Người “quét dọn nhà”

Từ faxina (lau nhà) từ đó trở thành thứ ngôn ngữ chính trị phổ biến để mô tả bà tổng thống Brazil. Ngày 1-1-2012 sẽ là cột mốc đánh dấu một năm bà cầm quyền với thành tích rất mạnh tay với bất kỳ hành vi tham nhũng nào của những người thân cận

 

Người “quét dọn nhà
Trong năm đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã “miệt mài lau quét nhà cửa” khi thẳng tay cho các thành viên nội các dính chàm tham nhũng nghỉ việc. Bà chẳng hề sợ nguy cơ “không có người làm việc”.
Theo AFP, tháng 11-2011 Bộ trưởng lao động Carlos Lupi bị cáo buộc nhận lại quả để làm lợi cho các tổ chức phi chính phủ trong quá trình phân bổ ngân sách. Ban đầu ông còn ương ngạnh khẳng định “chỉ có đạn bắn mới có thể buộc tôi rời khỏi cái ghế này” mà còn “phải là đạn to à nha, người tôi hơi bị bự con đấy!”. Nhưng rồi chỉ một tháng sau, ông ta đã từ chức!
“Tôi không phải còn trẻ, cũng chẳng phải người lãng mạn” – bà Rousseff nói sau khi ông Carlos Lupi đưa ra những tuyên bố ngạo mạn. “Tôi phân tích mọi việc một cách khách quan”.
Ông Carlos Lupi trở thành thành viên thứ 6 trong nội các bị dính bê bối tham nhũng và phải từ chức. Và đó vẫn chưa phải là kết thúc.
136 nghị sĩ bị điều tra
Từ faxina (lau nhà) từ đó trở thành thứ ngôn ngữ chính trị phổ biến để mô tả bà tổng thống Brazil. Ngày 1-1-2012 sẽ là cột mốc đánh dấu một năm bà cầm quyền với thành tích rất mạnh tay với bất kỳ hành vi tham nhũng nào của những người thân cận, kể cả với các nhân vật thân tín của người tiền nhiệm vốn cũng là người đỡ đầu cho bà: cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Nền kinh tế thứ 6 thế giới
Theo Bloomberg, Brazil đã chính thức vượt qua Anh vào cuối tháng 12-2011 để trở thành nền kinh tế mạnh thứ 6 thế giới. Trung tâm nghiên cứu và kinh doanh tại London cho biết các thị trường đang nổi lên (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi) tiếp tục sẽ là nơi phát triển tốt nhất. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng dự báo Brazil sẽ vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2016.
Dư luận Brazil rất bức xúc với nạn tham nhũng. Khi bà lên nắm quyền, nhiều người tỏ ra nghi ngờ liệu bà có thể cắt bỏ cái ung nhọt tham nhũng, hối lộ đang lan khắp chân tơ kẽ tóc của hệ thống chính trị nước này không. Lúc đó, Sylvio Costa, giám đốc tổ chức chống tham nhũng Congress in Focus (Theo dõi Quốc hội), nhận định. “Tôi nghĩ bà tổng thống đang muốn tránh lặp lại những điều mà những người tiền nhiệm không thèm chấp nhận hay để ý. Nhưng đây là một hành trình dài và khó khăn”.
Nhà phân tích chính trị David Fleischer tại Brasilia trên báo The Economist đã nhận định vấn đề mấu chốt ở đất nước này là thứ văn hoá chính trị theo kiểu người người làm mọi cách để có được chức tước, quyền hành trong bộ máy chính trị, rồi sử dụng quyền hành đó để tư lợi, vơ vét một cách bất hợp pháp. Từ đời tổng thống này tới đời tổng thống khác, rất nhiều vụ tham nhũng đã bị báo chí phanh phui, nhưng không phải tổng thống nào cũng dám sa thải các thành viên nội các của mình.
Với Tổng thống Dilma Rousseff, có “những điều rất mới đang xảy ra”, như đánh giá của Sylvio Costa. 136 nghị sĩ Brazil hiện đang bị điều tra hình sự vì rất nhiều lý do khác nhau.
Dư luận ủng hộ
Tháng 1-2012, bà Rousseff sẽ bước vào năm cầm quyền thứ hai của mình. Rất nhiều thách thức đang chờ đợi bà, từ việc vực dậy nền kinh tế đang chậm lại tới việc hoàn thành lời hứa trước dân là “chấm dứt cảnh nghèo cùng cực”. Giới quan sát đánh giá bà đang đi đúng hướng bằng việc trừng phạt những bộ trưởng nhúng chàm. “Bà tổng thống kết thúc một năm với những kết quả tương đối tích cực – chuyên gia Paulo Sotero thuộc Viện Brazil ở Trung tâm Woodrow Wilson (Washington, Mỹ) nhận định – Bây giờ bà ấy được yêu thích hơn cả thời mới nhậm chức”.
Kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, bà Rousseff có tỉ lệ ủng hộ hơn 70%, cao hơn so với tổng thống Lula da Silva sau năm cầm quyền đầu tiên (66%). Đây quả là một “tài sản chính trị” để bà tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. “Nhiệm vụ của tổng thống là phải đưa ra những giải pháp nghiêm khắc” – bà Rousseff tuyên bố với các nhà báo tại một cuộc gặp vào cuối năm 2011.
Tờ Prensa Latina cho biết Chính phủ Brazil vừa đưa ra 33 cam kết mới trong kế hoạch chống tham nhũng, trong đó có việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền. Dự án này là một phần trong sáng kiến “Liên minh vì chính phủ công khai” mà Brazil đang đi đầu. Sáng kiến nhằm tạo dựng văn hoá tiếp cận thông tin của người dân đối với các cơ quan công quyền, cũng như thảo luận việc đưa Luật tiếp cận thông tin vào đời sống.