06/10/2024

Đức Thánh Cha công bố Năm Đức Tin

VATICAN – Trong thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật 16-10-2011, ĐTC Bênêđictô XVI tuyên bố Năm Đức Tin sẽ được cử hành từ ngày 11-10-2011 đến ngày 24-11-2011. Trong bài giảng, ngài đã giải thích các bài đọc để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái truyền giảng Tin Mừng, đồng thời cũng loan báo việc cử hành Năm Đức Tin.

 

Đức Thánh Cha công bố Năm Đức Tin

VATICAN – Trong thánh lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật 16-10-2011, ĐTC Bênêđictô XVI tuyên bố Năm Đức Tin sẽ được cử hành từ ngày 11-10-2011 đến ngày 24-11-2011.

Thánh lễ

ĐTC Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, một vấn đề ngày càng cấp thiết trong thế giới ngày nay và cũng là một thách đố lớn đối với Giáo Hội. Thánh lễ này nối tiếp Hội nghị quốc tế do Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng tổ chức hôm thứ bảy 15-10 vừa qua tại Nội thành Vatican với sự tham dự của hơn 8.000 người tân truyền giảng Tin Mừng, trong đó có nhiều người trẻ. Họ cũng hiện diện trong thánh lễ do ĐTC cử hành.

Đặc biệt lần đầu tiên, để đi quãng đường dài hơn 100 mét từ khu vực mặc áo ở cuối Đền thờ lên bàn thờ chính, ĐTC đã dùng một bục cao có bánh xe và được 2 nhân viên đẩy đi. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết ĐTC đã dùng bục lăn này không phải vì lý do y tế, nhưng là để cho ngài đỡ vất vả vì đã 84 tuổi, cũng giống như khi làm lễ ở ngoài trời cho các tín hữu, ngài đi xe bọc kính cho đến tận chân lễ đài. Ngoài ra, nhờ bục cao, các tín hữu cũng thấy ĐGH dễ hơn.

Có 220 vị đồng tế với ĐTC, gồm 20 hồng y, 50 GM và 150 linh mục đến từ các nước, không kể 100 LM và phó tế đảm nhận phần phân phát Mình Thánh Chúa được ngồi ở phía sau bàn thờ chính.

Đầu thánh lễ, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nói đến trình trạng ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay có nhiều người chưa được biết danh Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa. Nhưng trong những thập niên gần đây, với những thay đổi sâu đậm trong các xã hội chúng ta, nhất là tại những miền từ bao thế kỷ đã được đức tin nhào nặn, trong đó cả một số miền vốn có đức tin thời các Tông đồ. Nhiều người có đức tin suy yếu, đã theo những làn gió giáo thuyết lừa đảo (x. Ep 4,14) mà xa lìa cộng đoàn Kitô và dửng dưng đối với việc lắng nghe Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo ngày nay có thêm một sắc thái nữa, đó là tái truyền giảng Tin Mừng, trước tiên hướng đến các tín hữu, giúp họ tìm lại được sức mạnh để tin và niềm vui làm chứng cho đức tin. Để điều đó diễn ra được, thì cần có những nhà truyền giáo mới, với nhiệt huyết được đổi mới, loan báo Tin Mừng ngàn đời, như câu trả lời tối hậu cho câu hỏi về ý nghĩa ở nơi tâm hồn mỗi người”.

Bài giảng của ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài giảng, ngài đã giải thích các bài đọc để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái truyền giảng Tin Mừng, đồng thời cũng loan báo việc cử hành Năm Đức Tin.

Ngài nói: Anh em đáng kính, anh chị em thân mến,

“Hôm nay tôi vui mừng cử hành thánh lễ cho anh chị em, những người dấn thân ở các nơi trên thế giới nơi biên cương của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Phụng vụ này kết thúc cuộc gặp gỡ mà anh chị em thực hiện hôm qua với mục đích để trao đổi về những lãnh vực của sứ mạng ấy, và lắng nghe một số chứng từ đầy ý nghĩa. Chính tôi cũng đã muốn trình bày với anh chị em một số tư tưởng hôm qua, và hôm nay, tôi bẻ bánh Lời Chúa và Thánh Thể với anh chị em, với xác tín chung của chúng ta về điều này là nếu không có Chúa Kitô, là Lời và là Bánh sự sống, thì chúng ta không thể làm gì cả (x. Ga 15,5). Tôi vui mừng vì hội nghị này diễn ra trong khuôn khổ tháng 10, 1 tuần lễ trước Ngày Thế Giới truyền giáo: điều này nhắc nhở về chiều kích phổ quát của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, trong sự hòa hợp với sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại”.

