23/11/2024

Bóc lột

Bị chủ giữ CMND cùng với những khoản nợ từ “tiền môi giới”, “phí đào tạo” đã trói chân các lao động trong những môi trường làm việc nghiệt ngã.

 Bóc lột

Trong ngôi nhà mái tôn lụp xụp của Công ty K.T có hơn 30 công nhân làm việc. Gần 10 bếp gas loại lớn và chục cái lò than tổ ong rực lửa, nóng hầm hập và ngột ngạt kinh khủng.

Bị chủ giữ CMND cùng với những khoản nợ từ “tiền môi giới”, “phí đào tạo” đã trói chân các lao động trong những môi trường làm việc nghiệt ngã.

12 tiếng/ngày

Tại xưởng cơm của Công ty K.T (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM), tôi được Giám đốc Thạch cho biết: “Một ngày làm 12 tiếng, lương 1,8 triệu/tháng, tăng ca 5 ngàn đồng/giờ”. Khi tôi thắc mắc thì ông Thạch nói gọn lỏn: “Ở đây ai cũng làm như vậy hết”. Tại công ty này, công nhân được chia làm 4 bộ phận. Bộ phận thứ nhất từ 5 giờ chiều ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ca này có nhiệm vụ gọt củ quả, nhặt rau. Bộ phận thứ hai có nhiệm vụ nấu thức ăn bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ 30 phút chiều. Cho cơm vào khay và vận chuyển đến các công ty là bộ phận thứ 3, bắt đầu 5 giờ 30 phút sáng đến 5 giờ 30 phút chiều. Bộ phận cuối cùng là rửa khay, bắt đầu từ 11 giờ trưa và kết thúc 11 giờ đêm. 

 

”Biết khổ và bị bóc lột như thế này thà ở nhà mần ruộng với bố mẹ còn sướng hơn” - Công nhân tên Th.

 

Trong ngôi nhà hơn 100m2, mái tôn lụp xụp của Công ty K.T có hơn 30 công nhân làm việc miệt mài. Trong đó, có gần 10 bếp gas loại lớn và chục cái lò than tổ ong luôn rực lửa, không khác gì phòng xông hơi. Mới 4 giờ sáng, tất cả bếp gas, lò than đều hừng hực cháy để nấu những nồi canh, chảo thịt to đùng. Mồ hôi của các đầu bếp chảy ròng ròng. Thỉnh thoảng các đầu bếp phải chạy ra ngoài để thở. Trời càng về sáng, công nhân tới càng đông, không khí trở nên ngột ngạt. 9 giờ sáng, thấy tôi thở hổn hển, một đầu bếp động viên: “Cố lên em, mới vô nên chưa quen với không khí thiếu ô-xy. Ở đây cũng đã có nhiều trường hợp ngất xỉu vì không chịu được”. P. – công nhân bộ phận giao cơm – cho biết: “Nếu em biết công việc nặng nhọc và làm cả ngày thế này em không vô đâu. Đứng từ sáng tới chiều, khiêng những thùng cơm, canh to đùng  lên xe, tới công ty  phân phát cho công nhân ăn. Công nhân ăn xong, dọn dẹp chở về xưởng lại”. Vừa thoa thuốc lên bàn tay  bị lở loét, O. than thở: “Những chồng khay chất như núi, mười mấy đứa phải rửa đến khuya. Cả ngày tiếp xúc với nước, hoá chất rửa chén nên hầu như tay chân đứa nào cũng bị  như em cả”.

Làm việc 12 tiếng/ngày trong một không gian thiếu ô-xy trầm trọng  khiến nhiều lao động kiệt sức. Thêm vào đó, chỗ ở cho lao động là một ngôi nhà 2 tầng cách nơi làm khoảng 2 km. Muốn đi làm, người lao động phải dậy sớm đi bộ. Căn nhà 2 tầng, 3 phòng nhưng chứa gần 25 người trong đó có cả phụ nữ; không hề có quạt, người lao động phải ngủ dưới nền nhà hôi hám.

