổ truyền, mang đậm tính văn hoá thời kinh viện bằng loại ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu của con người hiện nay.
40. “Con người được cứu độ, được thần hoá” là con người như thế nào?
a. Con người được biến thành thần linh, không còn bị giới hạn nào.
b. Con người tự nhiên vẫn còn bị chi phối bởi những giới hạn, nhưng được thông phần vào bản tính Thiên Chúa nhờ Đức Kitô và Thần Khí.
c. Con người được biến đổi để nhận được những khả năng kỳ diệu.
d. Con người mới mẻ, không còn phải qua cái chết vì thành một với Thiên Chúa hằng sống.