22/12/2024

Đối mặt với nguy cơ một vụ 11-9 mới

Trong chuyến thăm New York ngày 7-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định nước Mỹ vẫn cần cảnh giác với nguy cơ bị tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công một lần nữa. “Khả năng xảy ra một vụ tấn công tương tự là rất thật”

 Đối mặt với nguy cơ một vụ 11-9 mới

10 năm đã trôi qua kể từ cuộc tấn công khủng bố 11-9, nhưng nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ của một vụ 11-9 mới mà như bộ trưởng quốc phòng nước này cảnh báo là “rất thật”.

Trong chuyến thăm New York ngày 7-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định nước Mỹ vẫn cần cảnh giác với nguy cơ bị tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công một lần nữa. “Khả năng xảy ra một vụ tấn công tương tự là rất thật” – American Forces Press Service dẫn lời Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh.

Ông cho rằng an ninh nội địa Mỹ được cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, trong khi hàng loạt thủ lĩnh của Al Qaeda, trong đó có Osama Bin Laden, đã bị tiêu diệt. “Tuy nhiên, mối nguy cơ hiện tại xuất phát từ những chi nhánh của Al Qaeda ở Yemen và Somalia – Bộ trưởng Panetta cảnh báo – Chúng tiếp tục âm mưu tấn công và chúng ta không thể chủ quan”.

Quá sớm để tuyên bố chiến thắng

Sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, các quan chức Washington liên tục nhắc đến ba chữ “giành chiến thắng”. Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố: “Chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã đặt Al Qaeda vào con đường thất bại”. Tuy nhiên, trên báo Los Angeles Times, chuyên gia Amy Zegart thuộc Viện Hoover, tác giả cuốn Quốc hội và cộng đồng tình báo Mỹ, nhận định đây là một tư duy nguy hiểm, bởi “cuộc chiến vẫn tiếp diễn và những tháng ngày nguy hiểm nhất của nước Mỹ vẫn còn ở phía trước”.

Theo Zegart, việc tiêu diệt Al Qaeda không thật sự quan trọng về mặt chiến lược. Sau vụ 11-9, Al Qaeda đã phát triển thành một thực thể phức tạp, phi tập trung hoá, gồm ba yếu tố. Thứ nhất là lực lượng Al Qaeda nòng cốt; thứ hai là các chi nhánh hoạt động ở các khu vực như Yemen và Somalia, có quan hệ lỏng lẻo với nhóm Al Qaeda nòng cốt; thứ ba là các nhóm và cá nhân khủng bố nội địa, bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan tràn lan trên mạng Internet.

Năng lực của lực lượng Al Qaeda nòng cốt đã suy yếu đáng kể từ sau vụ 11-9, khi quân đội Mỹ tấn công Afghanistan, phá huỷ các trại huấn luyện, lật đổ chế độ Taliban và buộc Bin Laden phải trốn chạy. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ước tính ở thời điểm hiện tại, tổ chức Al Qaeda nòng cốt đóng ở biên giới Afghanistan – Pakistan chỉ còn lại 50-100 tay súng. Lần cuối cùng Bin Laden tổ chức thành công một vụ tấn công khủng bố là vụ đánh bom hệ thống tàu điện ngầm London (Anh) năm 2005.

Tuy nhiên, các tổ chức chi nhánh Al Qaeda và nhóm khủng bố nội địa lại ngày càng trở thành mối đe doạ lớn đối với nền an ninh của Mỹ. Zegart dẫn chứng: vụ bắn giết ở căn cứ quân sự Ft. Hood năm 2009 được mô tả là vụ tấn công tồi tệ nhất tại Mỹ kể từ sau 11-9, do một tay khủng bố trong nước thực hiện. Kẻ chủ mưu vụ đánh bom thất bại ở quảng trường Thời đại tại New York năm 2010 là một công dân Mỹ gốc Trung Đông, được Taliban ở Pakistan huấn luyện chứ không phải là Al Qaeda. Một nhóm chi nhánh Al Qaeda ở bán đảo Ả Rập đã tổ chức vụ đánh bom bất thành hồi Giáng sinh năm 2009…

Một nguy cơ khác khiến Mỹ chưa thể tuyên bố chiến thắng, theo Zegart, là các nhóm khủng bố có khả năng đang sở hữu loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD). Theo kết quả khảo sát 60 chuyên gia nguyên tử và khủng bố hàng đầu thế giới vào năm 2005, phần lớn trong số họ đều tỏ ra lo ngại trước nguy cơ khủng bố bằng WMD vào nước Mỹ. Giới chuyên gia ước tính hiện thế giới có đủ nguyên liệu để sản xuất 120.000 vũ khí hạt nhân. “Khi việc quản lý vật liệu hạt nhân ở các nước vẫn còn lỏng lẻo, khủng bố hạt nhân vẫn là khả năng đáng sợ” – Zegart nhấn mạnh.

Đánh mất tự do

Sau 10 năm, sự kiện 11-9 xem ra còn ám ảnh nước Mỹ hơn nữa dù nước Mỹ đã chi 400 tỉ USD cho an ninh cũng như 1.300 tỉ USD cho hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, theo nghiên cứu “Chi phí chiến tranh” của Viện nghiên cứu quốc tế Watson thuộc ĐH Brown. 57% người Mỹ trong khảo sát mới đây của Hãng AP/NORC cho biết sự kiện 11-9 vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Tỉ lệ này còn cao hơn mức 50% so với kết quả thăm dò cũng của AP/NORC vào năm 2006. Trên tạp chí Forbes, chuyên gia Doug Bandow thuộc Viện Cato, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã “gọi tên” ảnh hưởng này là “ít tự do” hơn trước. Tổng thống và cảnh sát đã có nhiều quyền lực hơn trong việc xâm nhập đời tư của công dân.

Luật ái quốc tháng 10-2001 đã mở rộng quyền giám sát của các lực lượng thi hành luật pháp Mỹ. An ninh tại các sân bay được thắt chặt tối đa. Ngay sau 11-9, chính quyền Mỹ thực hiện hai chính sách gây tranh cãi là bí mật chở nghi can nước ngoài đến các nhà tù bí mật ở một nước thứ ba để thẩm vấn và giam giữ nghi can khủng bố ở nhà tù vịnh Guantanamo.

Theo khảo sát mới đây của AP, chỉ 23% người Mỹ ủng hộ việc chính quyền nghe lén điện thoại của công dân Mỹ và 33% đồng ý với việc xem trộm thư điện tử. Khoảng 54% khẳng định nếu phải chọn sự tự do và sự an toàn trước nguy cơ tấn công khủng bố, họ sẽ chọn tự do.

“Chúng ta phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn một vụ 11-9 mới nhưng vẫn phải tôn trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân” – AP dẫn lời lãnh đạo Cơ quan an ninh giao thông John Pistole lưu ý. Nhiều nhà hoạt động vì tự do dân sự cũng lo ngại chính phủ đang nhân danh an ninh để phá hoại nền tảng xã hội Mỹ. “Chúng ta đang trở thành một xã hội giám sát quốc gia” – chuyên gia Hina Shamsi, giám đốc Liên hiệp tự do dân sự Mỹ, nhận định. Trên tạp chí Forbes, chuyên gia Bandow chỉ trích Tổng

thống Obama đã không phục hồi những quyền tự do dân sự vốn bị hạn chế dưới thời cựu tổng thống George Bush. “Nước Mỹ đã thay đổi sau 11-9, nhưng nước Mỹ lại trở nên kém tự tin, ít tự do và an toàn hơn”.