Chữ hiếu bên giường bệnh
Mẹ không biết chữ, em trở thành người đọc toa thuốc, xem giấy tờ và còn lo cả bữa cơm, bữa cháo hay chăm sóc mẹ những lúc bệnh nặng.
Chữ hiếu bên giường bệnh
Hôm nay là rằm tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan – mùa báo hiếu mẹ cha. Có một nơi không bông đỏ, không bông trắng nhưng ngời sáng chữ hiếu: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM…
Trong khi đó, người người đi lễ cầu nguyện cho đấng sinh thành. Ai còn cha còn mẹ thì hạnh phúc đeo bông hồng đỏ, ai không còn thì đeo bông hồng trắng.
|
Em Trần Thị Thuỳ Trang (lớp 11 Trường THPT Hậu Nghĩa, Củ Chi, TP.HCM) chăm mẹ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng |
Đã hai tháng nay, em Nguyễn Văn Tỉnh và mẹ – bà Nguyễn Thị Phạn (51 tuổi), quê ở Đắk Lắk – phải sống nhờ ở sân của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Kể từ khi bà Phạn phát hiện bị ung thư cổ tử cung, Tỉnh phải nghỉ học cùng mẹ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa bệnh. Mẹ không biết chữ, em trở thành người đọc toa thuốc, xem giấy tờ và còn lo cả bữa cơm, bữa cháo hay chăm sóc mẹ những lúc bệnh nặng.
|
Hoàng Thị Mỹ Trang động viên mẹ là bà Dương Thị Năm, bị ung thư cổ tử cung, ở huyện Đạ Tẻ, Lâm Đồng, vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị từ tháng 2-2011 |
Vì đang điều trị ngoại trú, lại không có tiền thuê nhà trọ nên hai mẹ con Tỉnh ăn, ngủ và sống nhờ tại sân bệnh viện – nơi cũng có hàng trăm bệnh nhân khác tá túc ngày này sang ngày khác. Tỉnh là một trong số hơn chục đứa con đang chăm sóc bố mẹ bị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu.
|
Mẹ đang phải chiến đấu với bệnh tật mà không đủ tiền, Nguyễn Văn Tỉnh (13 tuổi) hằng ngày ngoài chăm sóc mẹ, em còn tranh thủ gom chai lọ từ các thùng rác quanh bệnh viện bán để có thêm tiền đưa mẹ chữa bệnh |
|
Sau hai lần mổ hạch, sức khoẻ ông Dương Văn Thiên (Lâm Đồng) vẫn còn yếu. Hằng ngày Dương Ngọc Sơn (đang học trung cấp ĐH Y dược TP.HCM) luôn túc trực lo thuốc men và xoa bóp cho cha |
Đó là câu chuyện của Dương Ngọc Sơn đang học trung cấp tại Trường ĐH Y dược TP.HCM luôn túc trực bên giường bệnh để xoa người, bóp chân lúc cha quặn đau vì vết mổ chưa lành hẳn. Cứ sau buổi học em lại đến bệnh viện để chăm cha từng miếng ăn, giấc ngủ. Hay Mai Thị Hạnh, cô sinh viên ở Đồng Nai, đang nuôi mẹ tại khoa xạ trị 2, tâm sự: “Chỉ mong mẹ khỏi bệnh chứ không nghĩ gì khác. Nếu như mẹ muốn ăn cái này, ăn cái kia, hay đấm bóp gì thì mẹ sẽ dễ dàng sai bảo hơn”.
|
Trần Thị Thuỳ Trang (lớp 11 Trường THPT Hậu Nghĩa, Củ Chi, TP.HCM) lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Chi bị bệnh thận |
Phần lớn gia đình các em đều khó khăn, tiền thuốc thang gần như lấy đi hết những khoản tiền dành dụm nên các em phải túc trực ở những bếp ăn miễn phí để nhận đồ ăn từ 4g-5g sáng.
|
Anh Sơn, quê Cà Mau, tranh thủ ngủ lấy sức sau một đêm chăm mẹ là bà Phạm Thị Tuyết (53 tuổi) |
Trên giường bệnh, cận kề giữa sống và chết, những bậc cha mẹ như được tiếp thêm nghị lực bởi tình thương và sự chăm sóc ân cần của những đứa con hiếu thảo.
|
Phạm Phú Cường, sinh 1987, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cầm chai nước truyền cho mẹ mỗi khi phải đi ra ngoài. Bà Trần Thị Ngọc – mẹ của Cường – đã nằm viện bốn năm nay vì khối u ổ bụng |
|
Dương Kim Hải (11 tuổi, thứ hai từ phải sang) đang chọn miếng ngon gắp cho mẹ là bà Nguyễn Thị Mến |
|
Mỗi khi bớt cơn đau, bà Dương Thị Liên (ở Q.8, TP.HCM) lại được con gái Phan Thị Bích Đài nhổ tóc bạc và trò chuyện tâm sự |
|
Hằng ngày Dương Kim Hải ba lần đi lấy cơm từ thiện về để hai mẹ con cùng ăn |
|
Vì phải điều trị ngoại trú lại không có tiền thuê nhà trọ nên mẹ con em Nguyễn Văn Tỉnh chọn sân bệnh viện làm nơi ăn ở và ngủ qua đêm |