Đề nghị giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước

Ngày 15-11, Bộ Tài chính tổ chức buổi hội thảo đầu tiên nghe ý kiến các nhà khoa học về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà bộ đang soạn thảo. Hầu hết đại biểu đều cho rằng cần giảm tỉ trọng DNNN.

 Đề nghị giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước

Ngày 15-11, Bộ Tài chính tổ chức buổi hội thảo đầu tiên nghe ý kiến các nhà khoa học về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà bộ đang soạn thảo. Hầu hết đại biểu đều cho rằng cần giảm tỉ trọng DNNN.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, nêu số liệu chứng minh hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN thấp: trong giai đoạn 2007-2009, lợi nhuận trên vốn của các DNNN đạt 4,3%, bằng khoảng 50% khu vực FDI.

Ôm vốn nhiều nhưng hiệu quả ít

Theo ông Tuyến, có tình trạng nhiều DNNN có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, có tư tưởng lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích của toàn bộ nền kinh tế… Ông Hoàng Trần Hậu, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu DNNN của Bộ Tài chính, chủ trì hội thảo, cũng khẳng định DNNN đang ngày càng suy yếu. Ông Hậu dẫn số liệu từ một cơ quan nghiên cứu của Bộ Kế hoạch – đầu tư cho biết DNNN đang chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA nhưng chỉ đóng góp vào GDP có 38%.

Ông Hậu nêu thực trạng không ít DNNN hiện không minh bạch, thậm chí không nắm được số lỗ, lãi thực. Một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến Nhà nước phải trả thay, khoanh nợ. Trong khi đó, đến nay, theo các báo cáo, các tập đoàn đã đầu tư tới 7,3 tỉ USD, tức bằng 10% GDP vào lĩnh vực không phải chuyên môn chính. Thậm chí theo ông Hậu, chỉ trong hai quý cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các tập đoàn đã đầu tư tới 1,4 tỉ USD vào thị trường chứng khoán, địa ốc…

Tái cơ cấu đầu tư công:

Sang năm rất ít công trình khởi công

Ngày 15-11, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức hội nghị phổ biến và hướng dẫn thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, với chỉ thị này, số lượng công trình mới khởi công trong năm 2012 sẽ là rất ít bởi vì các địa phương, bộ ngành sẽ phải thực hiện phê duyệt dự án theo hai hướng: bố trí vốn theo nguyên tắc tập trung và sẽ có cơ quan kiểm soát việc bố trí đó; sẽ có cơ quan thẩm định xem địa phương có đủ nguồn lực không.

Trả lời Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói chỉ thị này là điểm khởi đầu cho tái cơ cấu đầu tư công, thể hiện quyết tâm khắc phục bệnh bố trí dàn trải, kém hiệu quả và hạn chế xin cho. Ông cho biết chỉ thị này sẽ có thể tạo ra một cú sốc với địa phương vì sẽ có một tỉ lệ dự án phải đình hoãn, giãn thi công.

HƯƠNG GIANG

GS Trương Mộc Lâm, nguyên chủ tịch Tập đoàn Bảo Việt, từ thực tế của mình cho rằng Nhà nước đã có sơ hở nên sinh ra tình trạng công ty mẹ lập công ty con, rồi con lập cháu, con lại đầu tư trở lại mẹ… Nêu ví dụ từ Tập đoàn Dầu khí lập tổng công ty bảo hiểm, tổng công ty này lại sinh ra công ty cháu, rồi công ty cháu đầu tư bất động sản khiến “loạn lên”, ông Lâm đề nghị “Chỉ nên cho xây hai tầng là công ty mẹ và con, không nên cho sinh cả công ty cháu”.

Nêu định hướng tái cấu trúc mà các cơ quan của Bộ Tài chính muốn nghe để hoàn thiện đề án, ông Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết yêu cầu của tái cấu trúc là giảm số DNNN để tăng hiệu quả, phạm vi tái cấu trúc là các DNNN có quy mô lớn, gồm cả 86 tập đoàn, tổng công ty… Phương thức tái cấu trúc có thể là xoá bỏ các ngân hàng, công ty tài chính trong các tập đoàn, tổng công ty… Ngoài ra, sẽ sửa các chính sách thuế theo hướng xoá bỏ bao cấp, ưu đãi DNNN, xoá bỏ độc quyền kinh doanh với các ngành đặc biệt như điện, than, xăng dầu…

Chỉ ở mức 5% GDP

Từ “đặt hàng” của ban tổ chức, TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế chính trị thế giới, đánh giá nền kinh tế VN hay bị “tái đi tái lại” với một số “bệnh” như lạm phát, tỉ giá… một phần vì khu vực DNNN đang ngốn rất nhiều tài sản nhưng lại không tạo nhiều hiệu quả. Để tái cơ cấu thành công, ông Sơn cho rằng Nhà nước đã điều hành đất nước thì không thể xác định lập doanh nghiệp, kinh doanh để lấy lợi nhuận cao, vì như thế chắc chắn sinh ra tham nhũng.

Về mức độ tái cấu trúc DNNN, TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng thời điểm hiện nay không thể “tráo đầu tráo đũa, gọi đó là tái cơ cấu” mà phải thu hẹp khu vực DNNN, cần thiết bán bớt đi, ngay cả các tập đoàn. “Nhà nước phải hỗ trợ cho dân chúng làm giàu, chỉ thu thuế thôi chứ không nên tự lập doanh nghiệp làm giàu, cùng thu cả thuế và lợi nhuận”, ông Sơn nói.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng đồng tình hiệu quả kém của khu vực DNNN trong khi nếu tính lợi nhuận của khu vực này so với lãi suất ngân hàng thì DNNN luôn lỗ. Hệ quả là DNNN chiếm tới 60% vốn cho vay và tới 70% nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại. Ông Phong cho rằng cần tránh tư duy cực đoan là kinh tế nhà nước càng nhiều càng tốt, vì kinh nghiệm thế giới mức trung bình DNNN chiếm 5-20% GDP là phù hợp. Ông Phong đề nghị tái cơ cấu nên giảm quy mô của DNNN từ 40% GDP hiện nay xuống 20%, sau đó xuống 5%.

Để tái cơ cấu, ông Phong đề nghị phải giảm thiểu năm tình trạng, trong đó nhấn mạnh: giảm mập mờ lợi ích, giảm thiểu lợi ích nhóm, đặc biệt là phải giảm lạm dụng việc giữ tỉ lệ vốn nhà nước ở mức trên 51% mà thực chất là trốn cổ phần hoá…