13/11/2024

Bi kịch của các thần đồng

Do sự kỳ vọng quá mức của gia đình và xã hội, các sinh viên nhí đã phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình một sức nặng quá lớn, trong khi vẫn còn đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

 Bi kịch của các thần đồng

Mỗi năm, trên thế giới có rất nhiều trẻ em dưới 15 tuổi trở thành sinh viên đại học. Dư luận xã hội ngay lập tức gán cho những sinh viên nhí này nhãn hiệu “thần đồng”. Không ít bi kịch đã bắt đầu từ đây…

Dư luận Trung Quốc mới đây lại xôn xao khi thông tin cậu bé 11 tuổi Hứa Hằng Thuỵ thuộc tầng lớp “phú nhị đại” trúng tuyển vào khoa luật Đại học Nhân dân Bắc Kinh xuất hiện trên khắp các mặt báo nước này. Cùng lúc lại xuất hiện hàng loạt nghi vấn về việc ông Hứa Văn Lâm, cha cậu bé, một đại gia thuốc lá tại tỉnh Vân Nam, “bơm” hàng triệu nhân dân tệ vào các quỹ đen của trường để mua chiếc vé vào đại học cho đứa con “thần đồng” của mình. Khi bị cánh báo chí bám theo truy hỏi là với những gì đã mua được bằng tiền, liệu cậu sinh viên 11 tuổi có xứng đáng được gọi là thần đồng không thì Hứa Hằng Thuỵ “sợ không dám về nhà” nữa!

“Nô lệ giáo dục”

Do sự kỳ vọng quá mức của gia đình và xã hội, các sinh viên nhí đã phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình một sức nặng quá lớn, trong khi vẫn còn đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuổi thơ của các trẻ này không khỏi bị đánh mất khi trở thành những “nô lệ giáo dục” cho ý muốn của cha mẹ mình.

Thần đồng 11 tuổi Hứa Hằng Thuỵ, như China News cho biết, trước khi trúng tuyển vào một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất của Trung Quốc, đã nếm trải một thời kỳ khổ luyện ngày đêm dưới sự giáo dục hà khắc của một đội ngũ gia sư hùng hậu.

Năm 2008, nước Anh từng bị sốc khi báo Daily Mail đưa tin thần đồng toán học 13 tuổi Sufiah Yusof của Đại học Oxford năm xưa tuyên bố: “Tôi yêu nghề gái gọi” và đang sống bằng nghề gái bán hoa với giá 130 bảng mỗi giờ. Khi còn là một đứa trẻ, dưới áp lực của cha, Sufiah đã phải học tập căng thẳng suốt cả ngày, thậm chí cô còn bị ép phải thực hành các bài tập thở trong phòng lạnh để giúp đầu óc tập trung. “Tôi đã nếm quá đủ 15 năm bị hành hạ về thể xác và tình cảm rồi – Sufiah bức xúc – Tôi đã lớn quá nhanh. Từ lúc 11 tuổi, lúc nào tôi cũng học, học, học. Tôi không hề có bạn bè”. Sufiah cho biết cô bỏ trốn khỏi nhà vì đó là một “địa ngục trần gian”, và bản thân “không hề hối tiếc” khi làm gái bán hoa ở tuổi 23!

Ở Trung Quốc, áp lực này còn mạnh hơn khi mong muốn “vọng tử thành long” đã trở thành truyền thống. Theo Tân Hoa xã, hằng năm, hàng ngàn bậc phụ huynh thúc ép con cái mình học tập ngày đêm để trở thành một trong 30 thành viên của lớp thiếu nhi Bát Trung (Bắc Kinh) – lớp đào tạo các thần đồng tương lai.