Nước mắt

Cần việc làm, thiếu hiểu biết nên nhiều lao động từ các tỉnh lên thành phố tìm việc phải sống dở, chết dở khi dính vào những đường dây môi giới. Một số lao động chịu không nổi phải bỏ CMND để thoát thân, hoặc kêu cứu người nhà đến giải thoát. Một số thì bỏ điện thoại di động cho chủ để lấy lại giấy tờ. Còn phần đông chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, trong điều kiện khắc nghiệt mong có ngày đủ tiền trả nợ để lấy lại giấy tờ tuỳ thân. Vào vai tìm việc, cùng làm, ăn, ở  với người lao động, tôi đã  gặp và nghe nhiều câu chuyện cay đắng.

Trong 5 lao động được đưa đến Công ty K.T, có hai chị em (quê Cờ Đỏ, Cần Thơ). Th. 18 tuổi và cô em gái 17 tuổi tên O.  được người bạn gần nhà tên T. dẫn lên thành phố kiếm việc. Vừa lên tới Bến xe Miền Tây, bị xe ôm “bán” cho “cò” Hưng. Sau đó Hưng “bảo lãnh” cho cả 3 vào làm việc tại cơ sở sản xuất bánh kẹo tại Q.11. Cơ sở này, theo lời kể của các nạn nhân, không khác một “địa ngục”. Sáng phải dậy trước 4 giờ để làm việc tới tối mới xong. Cửa nhà luôn bị chủ khoá lại để cho các lao động khỏi bỏ trốn, ăn uống thì kham khổ. Người lao động còn phải làm tất cả mọi việc trong nhà kể cả giặt đồ, quét nhà… Mỗi lần chủ không hài lòng thì chửi rủa một cách thậm tệ. Làm được một tuần, cả 3 tưởng đã đủ tiền trả nợ để lấy CMND lại nên xin nghỉ. Nhưng không, chủ bảo chỉ mới hết thời gian thử việc nên không tính lương. Nếu muốn lấy lại giấy tờ thì phải làm thêm 1 tuần nữa hoặc trả  900 ngàn đồng tiền môi giới. Không còn đường nào khác, cả 3 chấp nhận bỏ lại hai chiếc điện thoại để thoát thân. Th. tâm sự: “Biết bị bóc lột như thế này thà ở nhà mần ruộng với cha mẹ còn sướng hơn. Lần này làm kiếm đủ tiền về xe, và trả tiền dịch vụ lấy CMND ra, tôi sẽ về nhà ở luôn”.

Tại một cơ sở xay nhựa phế liệu (ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh), tôi có dịp nói chuyện với thanh niên tên T. ( quê Quảng Ngãi). T. bảo vừa thất nghiệp mấy ngày, hết tiền, không chỗ ở nên nghe lời xe ôm chở tới trung tâm giới thiệu việc làm và được đưa vào đây làm. Làm  hơn 1 tuần, T. cho biết: “Công việc ở đây làm cả ngày, mà mùi nhựa độc hại, nhựa ve chai hôi thối nữa chứ”. T. khuyên tôi: “Có tiền thì ra trả lấy lại CMND tìm công ty ở khu công nghiệp mà làm, tôi lỡ làm ít ngày để đủ tiền trả cho trung tâm rồi sẽ tìm việc khác chứ ở đây khổ lắm”.

Bị lừa vào cà phê ôm

Kh. (quê Bà Rịa – Vũng Tàu) vì giận gia đình nên quyết định tự lập. Chân ướt chân ráo lên thành phố, Kh. được xe ôm tại Bến xe Miền Đông chở đến trung tâm giới thiệu việc làm tại Q.11. Rồi Kh. đồng ý đi phụ bán quán cà phê cho một quán nước gần vòng xoay Phú Lâm (Q.6, TP.HCM). Trước khi nhận việc, Kh. được trung tâm và chủ quán “rót mật vào tai”: công việc dễ dàng chỉ cần bưng bê, pha cà phê, châm trà cho khách, lương và tiền thưởng cao. Thế nhưng, mới qua một ngày, Kh. phát hiện quán này là cà phê ôm, khách đòi hỏi “nhiều thứ”. Kh. khiếu nại với chủ quán, thì được đáp: “Làm ở đây cũng để khách sờ mó chút mới có tiền bo và giữ được khách”. Kh. không chịu làm thì bị chủ quán đe doạ: “Mày không làm thì nộp lại đây 500 ngàn rồi đi đâu thì đi”.  Không còn đường nào khác, Kh. phải gọi về gia đình cầu cứu. Gia đình đem tiền tới đóng, Kh. mới lấy lại được CMND và tự do.