22/01/2025

Người thứ ba

Sự mừng vui hội ngộ bị lấn át bởi niềm đau. Sẽ phải làm thế nào để đôi đường toàn vẹn mà không ai phải hối tiếc và đau khổ?

 Người thứ ba

Vì hoàn cảnh, người vợ bỗng dưng trở thành người thứ ba. Trước cảnh ngộ éo le đó, cách ứng xử khôn ngoan và lòng bao dung của người phụ nữ đã đem lại sự êm ấm cho đại gia đình…

Ngày bà Lâm Thị Út Một tiễn ông Phạm Hùng Vĩnh tập kết ra Bắc, ông hẹn sẽ gặp lại nhau vào ngày đất nước thống nhất. Chồng đi, bà ở lại miền Nam, vừa hoạt động cách mạng vừa nuôi cha mẹ chồng. Rồi bà bị bắt vào tù. Vợ chồng bị mất liên lạc. Sau đó, tin bà Út Một bị bắt và bị thủ tiêu đến tai ông Hùng. Ông cứ ngỡ bà đã chết. Ông tiếp tục chiến đấu và bị thương. Thời gian điều trị, ông được một người phụ nữ chăm sóc tận tình rồi hai bên nảy sinh tình cảm, ông đã cưới người đó làm vợ.

Ngày đất nước thống nhất, ông Hùng mới biết bà Một còn sống. Người vợ đã trải qua những khắc nghiệt của ngục tù, vượt qua mọi cám dỗ để chung thuỷ đợi chờ chồng, trong khi ông đã có ba đứa con với người vợ thứ hai. Bà Một bỗng dưng trở thành người thứ ba trong gia đình của chồng mình.

Sự mừng vui hội ngộ bị lấn át bởi niềm đau. Sẽ phải làm thế nào để đôi đường toàn vẹn mà không ai phải hối tiếc và đau khổ? Người phụ nữ nào yêu cũng biết ghen. Bà Một nghẹn ngào: “Ngày gặp lại, ai mà không xúc động! Nhưng tui nghĩ đi nghĩ lại, mình là một đảng viên, đã hy sinh cho đất nước ngần đó rồi thì hy sinh cho trọn. Trong đó, có sự yên ấm của gia đình mình! Ổng còn ba đứa nhỏ nữa”. Bà gọi gia đình nhỏ của chồng và người phụ nữ kia là gia đình của mình! Sau đó, bà cương quyết cấm đoán không cho ông gặp bà. Bà làm vậy để ông về ngoài kia lo cho vợ hai và các con.

Mọi chuyện không dễ gì dàn xếp vì ngày nào ông cũng đến chỗ bà ở, rồi đến cả cơ quan của bà. Bà cấm ông đến thì ông viết thư. Đến độ, những người trong cơ quan bà đọc thư mà khóc. Bạn bè khuyên bà đừng nên cấm ông. Càng cấm, ông càng buồn và cứ đi lang thang chứ không chịu về quê, rủi có chuyện gì rồi hối hận. “Tui thấy cũng phải! Nhưng biết làm sao, chỉ còn cách đón họ vào đây”, bà tâm sự. Cuối cùng, người phụ nữ ấy quyết định xin với cơ quan cho đón họ vào sống cùng.

Bà chăm sóc cho gia đình của chồng, cùng người vợ sau nuôi ba đứa con khôn lớn. Một thời gian, ông qua đời vì bệnh ung thư, rồi người vợ sau cũng bệnh nặng. Trước lúc người vợ sau mất, bà Một bảo, ai cũng một lần phải chết, bà tính chỗ nằm cho mỗi người hết rồi. Nếu phải đi, bà sẽ để cô ấy nằm cạnh ông! Người vợ sau nghẹn ngào: “Chị đã hy sinh cho em cả đời rồi, chỗ nằm cạnh anh ấy, em không giành của chị đâu!”. Bà hai mất được đưa về quê ngoại.

Trong buổi giao lưu “Những mối tình không thể chia ly” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hồi cuối tháng 7 vừa rồi, bà là khách mời đặc biệt. Kết thúc câu chuyện đầy éo le, xúc động ấy là lời tri ân từ người con trai lớn của chồng bà và người vợ sau, anh Phạm Hùng Tường rưng rưng: “Con cảm ơn má rất nhiều! Con yêu má lắm! Má ơi!”.