Tiếp đến, ĐTC quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và đặt trong bối tái truyền giảng Tin Mừng. Đặc biệt bài Phúc Âm nói về sự trả thuế hợp pháp cho Cesar, với câu trả lời nổi tiếng của Chúa Giêsu: “Hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar, hãy trả cho Thiên Chúa, những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Nhưng trước khi đi tới chỗ đó, có một đoạn có thể liên hệ với người có sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Thực vậy những người đối thoại với Chúa Giêsu, là những đồ đệ của phe Biệt Phái và Hêrôđê, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và nói: “Chúng tôi biết ngài chân thật và dạy con đường của Thiên Chúa theo chân lý. Ngài không quỵ luỵ ai” (v. 16). Lời quả quyết này, tuy là giả hình, nhưng cũng phải lưu ý chúng ta. Các đồ đệ phe Biệt Phái và Hêrôđe không tin những gì họ nói. Họ chỉ quả quyết điều đó như một kiểu nói để thu hút sự chú ý của người khác, nhưng tâm hồn họ xa chân lý; đúng hơn, họ muốn kéo Chúa Giêsu vào tròng để có thể cáo buộc ngài. Đối với chúng ta, câu nói ấy là quý giá: thực vậy Chúa Giêsu là chân lý và dạy con đường của Thiên Chúa theo chân lý. Chính ngài là con đường của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi tiến bước theo. Chúng ta có thể nhắc lại đây chính lời Chúa Giêsu, trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Thầy là đường, sự thật và sự sống” (14,6). Về vấn đề này lời chú giải của Thánh Augustino soi sáng cho chúng ta: “Sở dĩ Chúa Giêsu cần nói: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” vì sau khi biết con đường ấy, cần phải biết mục đích. Con đường dẫn đến sự thật, thì cũng dẫn đến sự sống. Và chúng ta đi đâu nếu không đến cùng Chúa? và chúng ta đi qua đường nào, nếu không phải là Chúa? (In Ioh 69,2). Các nhà tái truyền giảng Tin Mừng được mời gọi bước đi trước tiên trong con đường là Chúa Kitô, để làm cho người khác biết vẻ đẹp của Tin Mừng ban sự sống. Và trên con đường này ta không tiến bước một mình, nhưng có những người khác tháp tùng: một kinh nghiệm hiệp thông và huynh đệ được ban cho những người chúng ta gặp, để chia sẻ cho họ kinh nghiệm về Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Như thế, chứng tá kèm theo sự loan báo có thể mở tâm hồn của những người tìm kiếm chân lý, để có thể đến gần ý nghĩa cuộc sống của họ”.

Một suy tư vắn tắt về vấn đề chính trong bài Phúc Âm là trả thuế cho Cesar. Chúa Giêsu trả lời với một tinh thần chính trị thực tế, theo trào lưu đặt Chúa nơi trung tâm của truyền thống ngôn sứ. Cần phải trả thuế cho Cesar, vì hình trên đồng tiền là của ông; nhưng con người, mỗi người mang trong mình một hình ảnh khác, hình ảnh của Thiên Chúa, nên mỗi người mắc nợ Chúa và một mình Chúa mà thôi về cuộc sống của mình. Các Giáo Phụ, đi từ sự kiện Chúa nói về hình ảnh Hoàng đế in trên đồng tiền thuế, và giải thích đoạn này dưới ánh sáng ý niệm cơ bản con người là hình ảnh Thiên Chúa, được ghi trong chương I của sách Sáng thế. Một tác giả vô danh đã viết: “Hình ảnh Thiên Chúa không được in trên vàng, nhưng trên con người. Đồng tiền của Cesar bằng vàng, đồng tiền của Thiên Chúa là con người … Vì thế, hãy trả sự giàu sang của bạn cho Cesar, nhưng hãy dành cho Thiên Chúa sự trong trắng duy nhất của lương tâm bạn, nơi mà Thiên Chúa được chiêm ngắm… Thực vậy, Cesar đã yêu cầu in hình ông trên mỗi đồng tiền, nhưng Thiên Chúa đã chọn con người, mà ngài đã sáng tạo, để phản ánh vinh quang của Ngài” (Vô Danh, Opere incompleta su Matteo, Omelia 42). Và thánh Augustinô đã nhiều lần nhắc đến điều ấy trong các bài giảng của Ngài: “Nếu Cesar đòi hình ảnh của ông trên đồng tiền, thì Thiên Chúa chẳng đòi hình ảnh thần linh của Ngài mà ngài đã in tạc nơi con người sao?” (En. in Ps., Salmo 94,2). Và thánh nhân thêm: “Như ta trả cho Cesar đồng tiền, ta cũng trả cho Thiên Chúa linh hồn được chiếu sáng và in ấn bằng ánh sáng trên của tôn nhan Chúa… Thực vậy, Chúa Kitô ở trong con người nội tâm” (Ivi, Salmo 4,8).

Lời này của Chúa Giêsu có nội dung phong phú về nhân loại học, và không thể thu hẹp vào lãnh vực chính trị mà thôi. Vì thế, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở cho con người sự phân biệt đúng đắn giữa lĩnh vực quyền bính của Cesar và lĩnh vực của Thiên Chúa, giữa lĩnh vực chính trị và tôn giáo. Sứ mạng của Giáo Hội, giống như sứ mạng của Chúa Kitô, chủ yếu là nói về Thiên Chúa, nhắc nhớ chủ quyền của Chúa, nhắc mọi người, nhất là các tín hữu Kitô đã đánh mất căn tính của mình, và quyền của Thiên Chúa đối với những gì thuộc về ngài, nghĩa là cuộc sống của chúng ta.

