Lũ lụt thành cuộc chiến chính trị

Kể từ khi lũ lụt bắt đầu hoành hành tại Thái Lan, đảng Dân chủ đối lập và tầng lớp thân hoàng tộc đã liên tục chỉ trích Thủ tướng Yingluck bằng những ngôn từ cay độc, thậm chí còn nói việc Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên là vận xui cho đất nước.

 Lũ lụt thành cuộc chiến chính trị

Trận lũ lịch sử ở Thái Lan không chỉ là thảm hoạ quốc gia mà còn là một cuộc chiến chính trị khốc liệt giữa các đảng phái chính trị.

Theo báo Bangkok Post, Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới đây đã khẳng định sẽ không từ chức bất chấp những lời chỉ trích cho rằng các biện pháp chống lũ của chính phủ không hiệu quả và quá yếu ớt. “Mọi người đặt hi vọng vào chúng tôi. Tôi sẽ không bỏ cuộc – bà Yingluck khẳng định – Tôi có thể đã khóc, nhưng đó không phải là sự yếu đuối hay tuyệt vọng. Đó là sự thông cảm đối với những gì người dân đang phải chịu đựng”.

Kể từ khi lũ lụt bắt đầu hoành hành tại Thái Lan, đảng Dân chủ đối lập và tầng lớp thân hoàng tộc đã liên tục chỉ trích Thủ tướng Yingluck bằng những ngôn từ cay độc như “kẻ rỗng tuếch”, “búp bê Barbie không não”, thậm chí còn nói việc Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên là vận xui cho đất nước. Mục tiêu là nhằm đánh đổ uy tín của bà Yingluck, phủ nhận mọi nỗ lực mà chính phủ của bà đang thực hiện để chống lũ.

Những miếng đòn hiểm

Những lời kêu gọi bà Yingluck từ chức đã xuất hiện từ hai tháng qua. Mở đầu là vào giữa tháng 10, khi Atiya Achakulwisut, người thường xuyên viết những bài xã luận chỉ trích đảng Puea Thai cầm quyền trên báo Bangkok Post, đã có bài viết với tựa đề “Bà có hiểu không?” với hàm ý đòi bà Yingluck từ chức. Tuy nhiên, sau đó trên báo The Nation, nhà bình luận chính trị Pavin Chachavalpongpun lại cho rằng không thể đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu bà Yingluck.

“Liệu có phải một mình bà ấy phải chịu trách nhiệm về đợt lũ lụt? – Chachavalpongpun đặt câu hỏi – Tại sao Cơ quan tưới tiêu hoàng gia lại trữ một lượng nước cực lớn ở các con đập vào đầu mùa lũ? Tại sao các chính quyền trước đây không hề xây dựng một hệ thống quản lý lũ hiệu quả dù lũ lụt năm nào cũng xảy ra?”. Một số nhà quan sát khác cũng nhận xét năm ngoái lũ lụt đã làm cả trăm người Thái Lan thiệt mạng, nhưng nhà báo Atiya Achakulwisut của báo Bangkok Post và những người giờ đang sỉ vả bà Yingluck ở đâu mà lúc đó chẳng hề thấy lên tiếng chỉ trích thủ tướng Abhisit.

Theo báo The Nation, những kẻ chống đối bà Yingluck còn thực hiện hàng loạt cuộc tấn công mang tính bôi nhọ bà trên mạng Internet. Giới quan sát nhận định đây là một chiến dịch có tổ chức nhằm làm giảm niềm tin của người dân Thái Lan vào chính phủ của Đảng Puea Thai.

“Hoàng tử Bangkok

Trên báo The Nation ngày 9-11, nhà bình luận chính trị Chachavalpongpun lại cáo buộc một nhân vật khác cũng đang lợi dụng lũ lụt để chơi trò chính trị là thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra. Ông Sukhumbhand thuộc đảng Dân chủ, là con của hoàng tử Sukhumbhinanda và là hậu duệ của nhà vua Chulalongkorn. Nhiều người gọi ông là “hoàng tử Bangkok”.

Chachavalpongpun viết: “Những trận lũ tàn phá đã cho ông cơ hội để chứng tỏ quyền lực của mình như một thị trưởng Bangkok, và cho đến nay ông đã tỏ rõ cho thấy mình hoàn toàn độc lập với chính phủ (thậm chí còn đưa ra những mệnh lệnh trái ngược hẳn với những quyết định của chính phủ). Đó không là sự hợp tác mà là sự cạnh tranh xác lập mối quan hệ của mình với thủ tướng (là bà Yingluck). Dưới quyền của Sukhumbhand, Bangkok là một ốc đảo. Thủ đô được tách khỏi phần còn lại của cả nước. Tất cả các tỉnh khác có thể chấp nhận cho chìm ngập dưới nước lũ, còn Bangkok là phải khô ráo bằng mọi giá.

Trước đó, ngày 7-11, vốn nổi tiếng là tờ báo chống Thaksin và không ưa gì đảng Puea Thai, báo Bangkok Post cũng đã phải kêu lên trong một bài xã luận: “Giờ không phải là lúc chơi trò chính trị”. Báo này khẳng định việc thị trưởng Sukhumbhand hùng hổ với các cơ quan chính quyền trung ương “không phải là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, mà là điều ngược lại”, và kêu gọi ông Sukhumbhand và bà Yingluck hợp tác.

Nhiều độc giả viết trên báo Bangkok Post và The Nation cho rằng trên thực tế các cơ quan của chính quyền trung ương như Trung tâm phối hợp cứu trợ (FROC) đã rất nỗ lực chống lũ và muốn hợp tác với chính quyền Bangkok, nhưng tất cả những gì ông Sukhumbhand làm là chỉ trích, phủ nhận chính quyền trung ương và từ chối phối hợp. Điều nực cười là trong khi chê bà Yingluck “dốt”, thì ông Sukhumbhand lại thực hiện lễ tế “đuổi nước” để cầu trời chống lũ.

“Thái độ của ông Sukhumbhand cho thấy gì? – nhà bình luận chính trị Chachavalpongpun tự hỏi và nhận định – Thái độ này cho thấy Bangkok không phải là Thái Lan và ngược lại. Đó là một đất nước trong một đất nước. Chính cách nghĩ này đã ngăn cản chính quyền đưa ra một giải pháp toàn cục để ngăn chặn lũ lụt vốn đã không còn kiểm soát được”. Chính cách điều hành của ông Sukhumbhand đã khiến người dân thủ đô Bangkok giàu có cũng coi mình thành người “chiếu trên”.

Chachavalpongpun vạch rõ “cách đây hai tháng khi Bangkok vẫn còn khô ráo trong khi các vùng nông thôn đã bị ngập chìm trong nước lũ, thì không người dân Bangkok nào bày tỏ sự lo âu và chia sẻ đoàn kết với các vùng gặp nạn này. Việc các vùng này gặp nạn xem ra chẳng có gì là nghiêm trọng khi mà Bangkok vẫn bình yên vô sự. Đến khi Bangkok ngập thì họ là những người kêu gào to nhất, ùn ùn kéo nhau đi tích trữ thực phẩm gây nên tình trạng hỗn loạn. Phải chăng cách ứng xử của người dân Bangkok là tiêu biểu cho hệ thống hai tốc độ đang chi phối xã hội Thái Lan. Vẫn như trước nay, quyền lực và sự thịnh vượng là thuộc về Bangkok, còn phần còn lại của Thái Lan có thể nghèo và kém phát triển”.