24/11/2024

Dân bị kháng thuốc tràn lan

WHO bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và cho rằng đây sẽ là hậu quả khôn lường đối với người bệnh và xã hội

 Dân bị kháng thuốc tràn lan

Trong khi Singapore vẫn dùng penicillin, loại kháng sinh mà VN đã dùng cách đây 20 – 30 năm thì tình trạng kháng thuốc tại VN đã lên mức báo động, phá vỡ phác đồ điều trị chuẩn.

Theo nghiên cứu vào tháng 10.2010 của dự án Hợp tác toàn cầu về kháng kháng sinh, ở VN (GARP Vietnam) đăng trên website Resistancestrategies.org, các chủng Streptococcus pneumoniae, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp, có tỷ lệ kháng penicillin (71,4%) và erythromycin (92,1%) cao nhất trong số 11 nước trong Mạng lưới giám sát các căn nguyên kháng thuốc châu Á (ANSORP) trong giai đoạn 2000-2001. Điều đáng lo ngại là xu hướng kháng kháng sinh ở VN đang ngày càng gia tăng. Báo cáo của GARP Vietnam cho thấy trong thập niên 1990 chỉ có 8% các chủng pneumococcus kháng penicillin ở TP.HCM. Đến giai đoạn 1999-2000, tỷ lệ này đã tăng tới 56%. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở miền Bắc.

Phá vỡ phác đồ điều trị chuẩn

 

Cứ vài tháng là thấy có kháng sinh mới

Một bác sĩ ở TP.HCM có chồng là anh P. bị ung thư trực tràng, sang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Singapore (SGH) cuối năm 2007, cho Thanh Niên biết: Sau khi phẫu thuật lấy khối u, bác sĩ chỉ cho anh P. uống kháng sinh có 3 ngày. Và chỉ sau 2 ngày, người ta đã lột băng chỗ vết mổ ngoài bụng, dán lên đó một miếng băng keo mỏng mà không hề sợ bị nhiễm trùng. Điều khiến chị ngạc nhiên hơn nữa là ở đây người ta vẫn dùng penicillin, loại kháng sinh mà VN đã dùng cách đây 20-30 năm. Là một bác sĩ, chị nhận định, rõ ràng điều ấy cho thấy điều kiện vô trùng của họ rất tốt nên kháng sinh không bị “lờn” thuốc. Trong khi đó, ở VN, cụ thể ở bệnh viện của chị, người ta đã dùng đến những loại kháng sinh tân tiến nhất hiện nay. “Cứ vài tháng là thấy có kháng sinh mới rồi”, chị nói. Thanh Niên đã trao đổi việc này với một bác sĩ VN cũng có thời gian học tập tại bệnh viện nói trên và vị bác sĩ cũng công nhận như vậy. Anh còn cho biết thêm: Ở đó, họ rất kỹ lưỡng và thay trang phục gồm áo blouse, mũ, bao tay của bác sĩ liên tục. Với những ca mổ quan trọng, chỉ cần bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ và quay trở vào là phải thay ngay một bộ trang phục khác. Qua một ca mổ, bác sĩ thay không biết bao nhiêu bộ đồ.

Thục Minh (VP Singapore)

 

Tại buổi mít tinh hưởng ứng ngày Sức khoẻ thế giới hôm 7.4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận: “Tình trạng kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng” và coi đây là “thách thức lớn đối với việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn”.

Văn phòng WHO tại VN cũng đã gửi thông tin đến các cơ quan truyền thông nói về tình trạng kháng thuốc. Theo WHO, nguyên nhân gây kháng thuốc không chỉ đơn thuần là do người bệnh, mà còn từ phía bác sĩ, dược sĩ. Với người bệnh, là do họ tự ý mua và sử dụng thuốc một cách bừa bãi, không qua sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị, hoặc người có chuyên môn. Còn ở bác sĩ là vì việc kê toa không hợp lý, kê quá liều, thiếu liều, hoặc không chuẩn (sai liều). Còn ở dược sĩ là tình trạng bán thuốc không theo toa của bác sĩ.

WHO bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và cho rằng đây sẽ là hậu quả khôn lường đối với người bệnh và xã hội. Bởi, một khi vi khuẩn gây các bệnh nhiễm khuẩn đã kháng thuốc thì phác đồ điều trị chuẩn trước đó sẽ không còn hiệu quả, khiến việc chữa trị kéo dài và gia tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh; làm gia tăng tình trạng lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng, trở thành mối đe doạ khi các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp cũng bị kháng thuốc…

Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế tại 19 bệnh viện thuộc Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng trong 2 năm (2009-2010) ghi nhận có 4 chủng vi khuẩn thường gặp (gồm: acinetobacter spp, pseudomonas spp, e.coli, klebsiella) đều đã kháng lại với nhiều loại thuốc kháng sinh. Một số kháng sinh thông thường như penicillin, tetracycline không còn có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như trước đây nữa.

