23/01/2025

Tư vấn tâm sinh lý cho học viên khuyết tật

Nhiều bạn trẻ khuyết tật trong tuổi dậy thì ở những trường chuyên biệt, cơ sở xã hội chịu thiệt thòi bởi công tác tư vấn tâm sinh lý chưa được chú trọng

Tư vấn tâm sinh lý cho học viên khuyết tật

Nhiều bạn trẻ khuyết tật trong tuổi dậy thì ở những trường chuyên biệt, cơ sở xã hội chịu thiệt thòi bởi công tác tư vấn tâm sinh lý chưa được chú trọng.

Đến tuổi phát triển tâm sinh lý, nhiều bạn trẻ khuyết tật thường có nhu cầu khám phá. Có bạn còn xin công khai với bạn khác giới: “Cho mình sờ một cái nghe?” (và nói rõ là thích sờ cụ thể bộ phận nào) hoặc: “Cho sờ sẽ dẫn đi ăn kem”…

“Toát cả mồ hôi hột”

Một bạn nam khiếm thính trạc 18 tuổi trong giờ học cứ ngồi cười tủm tỉm. Cô giáo gặng hỏi nhiều lần, bạn này mới ra dấu tiết lộ: “Bậy lắm cô à!”.

Hoá ra, anh chàng này trong khi lướt mạng internet ở nhà, đã trông thấy một số cảnh “mát mẻ” nên mắc cỡ và bị ám ảnh, không thể tập trung học hành. Chia sẻ câu chuyện trên, cô Trần Thị Ngời – Hiệu Trưởng trường Khuyết tật Thính giác Hy Vọng 1 (Q.1, TP.HCM) nói: “Giáo viên phải để ý kỹ mới nhận ra và xử lý những tình huống như trên”.

 

Chúng tôi phải tự bơi trong việc tư vấn tâm sinh lý cho học sinh khuyết tật, chứ chưa nhận được sự hỗ trợ gì đáng kể từ các ban ngành

 

Hiệu trưởng một trường khiếm thính tại TP.HCM

 

 

Trước sự thiếu hụt kỹ năng sống của nhiều học sinh, khoảng 3 năm nay, trường Hy Vọng 1 đã tự thiết kế những chương trình về sinh hoạt nảy sinh hằng ngày và vấn đề giới tính để dạy lồng ghép, với khoảng 45 phút/tuần. Tuy nhiên, giáo viên trực tiếp phụ trách chương trình này thừa nhận: Ngôn ngữ giao tiếp với học sinh không nghe được là một thách thức lớn, đặc biệt là khi truyền đạt những chuyện tế nhị.

“Với các từ có vẻ đơn giản, chẳng hạn: sinh lý là gì? thì giáo viên cũng toát mồ hôi hột tìm dấu để giải thích. Nhiều trường hợp khổ sở lắm vì các em không nghe được và ngôn ngữ diễn tả cũng rất hạn chế. Thậm chí, có giáo viên còn bị học trò “sửa lưng” rằng ngoài đời các em tự dùng những ký hiệu chỉ quan hệ yêu đương khác hẳn với sách vở!” – bà Trần Thị Ngời bộc bạch.

Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo Việc làm cho Người Tàn tật TP.HCM có hơn 500 học viên với nhiều dạng khuyết tật (trừ khiếm thị). Trong đó, số bán trú và nội trú là khoảng 100 học viên. Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Giám đốc kiêm phụ trách mảng bán trú và nội trú của trung tâm này cho hay: “Quan hệ nam nữ đôi lúc có xảy ra nhưng được ngăn ngừa, hạn chế tối đa nhờ sự phát hiện của giám thị, giáo viên”. Phó phòng Bổ túc văn hoá của trung tâm, bà Võ Thị Ngọc Hiền nhận xét: “Phần lớn học viên ở tuổi vị thành niên là những em chậm phát triển. Trong đó, có những em mến giáo viên nào là chủ động xin ở lại lớp để tiếp tục được học giáo viên ấy. Trong giờ giải lao, giờ nghỉ trưa, giáo viên thường không dám bỏ lớp đi đâu vì e ngại những điều không hay xảy ra giữa những học viên”.

Tự bơi

Nếu như nhiều trường THPT, THCS, thậm chí một số trường tiểu học hiện đã có “phòng tư vấn học đường” thì hầu như tất cả các cơ sở xã hội, trung tâm nuôi dạy người khuyết tật lại chưa có được may mắn đó. Hiệu trưởng một trường chuyên biệt khiếm thính tại TP.HCM than thở: “Chúng tôi phải tự bơi trong việc tư vấn tâm sinh lý cho học sinh khuyết tật, chứ chưa nhận được sự hỗ trợ gì đáng kể từ các ban ngành”.

Theo ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ – dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM thì chức năng được giao chính của trung tâm này là tư vấn – dạy nghề, dạy bổ túc văn hoá, tìm việc làm cho người khuyết tật. Trung tâm không có phòng tư vấn tâm sinh lý cho học viên và giáo viên cũng không có chuyên môn về tư vấn lĩnh vực này. Do vậy, khi có sự cố, chuyên viên trung tâm sẽ mời học viên lên trao đổi riêng. Còn với một số ca nhạy cảm, trung tâm và gia đình người học bàn bạc tìm cách giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: Trong nhiều năm làm Hiệu trưởng trường mù Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, nhà trường đã phối hợp Trung tâm Truyền thông – giáo dục sức khoẻ TP.HCM tổ chức mỗi năm 2 lần sinh hoạt chuyên đề về giới tính cho học sinh khiếm thị. Nhờ vậy, những đề tài vốn được nhiều bạn trẻ tò mò tìm hiểu như: tâm sinh lý tuổi mới lớn, bệnh phụ nữ, phòng tránh thai, ứng xử với người khác giới… thường được trao đổi cởi mở. Ông Tâm nhấn mạnh: “Ngoài việc học kiến thức, các em cũng có nhu cầu tìm hiểu về cơ thể bản thân và nhu cầu tình cảm. Nhà trường không thể không quan tâm để định hướng giáo dục giới tính cho các em. Bởi lẽ, nếu bỏ mặc các em tự mày mò tìm hiểu hoặc hiểu không đúng thì rất tai hại, nhiều khi dẫn đến những hậu quả khôn lường”.

Trên thực tế, những cơ sở linh động tự tìm giải pháp như trên là còn rất ít. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và sự quan tâm nhiều hơn từ xã hội, nhất là các ban ngành hữu quan.