Phá thai nhầm vì bệnh Rubella
Tại các bệnh viện, trường hợp thai phụ mắc bệnh ở tuần 18 trở đi sẽ được tư vấn theo dõi, hạn chế đình chỉ, mắc ở tuần 12 trở lại chắc chắn phải bỏ thai,… Đây chính là lý do khiến số ca phá thai nhầm lên cao mức kỷ lục
Phá thai nhầm vì bệnh Rubella
Nửa đầu năm 2011, các bệnh viện và chuyên khoa phụ sản miền Bắc chứng kiến hậu quả vì dịch Rubella: hàng ngàn thai phụ phải bỏ thai do xét nghiệm dương tính với virut Rubella.
Bà T.T.H. (30 tuổi, Hải Dương) sau hơn ba năm chữa hiếm muộn mới có thai lần đầu. Nhưng bao nhiêu hi vọng của gia đình tắt lịm khi bà bị sốt phát ban ở tuần 12, xét nghiệm máu cho kết quả dương tính với Rubella. Bà buộc phải phá thai vì theo tư vấn của bác sĩ, nếu giữ lại thì con bà sinh ra sẽ không được bình thường như những trẻ khác.
Bác sĩ cũng hoang mang
Bà H. chỉ là một trong hơn 1.000 thai phụ buộc phải phá thai vì Rubella tại Bệnh viện Phụ sản trung ương từ tháng 2 đến nay.
Tránh ra quyết định bỏ thai đáng tiếc Theo ông Nguyễn Trần Hiển – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện có một số phương pháp xét nghiệm phát hiện dị tật thai nhi ở trường hợp mẹ nhiễm Rubella, ví dụ như xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, tuỳ tình huống cụ thể các bác sĩ xem xét và quyết định. Theo ông Trương Việt Dũng – vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), người chuẩn bị mang thai tốt nhất nên đi tiêm phòng Rubella. Với những người nhiễm bệnh đã mang thai, hiện trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh đều có thiết bị xét nghiệm PCR. Các bệnh viện sản và trung tâm xét nghiệm nên phối hợp tránh ra quyết định đình chỉ thai đáng tiếc. L.ANH |
TS Lê Anh Tuấn – phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương – cho biết trong sáu tháng qua hơn 2.000 sản phụ có xét nghiệm tại viện dương tính với Rubella, trong đó hơn một nửa trường hợp chấp nhận phá thai. Thống kê này vẫn chưa đầy đủ vì còn có thêm Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chuyên khoa sản các bệnh viện khác tiếp nhận và thực hiện đình chỉ thai nghén với đối tượng thai phụ đặc biệt này.
Con số bỏ thai quá lớn khiến các bác sĩ hoang mang và đau lòng. Bác sĩ Phan Văn Quý – trưởng khoa điều trị tự nguyện Bệnh viện Phụ sản trung ương – cho hay dù khoa điều trị có điều kiện tốt hơn các khoa khác, nhưng vào đợt dịch cao điểm tháng 5, tháng 6 cũng chịu cảnh quá tải bệnh nhân bỏ thai, xếp nằm ghép vẫn không đủ giường.
Tuy nhiên, đến tháng 7 một nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện đã đưa ra con số: trong 103 trường hợp đã phá thai vì Rubella, kết quả xét nghiệm sinh hoá miễn dịch máu cuống rốn sau đó cho thấy chỉ có 17 trường hợp trẻ mang virut Rubella khi chào đời. “Theo thống kê này, dù chưa đầy đủ, chỉ có 16,5% trường hợp đình chỉ sinh là chính xác (trẻ ra đời có khả năng mang hội chứng Rubella), còn lại đều là con số phòng xa” – TS Tuấn thừa nhận. Trong hàng nghìn sản phụ có quyết định đình chỉ thai nghén và tự nguyện xin phá thai (chủ yếu ở nhóm thai phụ nhiễm bệnh sau tháng thứ ba) có rất nhiều trường hợp hiếm muộn, điều trị mãi mới phôi thai được đứa con đầu tiên, rốt cục đành dứt bỏ.
Theo các bác sĩ, từ trước đến nay việc chẩn đoán trẻ nhiễm Rubella gặp rất nhiều khó khăn. Các xét nghiệm dù cho kết quả dương tính nhưng không xác định được thời điểm thai phụ nhiễm virut, không xác định được thời điểm phát ban. Ngay cả khi bệnh nhân nhớ được tuần thai phát ban cũng không ai chắc là nhiễm mới hay tái nhiễm. Chưa kể rất nhiều bệnh nhân nhiễm virut mà không bị phát ban điển hình, càng gây khó cho chẩn đoán. Theo TS Tuấn, tư vấn đình chỉ đôi khi là bất đắc dĩ vì không có cách nào biết được chính xác đứa bé sinh ra có bị dị tật hay không, tuy nhiên các bác sĩ không có lựa chọn nào khác.
Tại các bệnh viện, trường hợp thai phụ mắc bệnh ở tuần 18 trở đi sẽ được tư vấn theo dõi, hạn chế đình chỉ, mắc ở tuần 12 trở lại chắc chắn phải bỏ thai, tuần từ 13-18 đa số được tư vấn đình chỉ dù tỉ lệ mắc thật sự trong giai đoạn này chỉ 50/50. Đây chính là lý do khiến số ca phá thai nhầm lên cao mức kỷ lục.
Do thiếu thiết bị
Làm sao để giảm được số ca phá nhầm? Câu hỏi này mới chỉ được giải đáp gần đây khi Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam thiết bị chẩn đoán Rubella bằng kỹ thuật sinh học phân tử thông qua chọc ối với độ chính xác trên 95%. Theo đó, dịch ối sẽ được lấy xét nghiệm sau khi bà mẹ bị phát ban 5-7 tuần. Nhờ kỹ thuật này, 50 trường hợp được xét nghiệm gần đây đã cho kết quả khả quan khi tỉ lệ phá thai nhầm giảm rất nhiều lần. TS Tuấn tiếc rẻ: “Giá như kỹ thuật này được áp dụng sớm hơn. Song phần lớn các nước phát triển đã thanh toán được dịch Rubella nên người ta ít quan tâm đến kit xét nghiệm này”.
Theo lý thuyết, 70-100% những bà mẹ mang thai ba tháng đầu nhiễm Rubella sẽ sinh ra con mang hội chứng Rubella. Tuy nhiên, với kỹ thuật chẩn đoán sinh học phân tử thông qua chọc ối cho độ chính xác cao nên các trường hợp hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm không may nhiễm Rubella trong ba tháng đầu sẽ được tư vấn giữ thai, chờ kết quả xét nghiệm từ chọc ối. Việc giữ thai chờ xét nghiệm, chỉ bỏ thai khi có kết quả chọc ối xác định đứa trẻ sinh ra nhiễm virut Rubella mới đình chỉ sẽ giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội giữ cho mình giọt máu hiếm hoi. Chi phí của xét nghiệm này là 1,5 triệu đồng.