Năm 2001, Vương Tư Hàm trúng tuyển vào Đại học Công nghiệp Thẩm Dương lúc 14 tuổi. Cậu sinh viên nhí này đã phải đánh vật với bản thân trong một thế giới hoàn toàn xa lạ và một núi bài tập. “Mỗi ngày tôi chỉ có 4-5 giờ để ngủ, phải lên lớp từ sáng đến chiều và làm bài tập đến 11-12 giờ khuya – Vương Tư Hàm kể – Thậm chí lúc ăn cơm tôi cũng không thể rời mắt khỏi quyển sách. Sau giờ tan học, tôi cứ ngồi thần ra không biết mình phải làm gì”. Do những tổn thương trầm trọng về mặt tâm lý dẫn đến kết quả học tập yếu kém, Vương Tư Hàm đã phải thôi học vào năm 2005.

 

“Con rất mệt mỏi và muốn an nghỉ!”

Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời giáo sư giáo dục học Trung Quốc Tống Phượng Lan cho biết việc học nhảy là một cách rút ngắn thời gian trưởng thành của trẻ, nhưng đồng thời cũng khiến trẻ mất khả năng chịu đựng và dễ bị thương tổn.

“Đệ nhất thần đồng Trung Quốc” của những năm 1970 là Ninh Bạc. Cậu bé này được chọn vào học khoa đặc biệt của Đại học Khoa học và kỹ thuật khi mới 13 tuổi và năm 19 tuổi là giảng viên đại học trẻ nhất Trung Quốc. Ninh Bạc đã đột ngột trở thành… hoà thượng vào năm 2009 khi đang ở độ tuổi 38. Trang mạng Sinovison từng nhận xét: cuộc đời bất hạnh của Ninh Bạc bắt đầu khi dư luận khoác lên mình cậu những hào nhoáng của danh hiệu thần đồng. Trở thành giảng viên đại học, mọi người đã kỳ vọng cậu làm được những điều phi thường. Nhưng cậu thanh niên 19 tuổi này cứ loay hoay trong nỗi sợ hãi và hoài nghi về năng lực của mình nên đã đánh mất sự tự tin. Tâm lý sợ hãi thất bại như một bóng ma đè nặng, khiến cậu ba lần từ bỏ cuộc thi tuyển sinh thạc sĩ. Và cuối cùng thì Ninh Bạc đến nương thân nơi cửa Phật để tìm sự an ủi, lánh xa mọi áp lực!

Tiến sĩ Peter Congdon, giáo sư Đại học Queen Mary (London, Anh), nhận định: “Đẩy trẻ vào đại học ở lứa tuổi 14 là huỷ diệt tuổi thơ của các em, đồng thời tạo ra một cá thể thiếu quân bình và lạc lõng”. Sự thiếu quân bình không chỉ tạo áp lực tâm lý nặng nề, mà nghiêm trọng hơn còn gây nên những tác động tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của trẻ.

Thần đồng người Malaysia gốc Hoa Trương Thế Minh trúng tuyển khoa kỹ thuật của Đại học Massachusetts (Mỹ) khi mới 12 tuổi, đã mắc chứng trầm cảm và nhiều lần tự tử do áp lực quá lớn sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học New York Cornell (Mỹ) năm 1997. Trương Thế Minh đã qua đời vào năm 2002, sau năm năm sống với căn bệnh tâm thần.

Cô bé Đàm Giao (Trung Quốc) do không chịu nổi áp lực của một thần đồng khi theo học tại một trường trung học phổ thông bậc nhất ở Trung Quốc lúc tuổi 14, nên đã lao mình xuống một hồ sâu 3m trong trường để tự tử vào năm 2008. Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết trong bức thư tuyệt mệnh để lại trước khi chết, Đàm Giao đã viết: “Lúc nào con cũng cảm thấy áp lực rất lớn”, “Con rất mệt mỏi và muốn an nghỉ”!

Nhà văn Nikita Lalwani, tác giả của cuốn Gifted (Thần đồng), một cuốn sách lấy cảm hứng từ câu chuyện của Sufiah, đã viết: “Chúng ta muốn có những ngôi sao thần đồng thật trẻ… Nhưng đớn đau thay, chúng cũng phải vật lộn với những rối ren bẩn thỉu, những áp lực nặng nề trong cuộc sống như chính chúng ta thôi”.