Giao Chính phủ tái cơ cấu nền kinh tế

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 đã yêu cầu rất cụ thể: giao Chính phủ trong năm 2012 phải hoàn thành đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và báo cáo Quốc hội ngay kỳ họp thứ 3 khoảng tháng 5-2012.

 Giao Chính phủ tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày 9-11, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII đã thông qua ba nghị quyết quan trọng, trong đó nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 đã yêu cầu rất cụ thể: giao Chính phủ trong năm 2012 phải hoàn thành đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và báo cáo Quốc hội ngay kỳ họp thứ 3 khoảng tháng 5-2012.

Lạm phát năm 2012: dưới 10%

Trên 276.000 tỉ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 9-11, QH đã thông qua nghị quyết cho phép giai đoạn 2011-2015 Chính phủ được vay, đầu tư trái phiếu Chính phủ không quá 225.000 tỉ đồng. QH cũng yêu cầu Chính phủ nâng cao chất lượng quản lý, thanh tra việc sử dụng vốn trái phiếu để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả các dự án. QH cũng thông qua 16 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2011-2015, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường… với tổng kinh phí lên tới trên 276.000 tỉ đồng.

Theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, cơ bản các mục tiêu trong nghị quyết đều bám sát đề nghị Chính phủ trình như: tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%…

Tuy nhiên, Quốc hội (QH) đã có yêu cầu Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể. Theo đó, nghị quyết của QH đã chuyển tải nội dung hội nghị trung ương 3 yêu cầu Chính phủ phải tái cơ cấu đầu tư theo ba hướng với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thứ nhất là tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỉ trọng và nâng cao hiệu quả. QH yêu cầu Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động đầu tư. Chính phủ cũng cần nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ hai, QH yêu cầu Chính phủ tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. QH yêu cầu Chính phủ phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, minh bạch hoá tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế. QH cũng yêu cầu Chính phủ cần tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân đang tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, QH xác định Chính phủ cần cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; kiểm soát các quỹ đầu tư, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Tập trung nguồn lực để giảm nghèo

Nghị quyết của QH yêu cầu Chính phủ cần tăng cường quản lý, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Vấn đề lạm phát, QH yêu cầu kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm. Chính phủ cần chủ động bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường quản lý thị trường ngăn chặn nạn đầu cơ, độc quyền.

Về an sinh xã hội, QH yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các chính sách đất đai, thuế, tín dụng… để tăng sức thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cần xây dựng và phát triển các cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có; rà soát các dự án hạ tầng giao thông, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm để bố trí vốn dứt điểm cho các dự án có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong hai năm 2012-2013.

Chính phủ cũng cần triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo, nhất là ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; phải công khai, minh bạch và đơn giản hoá các thủ tục hành chính để hỗ trợ kịp thời người dân. Các cơ chế giảm nghèo hiện tại cũng nghiên cứu điều chỉnh để tập trung nguồn lực giúp giảm nghèo hiệu quả hơn. Khi Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng điện, xăng dầu, than và giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường, QH lưu ý cần tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách. Cụ thể hơn, QH yêu cầu phải nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ nông dân tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

TS Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):

Khu vực tư nhân cũng phải tái cơ cấu

Một trong những vấn đề cần lưu ý là tái cơ cấu đầu tư không chỉ nên chú trọng vào tái cơ cấu đầu tư công, mà cần phải tái cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân nữa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trước đây mỗi năm bằng khoảng 42% GDP.

Trong kế hoạch năm năm thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ dao động khoảng 33-35%. Và tỉ trọng khu vực công cũng giảm dần, thay vì trên 40% thì bây giờ giảm còn 35-38%, khu vực dân doanh sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn. Như vậy vấn đề cần lưu ý là bên cạnh tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước thì phải tái cơ cấu các khu vực dân doanh, hay nói cách khác cần có đường lối hỗ trợ khu vực dân doanh.

Trong nền kinh tế có ba khu vực: khu vực công, khu vực dân doanh và khu vực nước ngoài. Khu vực công hiện chiếm khoảng 40%, khu vực dân doanh khoảng 40%, khu vực nước ngoài 20%.

Nếu chúng ta tái cấu trúc khu vực công, bó hẹp nó lại, nếu khu vực tư có dấu hiệu suy yếu thì coi chừng chúng ta để lại sân cho khu vực đầu tư nước ngoài. Vì vậy Chính phủ cần phải nghĩ đến các gói hỗ trợ cho khu vực tư phát triển.

LÊ KIÊN ghi