Chính vì để đẩy mạnh sứ mạng của toàn thể Giáo Hội trong việc dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc nơi họ thường lâm vào để tiến về nơi sự sống, tiến vào tình bạn với Chúa Kitô Đấng ban sự sống sung mãn, nên trong thánh lễ này, tôi quyết định tuyên bố Năm Đức Tin, mà tôi sẽ trình bày trong một Tông thư về vấn đề này. Năm Đức Tin sẽ bắt đầu ngày 11 tháng 10 năm 2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II và sẽ kết thúc ngày 24-11-2013, lễ Chúa Kitô Vua. Đây sẽ là một thời điểm hồng phúc và quyết tâm trở về cùng Chúa ngày càng trọn vẹn hơn, để tăng cường đức tin cảu chúng ta và loan báo Chúa trong vui tươi cho con người thời đại.

Và ĐTC kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, anh chị em thuộc vào số những người giữ vai chính trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà Giáo Hội đã khởi sự và tiến hành không phải không có khó khăn, nhưng với cùng nhiệt huyết hăng hái như các tín hữu Kitô tiên khởi. Để kết luận, tôi muốn dùng kiểu nói của thánh Phaolô mà anh chị em vừa nghe: ”Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả anh chị em, và tôi đoan chắc cầu nguyện cho anh chị em, nhớ đến sự dấn thân của anh chị em trong đức tin, hoạt động chăm chỉ của anh chị em trong đức ái và niềm hy vọng kiên trì của anh chị em trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Mẹ Maria, Đấng đã không ngại thưa “xin vâng” với Lời Chúa và sau khi chịu thai Lời Chúa trong lòng, đã vui mừng và hy vọng lên đường, xin Mẹ luôn là mẫu gương và vị hướng đạo cho anh chị em. Hãy học nơi Mẹ của Chúa và Mẹ chúng ta, để trở nên khiêm nhường và can đảm; đơn sơ và khôn ngoan thận trọng: hiền lành và mạnh mẽ, không phải nhờ sức mạnh của thế gian, nhưng bằng sức mạnh của chân lý.

Các ý nguyện

Trong phần lời nguyện giáo dân, có 5 ý nguyện được xướng lên, bắt đầu là lời cầu cho Hội Thánh và các vị mục tử: “Xin Chúa Giêsu Kitô Vị Mục Tử nhân lành luôn ban cho Giáo Hội những thừa tác viên thi hành sứ mạng theo tâm hồn của Chúa, để Tin Mừng được loan báo cho mọi người, qua chứng tá về chân lý và về sự dịu hiền của Chúa Cha”. Một ý nguyện khác “xin Chúa Giêsu Kitô làm cho tất cả các tín hữu chúng ta trở thành những người nhiệt thành như các môn đệ thành Tessalonica, dấn thân trong đức tin, hoạt động trong đức ái và kiên trì nêu rõ lý do tại sao chúng ta hy vọng, để thế giới có thể tin nơi Đấng mà Chúa Cha đã sai đến để cứu độ chúng ta”. Lời nguyện sau cùng về công trình tái truyền giảng Tin Mừng: “Xin Chúa Giêsu Kitô là tác giả và là Đấng kiện toàn đức tin tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động tông đồ của những nhà tái truyền giảng Tin Mừng để các tín hữu Kitô nơi các lãnh thổ đã được rao giảng Tin Mừng xưa kia có thể làm cho đời sống Kitô của họ được tái sinh động và trở thành những người rao giảng đáng tín nhiệm về Tin Mừng”. Và ĐTC kết luận với lời cầu: “Xin Thiên Chúa, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Ngôi Sao của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng làm cho chúng con trở nên ngoan ngoãn đối với hoạt động của Thánh Thần của Đấng Phục Sinh và mở rộng con tim của những người lắng nghe: để Lời Tin Mừng được công bố một cách phong phú và nhân loại”.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 20 và 40 phút sau đó, ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài, để cùng với 40 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô đọc kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài cũng nhắc đến việc tái truyền giảng Tin Mừng và cử hành Năm Đức Tin, đồng thời nói rằng: “Lý do, mục đích và những đường hướng chỉ đạo về Năm này, tôi sẽ trình bày trong một Tông thư sắp được công bố trong những ngày tới đây. Vị tôi tớ Chúa Phaolô VI cũng đã ấn định Năm Đức Tin tương tự hồi năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và trong một thời kỳ có những biến chuyển lớn về văn hoá. Tôi nghĩ rằng nửa thế kỷ sau khi khai mạc Công đồng chung Vatican II, gắn liền với ký ức tốt đẹp về Chân phước Gioan XXIII, cũng nên nhắc lại vẻ đẹp và tầm quan trọng chủ yếu của Đức Tin, sự cần thiết phải củng cố và đào sâu đức tin trên bình diện bản thân và cộng đoàn, và thực hiện điều này không phải trong viễn tượng cử hành, nhưng đúng hơn là trong viễn tượng truyền giáo, truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng”.