22/01/2025

Làm tình nguyện không để biểu diễn

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại Hà Nội

 Làm tình nguyện không để biểu diễn

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại Hà Nội. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với chị…

 “Tình nguyện, tình nguyện, tình nguyện…”

* Đây là chương trình tôn vinh các cá nhân xuất sắc từng tham gia chương trình trao đổi với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Sau ba tuần tham gia một chương trình tại Mỹ, chị đã thu nhận được những điều gì cho mình?

Chị Nguyễn vân Anh sinh năm 1963, chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA.

2008: Một trong 21 phụ nữ xuất sắc của thế kỷ 21 do báo Women’s Enews có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ bình chọn.

2011: “Gương mặt thành viên xuất sắc từng tham gia chương trình trao đổi tháng 8” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Hiện sống cùng chồng và con tại Hà Nội.

– Có rất nhiều điều đặc biệt trong ba tuần đó. Một trong những ấn tượng rất lớn là khi tôi đến một nhà mở dành cho người tâm thần, nhìn thấy bức tranh do chính những người tâm thần vẽ. Tôi đã chụp lại bức tranh một người đàn ông có mào do người tâm thần vẽ.

Tôi nghĩ người ta tôn trọng mọi sự sáng tạo, cảm xúc của tất cả những người khác, cho dù đó là những người đang có vấn đề về mặt sức khoẻ.

Ở Việt Nam, thường thì mình nhìn những gì người tâm thần làm ra đều không có giá trị. Nhưng tôi đã thấy người ta treo trang trọng những khung tranh đó lên, và cả những tập thơ của người tâm thần cũng được bán để gây quỹ, để thêm tiền xây những nhà mở khác cho người tâm thần.

Tôi cũng có dịp tham gia hai hoạt động tình nguyện là chuẩn bị bữa ăn cho người vô gia cư để họ có thể vào ăn với giá rẻ, chỉ 2 USD/ bữa, và cả dọn rác ngoài công viên. Cả một ngày quần quật, vất vả cùng một nhóm các bạn ở khắp nơi, tôi hiểu ra khi đã làm tình nguyện thì tất cả đều làm thật sự chứ không phải biểu diễn, rằng tôi đại diện cho nơi này nơi kia để làm việc đó.

* Tinh thần ấy đang được chị tiếp nối và triển khai ra sao ở Việt Nam?

– Khi trở về, tôi nhớ mình đã để hàng chữ chạy trên màn hình vi tính là “tình nguyện, tình nguyện và tình nguyện”, để nhắc nhở mình về điều mình đã được tìm hiểu và khuyến khích thực hiện. Nhưng đó cũng thật sự là thách thức vì tôi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi cứ làm từ từ.

Trong các chương trình hợp tác, tôi đã vận động các nhà báo, luật sư và một số người từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nhà hoạt động xã hội tham gia các chương trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Họ làm hoàn toàn tình nguyện và nhiều chương trình đã thành công.

Gần đây, tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc phát triển xã hội và họ tình nguyện tham gia đóng góp công sức, tiền bạc để hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình. Đây là chuyện mới vì các doanh nghiệp vốn chỉ hay chú ý đến lĩnh vực thể thao, hoa hậu hay chăm sóc y tế…

Không phải lúc nào cũng trông chờ các quỹ của nước ngoài, mà cần tìm cách vận động từ chính nguồn lực trong nước. Truyền thống của Việt Nam là tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Để nó bị mai một, chắc phải ngồi lại và suy nghĩ. Nhưng có một điều tôi tin là chúng ta có thể khơi gợi lại và khuyến khích tinh thần ấy.

Sống có chất lượng là phải bình đẳng

* Chị được biết đến như là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng về các vấn đề liên quan tới giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, chống trừng phạt thân thể và tinh thần đối với trẻ em. Xin hỏi có những lý do gì đặc biệt khiến chị tham gia lĩnh vực này?

– Tôi nhận thấy bạo lực gia đình và sự bất bình đẳng trong đời sống làm tất cả chúng ta thiệt thòi, cả nam, nữ và trẻ em. Khi một người bị coi thường, chà đạp thì năng lượng sống, sức mạnh của họ bị suy giảm, thậm chí biến mất. Tôi không chỉ nói đến hậu quả thông thường mà muốn nhấn mạnh đến chất lượng sống bị ảnh hưởng bởi thái độ gia trưởng của người lớn với trẻ em, của người mạnh với người yếu trong một gia đình. Tình thương yêu, sự tôn trọng giải phóng chúng ta khỏi sự ràng buộc và kỳ thị.

Sự giải phóng này rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta được sống như những con người, được quyền thể hiện những khát khao, khuyến khích sự sáng tạo tối đa trong mỗi cá nhân. Chất lượng sống cá nhân với những niềm hạnh phúc giản dị chính là điều mà một xã hội tốt đẹp hướng đến, chứ không phải những điều tốt đẹp cao xa khác. Cuộc sống có chất lượng nhất định không thể có sự bất bình đẳng trong các mối quan hệ được.

