Tình thương chắp cánh tình yêu
Từ chiến trường về người đầy thương tích, mất toàn bộ hai chân, phải đi lại bằng tay, tôi không dám cưới ai và nghĩ chắc không ai lấy mình
Tình thương chắp cánh tình yêu
“Từ chiến trường về người đầy thương tích, mất toàn bộ hai chân, phải đi lại bằng tay, tôi không dám cưới ai và nghĩ chắc không ai lấy mình. Đến khi vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để ngỏ lời và nhận được cái gật đầu của cô ấy, tôi đã tự cấu vào tay thật đau xem liệu đây có phải giấc mơ…”.
Ông Hoàng Xuân Hùng – thương binh hạng đặc biệt tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần – kể lại mối tình từng gây xôn xao đất Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà
Vượt qua rào cản
Ông Đinh Công Thuấn – phó phòng tổ chức Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần – không giấu được sự khâm phục: “Hai vợ chồng ông Hùng cộng lại chỉ có hai chân mà cùng lúc làm bao nhiêu việc: nào đại lý bia, đại lý cám cò, rồi xay xát, bán tạp hoá… Nhưng điều làm mọi người nể phục nhất là sức học của hai cậu con trai, một tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, một là cử nhân ĐH Công nghiệp Hà Nội”. |
Ông Hùng giờ đã ngót 60 tuổi. Gương mặt tươi, khuôn mày rậm, nước da rắn rỏi. Nhìn cách ông di chuyển từ bàn nước tiếp khách ra xe lăn kiểm hàng, rồi thoăn thoắt trèo lên chiếc xe ba bánh chất đầy những thùng bia tươi, bia chai đi bỏ mối, nhiều người không kịp thấy đôi chân đã bị cắt cụt lên cao tít gần hông.
Sinh năm 1953, năm 17 tuổi ông Hùng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền
Ông vẫn nhớ như in ngày 26-12-1979. Tại một trận đánh trên đất bạn, trong khi truy quét kẻ địch, ông giẫm phải mìn. Ông được đưa về Bệnh viện Quân y 175 tại TP.HCM rồi Viện Quân y 7 ở Hải Dương. Song vết thương quá sâu, ông bị cưa đến tận đùi mà không lắp được chân giả. Cuối năm 1980, ông được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần tiếp tục điều trị. Tại đây ông gặp người bạn đời của mình – bà Nguyễn Thị Huệ, một điều dưỡng chăm sóc thương binh.
“Mang thương tật vĩnh viễn, cảm giác tự ti xâm chiếm suốt ngày. Tôi ghét và tránh xa tất cả các cô gái, cũng là cách lập hàng rào tránh tổn thương cho bản thân. Nhưng rồi tình thương yêu bất ngờ của một người con gái đang được nhiều người theo đuổi đã cho tôi sức mạnh: phải giữ bằng được tình yêu lớn của cuộc đời”. Riêng với bà Huệ thì: “Tình yêu của tôi bắt đầu bằng tình thương. Nhìn người thanh niên sức vóc nhường ấy mà cứ gắn chặt đôi tay mình vào hai chiếc ghế con, lần mò đi lại khó khăn, lụi cụi làm hết việc nọ việc kia, tôi thầm khâm phục và xót xa”.
Quyết định lấy nhau, hai người vấp phải những dị nghị của cả người dưng, người thân. Nhưng tình yêu lớn của ông bà lại làm không ít người cảm phục, tận tình giúp đỡ. Một chiếc chăn cưới trị giá 3.200 đồng, rồi thuốc, rồi trầu tổng cộng 7.000 đồng toàn là tiền đi vay mượn.
“Chưa bao giờ nghĩ bố thương tật”
Từ ngày bị thương, thời tiết thay đổi chút xíu là những mỏm cụt lại hành hạ ông. Đã có lúc ông được chỉ định dùng đến 13-14 ống morphine/ngày để xua đi đau đớn. Nhưng nhìn nhiều người vì tiêm, uống loại thuốc này có bớt đau mà vật vã vì nghiện, phải cai nghiện rất khổ sở, ông sợ. Đó là lý do hơn 20 năm qua ông kiên trì với những cơn đau bằng một cách duy nhất: bám chặt tay vào giường, nhắm mắt lại, cố chống chọi với cơn giật rung người của các mỏm cụt.
Song vượt qua những đau đớn ấy, ông Hùng trở thành gương điển hình làm kinh tế tại huyện Thanh Liêm. Là đại lý cấp 1 Công ty Bia – nước giải khát Hà Nam, cung cấp vài tấn bia mỗi ngày cho người dân cả vùng 5-6 xã, cung cấp đá ăn, các loại tạp hoá cho bà con, trong nhà ông lúc nào cũng có rất nhiều người giúp việc. Dù vậy, như một thói quen của mấy chục năm qua, cứ cửa hàng, quán ăn nào gọi lấy hàng, ông Hùng lại đích thân đi giao tận nơi, không nề hà mưa nắng.
Tình yêu, sự nhẫn nại của bố mẹ đã vun đắp cho hai người con trai một nền tảng vững chắc về nghị lực vượt khó. Hoàng Xuân Huy – con trai cả từng tham dự hội nghị con thương binh nghèo vượt khó học giỏi tại TP.HCM – tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội đã làm nhiều người bất ngờ và xúc động khi xin về quê nhà để có điều kiện phụng dưỡng mẹ cha. Hoàng Xuân Tiến – con trai thứ hai – sau khi tốt nghiệp khoa đô thị ĐH Kiến trúc đang nuôi ước mơ lập nghiệp tại Hà Nội. Trong mắt hai người con, bố Hùng chưa bao giờ là một người tàn tật.
Anh Tiến nhớ lại: “Ngày bé, tôi không hề nhận thức được bố bị thương tật. Thậm chí anh em tôi vẫn đòi bố cho chơi trò cưỡi ngựa, trèo lên lưng bố để được cõng khắp nhà như những bạn nhỏ có bố lành lặn. Lớn lên tôi mới biết để không gây cho con mặc cảm thiệt thòi, bố phải tập đi bằng hai mỏm cụt để nâng chúng tôi lên lưng. Mỗi lần chơi xong trò cưỡi ngựa, bố lại tê nhức cả ngày…”.
“Rất nhiều người đã hỏi tôi về bố bằng ánh mắt thương cảm, nhưng thú thật từ bé đến lớn chưa bao giờ tôi mặc cảm về điều này. Bố có thể làm được mọi việc như những người bố bình thường khác. Có điều, sau này khi lớn lên, có bạn gái, đôi lúc tôi thấy lo sợ. Sợ bạn gái không thể thông cảm với hoàn cảnh nhà mình, sẽ chê mình vì bố… Nhưng may mắn, người con gái Hà Nội tôi yêu thương về nhà chơi, nhìn thấy bố tôi lại chia sẻ rằng quá khâm phục bố…”, anh Tiến cười hiền.