22/01/2025

Rung động từ việc chuyển giới cho trẻ em tại Ấn Độ

Dư luận Ấn Độ bàng hoàng trước tin hàng ngàn bé gái phải trải qua quá trình chuyển giới phi đạo đức do sự ưa chuộng con trai ở nước này.

Rung động từ việc chuyển giới cho trẻ em tại Ấn Độ

Dư luận Ấn Độ bàng hoàng trước tin hàng ngàn bé gái phải trải qua quá trình chuyển giới phi đạo đức do sự ưa chuộng con trai ở nước này.

Theo báo Telegraph, chính quyền bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, đang điều tra thông tin hàng ngàn bé gái từ 1-5 tuổi bị phẫu thuật và chích thuốc để biến thành con trai với chi phí 150.000 rupee (khoảng 69 triệu đồng) cho mỗi lần chuyển giới. Các nhà vận động cho quyền của phụ nữ và trẻ em chỉ trích hành động này thể hiện sự xem thường phụ nữ và đe doạ tính mạng cũng như cuộc sống sau này của đứa trẻ.

Vụ việc bị phanh phui sau khi báo chí địa phương loan tin trẻ em trên khắp Ấn Độ được đưa về thành phố Indore của bang Madhya Pradesh cho các bác sĩ ở đây “chỉnh sửa”. Tờ Hindustan Times dẫn lời 7 bác sĩ phẫu thuật ở Indore tuyên bố mỗi người trong số họ đã biến 200-300 bé gái thành bé trai. Những bé này là con của các bậc cha mẹ giàu có ở New Delhi và Mumbai. Họ kéo đến Indore do chi phí phẫu thuật tại đây khá thấp và quyết tâm chuyển giới cho con mình bất chấp khuyến cáo về những hậu quả chúng sẽ phải gánh chịu.

Thật ra, kiểu phẫu thuật genitoplasty, tạo dương vật từ cơ quan sinh dục nữ của bé gái, sau đó tiêm hormone nam để biến trẻ gái thành bé trai vẫn được chấp nhận trong y học. Tuy nhiên, nó chỉ được thực hiện trong trường hợp bất khả kháng khi đứa trẻ sinh ra bị các dị tật ở bộ phận sinh dục hoặc không rõ ràng về mặt giới tính. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ và các bác sĩ không có y đức cố tình lập lờ tình trạng thể chất của các bé gái để tiến hành chuyển giới.

Hậu quả nghiêm trọng

Báo Hindustan Times dẫn lời tiến sĩ V.P.Goswami, Chủ tịch Viện Nhi khoa Ấn Độ ở Indore, nói ông bị sốc trước thông tin trên. Ông cảnh báo nếu đứa trẻ may mắn sống sót sau những sự can thiệp phức tạp như trên thì chúng cũng đối mặt với nguy cơ bất lực và vô sinh khi trưởng thành. Ông phân tích: “Y học có khả năng thực hiện phẫu thuật genitoplasty đối với một đứa trẻ bình thường thuộc bất kỳ giới tính nào nhưng cơ quan sinh sản sẽ không phát triển do ảnh hưởng của hormone và điều đó sẽ dẫn tới vô sinh cũng như tình trạng bất lực”. Đó là chưa kể tác động xấu về mặt tâm lý và xã hội đối với đứa trẻ.

Hôm qua, Hindustan Times đưa tin Thủ hiến bang Madhya Pradesh là Shivraj Singh Chouhan ra lệnh lập một uỷ ban chuyên gia để xem xét tính hợp pháp của các cuộc phẫu thuật đang diễn ra ở Indore. Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia và Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em Ấn Độ yêu cầu giới chức bang điều tra và trình kết quả trong vòng 15 ngày tới. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ thì kêu gọi đề ra các quy định pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động phẫu thuật chuyển giới.

Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do nạn sát hại thai nhi nữ trong những gia đình lo ngại về chi phí kết hôn và những khoản hồi môn đắt đỏ. Hiện số bé trai ở nước này cao hơn 7 triệu em so với bé gái. Bà Ranjana Kumari, một trong những nhà hoạt động hàng đầu chống lại nạn sát hại thai nhi nữ, khẳng định việc phẫu thuật chuyển gái thành trai bất chấp ý muốn của đương sự là dấu hiệu của một cơn “điên loạn xã hội” đang gia tăng ở Ấn Độ. Bà tỏ ra tuyệt vọng khi cho rằng giáo dục không thể giúp ngăn chặn tình trạng hắt hủi bé gái đang ngày một lan rộng ở quốc gia này.

“Năm 2001, ở New Delhi, tỷ lệ sinh là 886 bé gái/1.000 bé trai. Đến nay số bé gái giảm xuống chỉ còn 866 bé. Những người càng giàu và càng có học lại càng giết trẻ em gái nhiều hơn”, bà nói. Theo bà, nhiều người không muốn chia sẻ tài sản hoặc không muốn đầu tư vào việc giáo dục một đứa con gái hay phải trang trải của hồi môn cho cô dâu tương lai. “Hành động này thật đáng kinh tởm và vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em”, bà nhấn mạnh với Hindustan Times.