Một nghiên cứu về dị ứng kháng sinh ở bệnh nhân cao tuổi thực hiện tại khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy kháng sinh đứng đầu (chiếm hơn 35%) trong số bệnh nhân nhập viện do phản ứng (dị ứng) thuốc. Trong đó dị ứng thuốc đường uống chiếm đến gần 80% các trường hợp dị ứng kháng sinh. Đáng lưu ý hơn, có tới gần 60% dị ứng kháng sinh là do tự dùng thuốc. Ngoài ra, cũng theo thống kê, mỗi năm cả nước có gần 6.000 trường hợp bị nhiễm lao đa kháng thuốc, khiến gần 2.000 ca bị tử vong…

“Trời! Chuyện cũ rích”

Khi nghe chúng tôi muốn gặp để trao đổi về thực trạng bán thuốc, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi dẫn đến tình trạng kháng thuốc, PGS-TS-DS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM, bức xúc: “Trời! Chuyện cũ rích, khổ lắm nói mãi!”. Ông Tuấn cho rằng: “Tình trạng mua bán, sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến hậu quả mà hiện nay chúng ta phải chịu, đó là đã có rất nhiều loại kháng sinh bị vi khuẩn đề kháng. Đáng lo ngại là mỗi khi vi khuẩn đột biến thì không phải có thuốc mới ngay để trị chúng”.

 

Nhiều người dân hễ đau ốm lắt nhắt như ho, sổ mũi là ra nhà thuốc mua ampicillin, amoxicillin sử dụng 1-2 liều, hay một hai ngày rồi ngưng nên dẫn đến vi khuẩn lờn (kháng) thuốc

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

 

 

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng nhìn nhận: “Kháng sinh là thuốc bán theo đơn. Nhưng thực tế việc này chưa được tuân thủ đầy đủ. Tình trạng người bệnh tự mua thuốc kháng sinh điều trị; các nhà thuốc tư bán thuốc kháng sinh cho người bệnh không có toa bác sĩ còn diễn ra rất phổ biến”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cũng cho biết: “Có nhiều bệnh nhân khi vào viện, bệnh của họ đã đề kháng nhiều loại kháng sinh. Nhất là các loại thuốc kháng sinh như ampicillin, amoxicillin hầu như không còn tác dụng với những ca điều trị nội trú. Lý do là vì nhiều người dân hễ đau ốm lắt nhắt như ho, sổ mũi là ra nhà thuốc mua ampicillin, amoxicillin sử dụng 1-2 liều, hay một hai ngày rồi ngưng nên dẫn đến vi khuẩn lờn (kháng) thuốc. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy vào đây kháng với cả 3 loại ampicillin, amoxicillin và bactrim, nên buộc phải sử dụng thuốc thế hệ mới hơn. Một khi người bệnh kháng với nhiều loại thuốc thì phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền, tốn kém, bệnh kéo dài, lâu khỏi”.

Chú trọng kiểm tra, chấn chỉnh

Quy chế về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành, điều chỉnh nhiều lần vào các năm 1995, 2003, 2008. Theo đó, trong các nhóm thuốc phải kê đơn và bán theo đơn có các loại kháng sinh; nhằm đảm bảo dùng thuốc an toàn và hợp lý cho người bệnh. Năm 2005, Luật Dược ra đời, ở khoản 1 của điều 28 trong luật cũng quy định việc bán thuốc phải đúng theo đơn. Thế nhưng, thực tế hầu hết nhân viên các nhà thuốc vẫn vừa chẩn bệnh, vừa kê toa bán thuốc cho người dân một cách công khai…

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, xác nhận lâu nay tồn tại việc “mua kháng sinh tự điều trị” mà không đi khám để bác sĩ kê đơn. “Đây là thói quen chưa tốt của người dân và cũng là ý thức tuân thủ quy định bán thuốc theo đơn của các nhà thuốc chưa tốt. Việc thanh tra vẫn nhắc nhở khắc phục tình trạng chưa tuân thủ quy định nhưng thực sự vẫn còn tồn tại, đặc biệt là yêu cầu nhà thuốc phải lưu đơn thuốc là rất khó thực hiện. Việc triển khai các nhà thuốc phải đạt GPP (Nhà thuốc thực hành tốt – PV) đã khắc phục phần nào các hạn chế nêu trên. Tại các nhà thuốc GPP phải có bàn tư vấn sử dụng thuốc cho những người mua thuốc, do đó hạn chế các tai biến do sử dụng thuốc không đúng…”.

Về giải pháp, ông Trung nói sẽ phát triển nhanh hệ thống nhà thuốc đạt GPP; đồng thời thanh tra y tế chú trọng kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.

Liên Châu