22/01/2025

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Giữ bình an cho tổ ấm

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp nhắc nhở từng thành viên giữ lấy mình, giữ lấy sự bình an, ổn định của gia đình và kiên quyết ngăn chặn những xâm hại từ sự phức tạp của cuộc sống xã hội

 

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6):

Giữ bình an cho tổ ấm

Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình đang phải oằn vai gánh chịu đủ loại “thù trong giặc ngoài”: bên ngoài là yêu cầu chia sẻ thời gian với công việc, với đồng nghiệp; bên trong là những làn sóng của thế giới kỹ thuật số và các trào lưu văn hoá mới, đầy hấp dẫn nhưng vô cùng nguy hiểm.

Vừa hại điện lại hại nhà

Các sản phẩm kỹ thuật số đang trở thành vật dụng ngày càng thiết yếu và thân quen của con người, với nhiều tiện ích làm phong phú cuộc sống nhưng cũng từ đó gây ra sự lệ thuộc và sai lệch hành vi. Không chỉ trẻ em suốt ngày ôm máy chát chít, chơi game, truy cập những trang web đen, nấu cháo điện thoại, lắc lư nhún nhảy với headphone đến mức bỏ bê học tập, sa sút sức khoẻ… mà không ít người lớn thậm chí có học vị, chức sắc cao… cũng không thoát khỏi sự quyến rũ của những phương tiện cao cấp này. Họ sa đà với những trò tiêu khiển trên mạng đến mức bỏ bê trách nhiệm đối với gia đình.

Là vợ của một viên chức nhà nước, chị Thuý buồn phiền quá đỗi khi thấy chồng suốt ngày đã bận rộn ở cơ quan nhưng chiều tối về cứ cặm cụi với laptop để truy cập các thông tin theo anh nói là “rất cần thiết cho công việc”. Hai vợ chồng đều là giảng viên đại học, nhưng cô vợ rất khổ sở vì người chồng chỉ làm tròn nhiệm vụ ở nhà trường mà vô tư làm game thủ khi trở về nhà, mặc mọi việc gia đình cho vợ gánh vác…

Có chồng là doanh nhân, có cuộc sống kinh tế thoải mái nhưng trực giác của một người vợ đã khiến chị Lan theo dõi ngầm việc chồng sử dụng nhiều điện thoại với những số sim khác nhau bằng dáng vẻ khả nghi, cuối cùng sự thật đã rõ: anh đang có vài tình nhân trẻ đẹp từ cuộc trao đổi kinh doanh, tiếp thị sản phẩm với họ!

Cuộn mình trong cuộc sống đầy đủ các phương tiện hiện đại, nhiều người lầm tưởng rằng họ là kẻ khôn ngoan, thành công, biết tận hưởng cuộc sống. Nhưng chính ảo giác này đưa họ vào mê cung không lối thoát, với kết cục phải trả giá bằng sự giảm sút nhân phẩm, đổ vỡ hôn nhân, tan nát gia đình…

Gần rơm xa bếp

Hiện nay trong nhiều gia đình, việc tạo thu nhập không phải là điều khó khăn mà sự nan giải chính là làm sao cân đối giữa công việc với sức khoẻ và trách nhiệm gia đình.

Nhiều người cho rằng ưu tiên cho công việc và sức khoẻ là một quyết định tỉnh táo, vì đó là tiền đề gầy dựng cuộc sống gia đình. Vì vậy họ đã rời nhà từ 7 giờ sáng, trưa ở lại cơ quan dùng bữa với đồng nghiệp, thậm chí hết giờ làm còn rủ đồng nghiệp đến sân tập thể thao hoặc đi giải khuây… Nếu mức độ ưu tiên cho cá nhân quá cao thì bầu không khí gia đình sẽ tàn lụi, đến nỗi không thể nào thổi bùng trở lại khi các thành viên ngày càng xa mặt cách lòng. Nguyên nhân của sự mất cân đối đó một phần do cách tổ chức công việc và mối quan hệ đồng nghiệp của các cơ quan, đơn vị hiện nay. Nhiều gia đình khốn đốn, lo âu khi chồng hoặc vợ của họ trước yêu cầu dồn dập của công việc, buộc phải có mặt ở cơ quan nhiều hơn thời gian hiện diện trong nhà. Sự lưu lại thường xuyên ở cơ quan không chỉ làm cho gia đình trống vắng mà còn là nguy cơ dẫn đến những mối quan hệ không bình thường với đồng nghiệp, khi những bữa ăn trưa thường xuyên tại cơ quan giúp họ có dịp tiếp cận, khám phá về nhau nhiều hơn; những dịp tăng lương, lên chức, mừng sinh nhật… họ lại có cơ hội vui vẻ bên nhau để chúc tụng và thể hiện cảm tình dành cho nhau; rồi hàng năm cùng đồng nghiệp đi tham quan, du lịch… đến mức hầu như mọi cuộc vui đều không có gia đình bên cạnh sẻ chia… Nếu không tỉnh táo, sự tiếp xúc, quan tâm thường xuyên với đồng nghiệp có thể gợi nên phút giây xao lòng. Một khi “lửa đã gần rơm” thì chỉ cần một phút giây thiếu lý trí, những đồng nghiệp này rất dễ trở thành người có lỗi với chồng, vợ và các con của họ…

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp nhắc nhở từng thành viên giữ lấy mình, giữ lấy sự bình an, ổn định của gia đình và kiên quyết ngăn chặn những xâm hại từ sự phức tạp của cuộc sống xã hội. Muốn vậy, cần phát hiện, nhận dạng những “virút xã hội” đang ngày càng sinh sôi, phát triển trong sự ngây thơ, mê muội hoặc trong cách sống tỉnh táo nhưng vô cảm của con người… Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng cần chú trọng hỗ trợ gia đình thông qua việc tổ chức công việc tối ưu, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên thực hiện tốt bổn phận gia đình, đừng vô tình để các dạng sinh hoạt của đơn vị trở thành tác nhân đe doạ, ngăn trở hoặc lấy đi sự ấm áp, yêu thương và hạnh phúc của các gia đình.