24/12/2024

Gia đình và nhà trường là nguyên nhân chính?

Thông thường chúng ta thường quy cho gia đình, mà cụ thể là các bậc làm cha mẹ như là nguyên nhân đầu tiên của hành vi tội phạm trong thanh thiếu niên vì “con dại cái mang”.

 Gia đình và nhà trường là nguyên nhân chính?

Trong nghiên cứu về hiện tượng tội phạm ở gần như mọi quốc gia chứ không riêng ở Việt Nam, để lý giải hiện tượng này người ta đều nêu các nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước hết là yếu tố gia đình. Thông thường chúng ta thường quy cho gia đình, mà cụ thể là các bậc làm cha mẹ như là nguyên nhân đầu tiên của hành vi tội phạm trong thanh thiếu niên vì “con dại cái mang”. Nhận định này đúng nhưng chỉ đúng trong xã hội cổ truyền mà thôi. Thật vậy trong xã hội cổ truyền, gia đình đảm nhận gần như mọi trách nhiệm chính trong việc giáo dục con cái, bởi khi đó thiết chế học đường chưa phát triển như xã hội hiện đại ngày nay.

Ngược lại trong xã hội hiện đại, việc giáo dục cá nhân đã chuyển sang cho thiết chế có trách nhiệm chính trong giáo dục con người đó là nhà trường. Tức là trong xã hội hiện đại, gia đình chỉ còn tham gia hỗ trợ nhà trường, cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục con cái, chứ không còn là nơi chịu trách nhiệm chính nữa. Như vậy, không thể xem gia đình phải chịu trách nhiệm chính cho những hành vi phản xã hội đang bùng phát hiện nay, mặc dù ai cũng thấy phần lớn phạm nhân đều xuất thân từ những gia đình có nhiều trục trặc.

Nói như vậy cũng không thể quy trách nhiệm chính cho nhà trường, bởi khác với những quốc gia khác, nhà trường ở nước ta không có quyền tự chủ trong việc giáo dục con người. Làm sao nói nhà trường có quyền tự chủ khi toàn bộ nội dung chương trình, số tiết phải dạy cho từng bài học, những gì phải dạy… đều do Nhà nước quy định và thầy cô chỉ là người thực thi những gì đã được quy định trong sách giáo khoa mà thôi, vì đó là pháp lệnh.

Như vậy làm sao nhà trường tăng cường được việc giáo dục nhân cách cho người học, vì nếu thêm những điều đó vào thì không hoàn thành nội dung quy định, học sinh thi không đạt kết quả cao, nhà trường và giáo viên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Do đó cũng không thể đổ trách nhiệm cho nhà trường khi không tạo ra được những con người phát triển đầy đủ về nhân cách và trí lực, do họ không có cơ hội để làm điều đó.

Vậy trách nhiệm cuối cùng phải là xã hội. Trong xã hội ngày nay ai là người thắng và ai là người thiệt thòi? Người sống trung thực, thẳng thắn, trọng chân lý là người thắng, hay những người ma lanh, biết luồn cúi, nịnh hót, hối lộ, con ông cháu cha… mới là những người thắng?

Xã hội đang khuyến khích người ta theo đuổi những giá trị tinh thần, những giá trị làm giàu nhân cách hay những giá trị nặng về vật chất khi người ta luôn tôn vinh những cái con người có và sở hữu (đại gia, chân dài, siêu xe, sành điệu…). Xã hội đang nhìn sự thành bại của con người ở những vật mà họ sở hữu hay những phẩm chất nhân cách của họ? Trong một xã hội như vậy gia đình và nhà trường làm được gì?

Vì vậy đừng đổ lỗi cho gia đình và nhà trường, mà trước hết hãy nhìn xem xã hội đang được vận hành theo những quy tắc, chuẩn mực nào để thấy cội rễ của hiện tượng tội phạm đang trẻ hoá nằm ở đâu.