15/11/2024

Bạo loạn do sự tan vỡ sâu sắc của gia đình

Thủ tướng Anh, David Cameron, cho rằng sự thiếu hụt một nền tảng gia đình vững mạnh chính là nguyên nhân khiến xã hội Anh rơi vào bất ổn khi dẫn chứng thực tế có trên 100.000 gia đình “đã tan vỡ sâu sắc”

 Bạo loạn do sự tan vỡ sâu sắc của gia đình

Trả lời phỏng vấn báo chí Anh ngày 13-8, Thủ tướng Anh David Cameron đã đưa một lý giải đáng chú ý về cuộc bạo loạn của thanh thiếu niên ở London cùng nhiều thành phố của Anh từ ngày 9 đến 13-8: “Sự tan vỡ sâu sắc” của gia đình.

Ông cho rằng sự thiếu hụt một nền tảng gia đình vững mạnh chính là nguyên nhân khiến xã hội Anh rơi vào bất ổn khi dẫn chứng thực tế có trên 100.000 gia đình “đã tan vỡ sâu sắc”, và ông hứa chính phủ sẽ có những hành động và chính sách khẩn cấp để tăng thêm sức mạnh cho gia đình nhằm đảm bảo sẽ có những công dân có trách nhiệm cho xã hội.

“Nhiều vấn đề xã hội sâu xa cần phải được giải quyết. Có nhiều cộng đồng đã bị bỏ rơi bởi phần còn lại của cả nước”

Bộ trưởng tài chính AnhGeorge Osbone

Trên 100.000 gia đình đổ vỡ

“Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ của những thanh thiếu niên tham gia bạo động không quan tâm tới con cái mình, và để chúng tự làm những gì chúng muốn” – ông Cameron nhận định khi không thừa nhận những bất ổn hiện nay là do yếu tố kinh tế hay chính trị, mà là do văn hoá.

Viết trên tờ Daily Telegraph, bà Cristina Odone, nhà báo chuyên viết về gia đình và xã hội, cũng cho rằng trên thực tế, thanh thiếu niên Anh thiếu hình mẫu người cha để noi theo bởi vai trò của người cha quá mờ nhạt trong cuộc sống của họ.

“Quá nhiều thanh niên đốt thời gian trong quán rượu. Họ có chung một điểm là không có cha trong nhà. Do đó, họ thiếu đi các hình mẫu để noi theo”. Bà cho biết có 3,5 triệu trẻ em Anh xuất thân từ những gia đình có cha mẹ ly dị. Khái niệm của các em về cuộc sống gia đình là sự hỗn độn và xung đột. Họ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu cha của họ ở bên cạnh, khen khi con mình làm điều tốt và cảnh báo nếu con mình chơi với bạn xấu hay có những trò nguy hiểm.

Trên báo The Guardian, cầu thủ David James, hiện chơi cho Bristol City, nhìn nhận các thanh thiếu niên thường xem những cầu thủ là hình mẫu của họ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh xã hội Anh đang bất ổn, liệu họ có lắng nghe lời những cầu thủ giàu có, sống cách biệt trong những biệt thự sang trọng khuyên họ hay không? Anh cho rằng những lời khuyên kiểu như “Hãy dừng bạo động” của một số cầu thủ sẽ không giúp ích gì cho tình hình, mà quan trọng hơn, những người vốn được xã hội chờ đợi là những hình mẫu này cần có sự liên hệ với cộng đồng nhiều hơn để thông điệp của họ được lắng nghe. Việc những người nổi tiếng và có ảnh hưởng dành thời gian cho công việc cộng đồng, thay vì chỉ tặng tiền một cách nhanh chóng khi cần thiết, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội.

Bất ổn mới: chính phủ và cảnh sát

Tình hình ở thủ đô London và các thành phố tại Anh đã trở lại bình thường sau khi cảnh sát bắt giữ hơn 2.000 người, khởi tố hơn 1.000 người. Toà án ở Anh đã mở cửa 24/24 giờ, kể cả cuối tuần để xét xử những người gây bạo loạn.

Trong khi đó, bất ổn khác lại bắt đầu manh nha giữa chính phủ và cảnh sát. Các lãnh đạo cảnh sát gọi kế hoạch “nhập khẩu chất xám xử lý bạo động” từ Mỹ của chính phủ là một “cú tát” và là một “sự sỉ nhục” đối với họ. Trước dư luận chỉ trích nặng nề cảnh sát Anh là chậm xử lý các vụ bạo động, Thủ tướng Cameron đã chỉ định ông Bill Bratton – 63 tuổi, cựu chỉ huy cảnh sát Los Angeles và New York (Mỹ) – trở thành cố vấn chính phủ về tội phạm đường phố.

Theo kết quả thăm dò của ComRes, chưa tới 30% người cho rằng ông Cameron và chính phủ xử lý phù hợp khi bạo động diễn ra. 70% cho rằng nên dừng kế hoạch cắt giảm 20% lực lượng cảnh sát. Thị trưởng thành phố London Boris Johnson cũng cảnh báo việc cắt giảm lực lượng cảnh sát sẽ đem lại những hậu quả, đặc biệt khi Olympic 2012 sắp diễn ra. Thế nhưng, trả lời phỏng vấn The Sunday Telegraph, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh sẽ không tha thứ cho những người phạm tội, kể cả vị thành niên, nhưng vẫn sẽ cắt giảm ngân sách 2 tỉ bảng Anh dành cho cảnh sát trong bốn năm tới, nghĩa là sẽ có khoảng 16.000 cảnh sát sẽ mất việc, chiếm khoảng 20% lực lượng cảnh sát Anh.

Trong những phát biểu đầu tiên, cố vấn Mỹ Bratton cho rằng bắt giữ không phải là giải pháp để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống ở Anh. Cảnh sát Anh cần tập trung hơn vào giải quyết căng thẳng sắc tộc và hợp tác tốt hơn nữa với các thủ lĩnh cộng đồng và các nhóm hoạt động vì quyền của người dân để ngăn chặn bạo động từ sớm. Ông cho rằng những gì áp dụng thành công ở Los Angeles cũng có thể thành công ở Anh.