23/11/2024

Người dân cần quyết liệt bảo vệ quyền của mình

Ở đâu và thời nào cũng vậy, sáng kiến và sự quyết liệt của người dân trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình luôn là một trong những động lực thúc đẩy xã hội nói chung và bộ máy công quyền nói riêng ngày càng hoàn thiện

Người dân cần quyết liệt bảo vệ quyền của mình

Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật Dân sự 2005 đã cụ thể hoá và trao cho mỗi công dân một số quyền dân sự hết sức quan trọng. Đó là quyền được tôn trọng và pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân (điều 37), quyền bí mật đời tư của cá nhân (điều 38), quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình (điều 31).

Theo các điều luật này, “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” và “việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Hơn nữa “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”, “việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý” và “nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Chuẩn mực và vũ khí pháp lý để người dân tự bảo vệ đời tư, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của mình, như đã nêu trên, là có. Vậy vì sao có hiện tượng soi mói, bới móc và công bố những chi tiết đời tư, hình ảnh cá nhân của người khác một cách tuỳ tiện, thậm chí bôi bác, xúc phạm?

Nguyên nhân đầu tiên là ở người viết, người đưa tin, kế đó là người trực tiếp quản lý các phương tiện truyền thông. Những người này chưa nhận thức được rằng công bố thông tin, hình ảnh thuộc đời tư của cá nhân người khác một cách tuỳ tiện và xúc phạm là trái pháp luật. Có ai đó nói rằng người của công chúng thì phải chấp nhận bị soi mói và công bố đời tư. Đúng là ở một số nước, điển hình là Hoa Kỳ, có quy định riêng cho những “người của công chúng”, nhưng luật pháp ở những nước ấy rất chặt chẽ và bằng những án lệ hết sức cụ thể, quy định rất rõ thế nào là “đời tư”, thế nào là “người của công chúng”, đâu là ranh giới giữa quyền tự do thông tin và tội “mạ lỵ” hay “xúc phạm danh dự” người khác.

Cũng phải nói thêm, ở Việt Nam tuy có những quy định tiến bộ như vậy, nhưng những quy định ấy chưa được cụ thể hoá bằng những quy định chi tiết để trở thành những công cụ sắc bén cho người dân bảo vệ quyền của mình và để tòa án có thể xét xử dễ dàng, nhanh chóng và chuẩn xác. Quy trình tố tụng và thi hành án của Việt Nam đang quá chậm chạp, kém hiệu quả và thiếu minh bạch, bởi cả thủ tục lẫn con người, khiến cho câu “vô phúc đáo tụng đình” vừa đúng cho bị đơn, bị cáo, mà còn cho cả nguyên đơn và người bị hại. Tình trạng này làm cho những người vi phạm thì nhởn nhơ, còn người bị xâm hại dù rất phẫn nộ vẫn cứ ngần ngại, nơm nớp “được vạ, má đã sưng”.

Gần đây, sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đã có những dấu hiệu cho thấy người dân đã chủ động và kiên quyết hơn trong việc sử dụng vũ khí pháp lý. Trong khi chờ đợi các cuộc cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp đuổi kịp nhu cầu của xã hội, người dân, trong đó có các nghệ sĩ và những người nổi tiếng khác, phải tích cực và chủ động đấu tranh bằng những cơ hội và phương tiện hiện có. Ở đâu và thời nào cũng vậy, sáng kiến và sự quyết liệt của người dân trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình luôn là một trong những động lực thúc đẩy xã hội nói chung và bộ máy công quyền nói riêng ngày càng hoàn thiện.

Pháp luật, dù là chuẩn mực chung, vẫn không phải là công cụ duy nhất và lúc nào cũng mạnh nhất. Tất nhiên, một xã hội văn minh không thể chỉ dựa trên quan hệ luân lý hay lòng trắc ẩn, nhưng khi đạo đức và lương tâm của con người bị suy thoái nặng thì pháp luật dù hiện đại hay cứng rắn đến mấy cũng không thể có hiệu quả. Trong quan hệ giữa báo chí và xã hội, đạo đức và lương tâm của người làm báo, của người đọc báo và của người được đăng báo là điều không thể thay thế, và ở những nước chậm phát triển, dân trí thấp, thậm chí có lúc còn hữu hiệu hơn pháp luật.