11/01/2025

Quan trọng nhất là bảo vệ độc lập, chủ quyền

Quan trọng đối với Việt Nam là tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước

 Tân đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường:

Quan trọng nhất là bảo vệ độc lập, chủ quyền

Tân đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nói xây dựng mối quan hệ chiến lược Việt Nam – Mỹ sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông. Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn riêng với đại sứ Nguyễn Quốc Cường tại Washington DC.

Bà Hillary Clinton năm 2010 khi thăm Việt Nam có đề nghị hai nước hướng tới đối tác chiến lược. Hôm 22-7, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gặp bà Hillary Clinton ở Bali (Indonesia) và hai bên tiếp tục khẳng định đưa quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược.

* Khi bà Hillary đề xuất vấn đề này, chúng ta có bất ngờ?

– Nói bất ngờ thì không đúng vì chúng ta cũng hiểu đà phát triển đang hướng tới mức hợp tác cao hơn. Trước đây, chúng ta đã đàm phán, trao đổi về khả năng đưa quan hệ hai nước lên mức cao hơn.

* Thưa ông, đâu là mảng quan trọng nhất trong quan hệ này?

– Quan hệ kinh tế, thương mại là quan trọng nhất, là nền tảng của quan hệ hai bên. Quan hệ chính trị, ngoại giao mở đường cho hợp tác an ninh hiện đang ngày càng trở nên quan trọng. Chúng ta đã có cơ chế đối thoại chính trị – an ninh – quốc phòng hằng năm với Mỹ. Trong vòng đàm phán đối thoại tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên hai bên chính thức trao đổi nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược này.

* Có khả năng hợp tác sâu hơn không hay các cảng của Việt Nam có thể cung cấp hậu cần cho tàu chiến Mỹ?

– Về các cảng của Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam đã phát biểu công khai nhiều lần. Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu về vấn đề đó. Các nước quan tâm nhiều đến cảng Cam Ranh. Ngoài khu quân sự riêng, Cam Ranh sẽ thành trung tâm phục vụ hậu cần sửa chữa. Khi trung tâm này được xây dựng xong thì tàu bè các nước có thể sử dụng các dịch vụ hậu cần, không giới hạn với nước nào cả. Tàu của Nga, tàu của các nước khác, kể cả của Mỹ, khi cần đều có thể sử dụng trung tâm dịch vụ này.

* Nội hàm đó sẽ bao gồm những gì, thưa ông?

– Hiện hai bên vẫn đang trao đổi. Phía Việt Nam nêu mấy điểm: thứ nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư. Thứ hai là về chính trị, an ninh, quốc phòng. Thứ ba là khoa học kỹ thuật. Thứ tư là giáo dục… Ngoài ra, hai bên còn phối hợp với nhau trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai bên đã trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề về toàn cầu, như chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong các cuộc trao đổi đó, Mỹ luôn đánh giá Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, có đóng góp tích cực.

* Trong hợp tác chính trị – an ninh, đâu sẽ là giới hạn của quan hệ hợp tác này? Đã 35-36 năm sau chiến tranh, chuyện niềm tin giữa hai nước có còn là dấu hỏi không, thưa ông?

– Anh nêu vấn đề đúng. Vấn đề quan trọng là xây dựng lòng tin với nhau. Trong tiếp xúc của tôi với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, bên an ninh, quốc phòng, vấn đề xây dựng, tăng cường lòng tin với nhau luôn là ưu tiên hàng đầu. Mỹ cũng nhất trí quan điểm này.

Về giới hạn, hai bên đều xác định chúng ta xây dựng quan hệ đối tác, không phải liên minh, không phải đồng minh với nhau. Việt Nam luôn khẳng định không tham gia bất cứ liên minh nào để chống lại một nhóm hay một nước khác.

Chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với rất nhiều nước có ảnh hưởng, vị thế trên thế giới, trong đó có Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời gian gần đây, có thêm một số nước châu Âu như với Anh, Tây Ban Nha và hiện đang trao đổi tiến tới quan hệ đối tác chiến lược với Đức, Pháp. Trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Trung Quốc, Anh. Chúng ta đang trao đổi với Mỹ và Pháp. Trên bàn cờ chung, chúng ta hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ở mức cao với tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Ngoài khuôn khổ chung, mỗi mối quan hệ đều có trọng tâm, trọng điểm riêng. Quan trọng nhất với chúng ta là làm sao duy trì được hoà bình, ổn định trong khu vực để tập trung xây dựng đất nước. Điều quan trọng là từ mối quan hệ đó để bảo vệ vững chắc hơn độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

* Đâu là thời điểm để Việt Nam có thể chính thức ký kết thoả thuận đối tác chiến lược với Mỹ?

– Khó đưa ra một khung thời gian xác định vào lúc này, cần đợi thời gian chín muồi cho cả hai bên. Vấn đề là cần sự thống nhất, đồng thuận cao trong nội bộ của cả Mỹ và Việt Nam.

* Mấy năm gần đây, một trong những nét khá nổi bật và mới là hợp tác quân sự Việt – Mỹ. Định hướng phát triển tiếp theo của sự hợp tác này là gì?

– Gọi là nổi bật trong quan hệ hai nước cũng chưa phải, nhưng đúng là mặt này được quan tâm. Quan hệ quân sự giữa hai nước có nhiều bước phát triển lớn.

Chúng ta chủ trương phát triển quan hệ đối ngoại quân sự mở với tất cả các nước. Với Mỹ, điều quan trọng là chúng ta đã thiết lập được quan hệ đối thoại, trao đổi quốc phòng thường xuyên giữa hai bên. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi và nâng cấp trao đổi này lên cấp thứ trưởng.

* Đại sứ đánh giá ra sao về vai trò của Mỹ trong an ninh khu vực?

– Với tư cách là nước lớn, Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp và duy trì môi trường hoà bình, an ninh khu vực.

* Một trong những điểm mốc được nhiều người nhắc tới là tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội tháng 7 năm ngoái khi bà nhắc Mỹ có lợi ích quốc gia ở biển Đông.

– Đây là Mỹ tuyên bố rõ ràng hơn lập trường của mình. Nhìn toàn cục, Mỹ luôn coi an ninh hàng hải, tự do hàng hải, tự do đi lại của tàu bè là lợi ích quốc gia.

Trong khu vực hiện có nhiều vấn đề. Có những vấn đề liên quan tới các nước trong khu vực và có những vấn đề liên quan đến tất cả các nước khác thì các nước đều có quyền lên tiếng. Chúng ta hoan nghênh tất cả đóng góp tích cực cho an ninh, hoà bình khu vực.

Quan trọng đối với chúng ta là tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chúng ta không lôi kéo chống lại bất cứ nước nào. Chúng ta mong muốn quan hệ tốt với các nước nhưng đồng thời rất kiên quyết trong đấu tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.