23/12/2024

Người ở vĩ độ càng cao, não càng to

Nghiên cứu mới cho thấy người sống ở khu vực vĩ độ cao có nhãn cầu và não bộ to hơn những người khác.

 Người ở vĩ độ càng cao, não càng to

Nghiên cứu mới cho thấy người sống ở khu vực vĩ độ cao có nhãn cầu và não bộ to hơn những người khác.

Kết quả công bố trên chuyên san Royal Society Biology Letters số ra mới nhất cho thấy sự gia tăng kích cỡ não và mắt cho phép con người quan sát tốt hơn ở những nơi xa xích đạo hơn.

Trang tin Discovery dẫn lời ông Robin Dunbar, Giám đốc Viện Nhân chủng học tiến hoá và nhận thức thuộc Đại học Oxford (Anh): “Người sống trên vòng Bắc cực (vĩ tuyến 66° 33′ 44″ phía bắc xích đạo) có nhãn cầu to hơn 20% so với người sống trên xích đạo. Những người sống ở các vĩ độ cao quan sát tinh tường hơn những người sống ngay tại xích đạo. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ họ cần có thị lực tốt hơn để bù cho mức ánh sáng thấp hơn ở vĩ độ cao”.

Trong cuộc nghiên cứu, ông Dunbar và đồng nghiệp Eiluned Pearce đã đo đạc sọ của 55 cá nhân từ 12 khu vực vĩ độ khác nhau, từ Scandinavia đến Kenya và tiếp đó là Úc, tập trung vào các số liệu liên quan đến dung tích hốc mắt và hộp sọ. Những người này sống cách đây khoảng 200 năm. Sọ của họ hiện là một phần trong những bộ sưu tập được cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đại học Oxford và Bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy những mối liên hệ tích cực giữa vĩ độ tuyệt đối, dung tích hốc mắt và kích cỡ não. Nhãn cầu thay đổi kích cỡ trong khoảng  1/4 đến 1/3 của 1 ounce (1 ounce = 28,4 cm3). Kích cỡ não thay đổi từ khoảng 40,6 ounce ở người Micronesia (nhỏ nhất) đến 50,2 ounce ở người Scandinavia (lớn nhất). Sọ của cư dân ở vòng Bắc cực không được xem xét, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính “20% lớn hơn” dựa trên các dữ liệu hiện có của họ.

Các nhà khoa học nhanh chóng xác định rằng kích cỡ não không hẳn có tương quan với trí thông minh. “Điều mà chúng tôi muốn xác định là não bộ lớn hơn của người sống ở khu vực vĩ độ cao không có nghĩa là họ thông minh hơn. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng gia tăng kích cỡ ở khu vực não dành cho thị lực, do vậy làm tăng kích cỡ não nói chung”, ông Pearce giải thích.

Nhãn cầu lớn hơn cho phép tiếp nhận và xử lý hình ảnh một cách chi tiết hơn. Lượng ánh sáng chiếu vào bề mặt trái đất cũng như độ dài của ngày giảm đi khi vĩ độ tăng lên, vì thế người sống ở các khu vực này cần con mắt tinh tường hơn. Tác động này đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây ở các loài chim và linh trưởng, nhưng đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy con người không phải là ngoại lệ.