* Chị đã trải qua nhiều nghề, từ giáo viên trong 10 năm, rồi phóng viên chuyên viết về các vấn đề xã hội, phụ nữ của Đài Tiếng nói VN trong 10 năm nữa, đồng sáng lập CSAGA và nay làm giám đốc. Sự thay đổi đó có phải vì chị chán nghề này mà tìm tới nghề khác?

– Tôi là người luôn đam mê với nghề, làm nghề gì cũng hết lòng hết dạ với nó. Làm nghề giáo vào những năm 1980 rất vất vả nhưng tôi yêu nó từ bé. Tuy nhiên đến năm dạy thứ sáu thì tôi bắt đầu chán, muốn tìm một cái gì mới. Phải có một cái gì đó mới hơn ở đằng trước chứ nhỉ! Chắc thế giới ngoài kia còn nhiều điều lý thú và khác lạ. Bố mẹ tôi là giáo viên, từ bé tôi chỉ có một con đường nghĩ đến là làm giáo viên. Nhưng sau sáu năm tôi bắt đầu nghĩ chắc còn có những con đường khác.

Tôi từ Phú Xuyên lên Hà Nội học cao học để hợp lý hoá gia đình vì chồng mình dạy ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, xin việc vài nơi không được, một hôm ngồi xem tivi thấy Đài Tiếng nói VN quảng cáo tuyển phóng viên, chả biết làm phóng viên là làm cái gì nhưng sáng hôm sau đem hồ sơ nộp luôn. Thời bấy giờ xin việc khó lắm. Rồi thi và trúng tuyển làm phóng viên, say mê và háo hức.

Vừa làm phóng viên của Đài Tiếng nói VN, vừa cộng tác với một vài tờ báo. Đến khoảng 6-7 năm lại cảm thấy hình như còn cái gì đó phía trước đang gọi mình, nó khác công việc hiện tại. Rồi nhờ những duyên may tình cờ mình sáng lập đường dây tư vấn qua điện thoại. Lắng nghe tâm sự từ những cuộc đời khác nhau là công việc vừa đầy đau đớn vừa hạnh phúc. Từ công việc đó, các sáng kiến khác được nảy nở. Và tôi yêu công việc hiện nay.

* Chín năm kể từ khi CSAGA ra đời, đó là thời gian không hẳn là dài. Chị nghĩ CSAGA đã làm được gì nhiều nhất trong các lĩnh vực mà CSAGA tập trung nghiên cứu như về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em, và mong muốn làm gì thêm nữa?

– CSAGA có thể tự hào là một tổ chức nhiệt thành và hiệu quả trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Tôi không muốn nói đến các nội dung hoạt động vì nó đã được nêu rõ trong thông tin về chúng tôi. Tôi muốn nói đến cách thức thực hiện. Chúng tôi luôn tự hào vì tính sáng tạo và luôn tìm kiếm cơ hội trong các thách thức.

Tôi yêu các thách thức bởi nó cho mình lớn lên và luôn mới. Ví dụ như thời gian gần đây tôi bị mất hết dữ liệu điện thoại, lẽ ra rất buồn bực nhưng tôi lại thấy nó may mắn, vì việc này giúp mình làm mới lại các mối quan hệ và cũng bớt bận rộn hơn với điện thoại.

CSAGA gần đây bắt đầu làm việc với nam giới về bạo lực gia đình và với nhóm đồng tính nữ. Cả hai lĩnh vực này đều mới mẻ và không dễ dàng chút nào nhưng các đồng nghiệp của tôi đã rất cố gắng. Tôi tin họ làm việc với đầy tình yêu, sự chân thành và trách nhiệm. Tôi sẽ vẫn theo đuổi các nội dung ấy thôi, nhưng thách thức nằm ở cách thực hiện. Tôi không muốn lặp lại cách làm vì nó sẽ nhàm chán.

* Được biết chị vừa phải trải qua thời gian điều trị dài vì những biến cố sức khoẻ. Tình hình của chị hiện nay thế nào?

– Khi phát hiện bệnh vào năm 2007, tôi khá sốc. Nhưng vốn dĩ là người đã trải qua nhiều biến cố nên có lẽ tôi nhanh chóng lấy lại được tinh thần. Bây giờ tôi đã trải qua các đợt điều trị cơ bản rồi. Tôi khoẻ. Phát hiện bệnh và điều trị ngay cũng là cơ hội để tôi nhìn nhận lại nhiều việc, cả bản thân mình và thay đổi cách sinh hoạt. Ví dụ bây giờ ngày nào tôi cũng tập thể dục từ 1-2 giờ. Tôi biết trân trọng nhiều thứ hơn so với trước đây và không lo lắng gì cho ngày mai.