23/11/2024

Thiếu liên kết

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước, thay vì đoàn kết thống nhất với nhau để có được sức mạnh đối chọi với các đối thủ nước ngoài, và trên hết là cùng chia sẻ lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, thì họ lại cạnh tranh với chính những người bạn đồng hành của mình.

 Thiếu liên kết


Cho đến bây giờ, khi hàng hoá nông sản của VN đã được bán khắp thế giới, có thể khẳng định VN hoàn toàn có những lợi thế nhất định để nâng cao vị thế của mình.

Thế nhưng một thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp (DN)  xuất khẩu trong nước, thay vì đoàn kết thống nhất với nhau để có được sức mạnh đối chọi với các đối thủ nước ngoài, và trên hết là cùng chia sẻ lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, thì họ lại cạnh tranh với chính những người bạn đồng hành của mình, từ đó chuốc lấy những rủi ro và thiệt hại, kể cả cho mình và cả với người nông dân.

“Phải thống nhất”, “phải đoàn kết”, đó là câu cửa miệng của các DN xuất khẩu khi ngồi lại họp hành với nhau, nhưng khi ra về thì mạnh ai nấy làm, mỗi người mỗi giá, dù hầu hết đều đứng chung dưới mái nhà hiệp hội ngành hàng. Có thể lấy ví dụ như cá tra, cá ba sa của VN từng một thời hoàng kim với những ưu thế có một không hai, thế nhưng cũng chính vì các DN trong ngành cạnh tranh hạ giá lẫn nhau, để cuối cùng nông dân thua lỗ phải treo ao, DN thiếu nguyên liệu để chế biến, và quan trọng hơn là giá cá tra xuất khẩu của VN đã bị thế giới liệt vào hàng giá rẻ. Việc thiếu liên kết đã khiến giá cá tra tăng giảm thất thường trong năm nay. Khoảng quý 1, giá cá tra lên mức 29.000 đồng/kg nhưng lúc đó không có cá để mua vì người nuôi đã quá chán nản, treo ao. Đến khi bắt đầu nuôi lại thì giá cá tra lại giảm từ 28.000 – 29.000 đồng/kg xuống còn 20.000 – 21.000 đồng/kg trong suốt ba tháng qua.

Ngành mía đường thì càng tệ hại hơn. Suốt bao nhiêu năm nay ngành này chưa từng xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Khi giá đường thấp thì các nhà máy hè nhau ép giá nông dân, khi giá cao thì cạnh tranh thu mua nguyên liệu. Các nhà máy thu mua mía dựa vào chữ đường (độ ngọt), khi khan hiếm nguyên liệu, thì mía nào đem bán cho nhà máy cũng thấy đạt chữ đường cao. Thế nhưng khi dội chợ thì mía nguyên liệu nào chở đến nhà máy bán cũng thấy bị định chữ đường thấp. Ví dụ như năm nay mặt bằng thu mua mía nguyên liệu chung trên cả nước khoảng 1.100.000 đồng/tấn thì vẫn có một số nhà máy ép giá xuống còn 900.000 đồng/tấn với lý do không đạt chữ đường.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn cho rằng, các DN cần phải có những chính sách cụ thể trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra của người trồng mía… để họ có điều kiện và yên tâm sản xuất, bên cạnh đó phải đảm bảo thu nhập của người trồng mía không thấp hơn một số cây trồng khác trong vùng, có như vậy họ mới gắn bó lâu dài với DN và DN cũng có nguyên liệu để sản xuất bền vững. Nói là thế nhưng cho đến nay, ít có DN nào làm được như vậy.

Nhiều bài học cay đắng đã được rút ra từ chuyện thiếu niềm tin, thiếu liên kết giữa các DN nhưng câu chuyện dài này vẫn chưa đến hồi kết.