23/11/2024

Thêm quyền “tự vệ” cho người tiêu dùng

Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD khi phát hiện nhà cung cấp có vi phạm gây ảnh hưởng lợi ích công cộng có thể tự đứng ra khởi kiện tại toà án mà không cần phải có yêu cầu hoặc uỷ quyền của NTD

 

Thêm quyền “tự vệ” cho người tiêu dùng

Một tuần trước khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực (từ 1-7), ngày 24-6 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Luật bảo vệ NTD – công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ NTD VN”.

Theo tiến sĩ Vũ Thị Bạch Nga – trưởng ban bảo vệ quyền lợi NTD Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), điều đáng ghi nhận là nhiều tình huống phát sinh từ thực tiễn kinh doanh đã được cập nhật trong luật này với những quy định cụ thể bảo vệ NTD.

Không phải chứng minh “bên bán” có lỗi

Cụ thể, hiện nay nhiều nhà cung cấp đơn phương áp đặt những quy định về giá bán, điều kiện huỷ hợp đồng, bồi thường thiệt hại theo hướng có lợi cho họ nên khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì khách hàng, NTD thường phải gánh chịu phần thua thiệt.

“Chẳng hạn Công ty Toyota từng quy định trong hợp đồng rằng trước khi giao xe thì bên bán có thể điều chỉnh giá bán mà người mua buộc phải chấp nhận, hay Công ty FPT ở Tiền Giang quy định một khi khách hàng đã ký hợp đồng thì không được huỷ hợp đồng trong bất kỳ điều kiện nào trong khi phía công ty thì có thể đơn phương huỷ hợp đồng nếu… không cung cấp dịch vụ” – bà Nga dẫn chứng.

Theo bà Nga, khi Luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, những quy định kiểu “gài bẫy” NTD sẽ bị coi là vô hiệu khi xử lý tranh chấp, khiếu nại và khi đó quyền lợi NTD sẽ được ưu tiên bảo vệ.

Hay như vấn đề bảo hành hàng hoá, linh kiện, phụ kiện sản phẩm, lâu nay các nhà cung cấp thường né tránh trách nhiệm hoặc kéo dài thời gian thực hiện bảo hành để ăn gian quyền lợi của NTD. Nội dung này được Luật bảo vệ NTD quy định rất cụ thể, theo đó trường hợp sản phẩm có bảo hành thì thời gian thực hiện bảo hành (sửa chữa) không được tính vào thời hạn bảo hành. Trường hợp phải thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hoá mới thì thời hạn bảo hành phải được tính lại từ đầu.

“Nghĩa là nếu tôi mua một cái tivi có thời hạn bảo hành 12 tháng, khi hư hỏng phải mất hai tháng để bảo hành sửa chữa thì hai tháng đó không được tính vào thời hạn bảo hành, còn nếu phải đổi chiếc tivi khác thì thời hạn bảo hành cũng phải tính lại từ đầu” – bà Nga giải thích thêm.

Chưa kể trong thời gian thực hiện bảo hành hàng hoá, nhà cung cấp phải cung cấp hàng hoá thay thế tương tự để NTD sử dụng tạm hoặc thoả thuận hình thức thay thế khác.

Đặc biệt, theo quy định của luật, khi xảy ra tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại toà, NTD không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà trái lại nhà cung cấp phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

 TS Đinh Thị Mỹ Loan – uỷ viên thường vụ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN (Vinastas) – cho rằng đây là một quy định hết sức quan trọng và cực kỳ có ý nghĩa để bảo vệ quyền lợi của NTD.

Chủ động bảo vệ người tiêu dùng

Một điểm mới khác trong quy định của Luật bảo vệ quyền lợi NTD là các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD khi phát hiện nhà cung cấp có vi phạm gây ảnh hưởng lợi ích công cộng có thể tự đứng ra khởi kiện tại toà án mà không cần phải có yêu cầu hoặc uỷ quyền của NTD.

Ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm văn phòng phía Nam của Vinastas, cho biết với quy định này các tổ chức xã hội bảo vệ NTD sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của NTD, thay vì phải ngồi chờ người dân đến khiếu nại rồi mới đại diện đi đòi quyền lợi.

 Theo ông Vinh, Chính phủ khi ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật cần quy định rõ như thế nào thì được coi là lợi ích công cộng bị vi phạm để làm cơ sở cho các tổ chức xã hội căn cứ vào đó mà khởi kiện.

Vụ xử phạt Công ty Happy Shopping bán hàng qua truyền hình

TS Vũ Thị Bạch Nga (trưởng ban bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương):

Nếu tiếp tục vi phạm có thể xử tăng nặng, buộc đóng cửa

Theo quy định hiện hành, bên bán hàng bán sản phẩm không đúng chất lượng như quảng cáo thì NTD có quyền yêu cầu trả lại tiền và bồi thường thiệt hại, nếu có. Công ty Happy Shopping đã bị cơ quan chức năng TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính thì đây là một trong những căn cứ để khách hàng yêu cầu bồi thường.

Nếu đúng như phản ánh của Tuổi Trẻ, Công ty Happy Shopping đã bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm trong quảng cáo, bán hàng thì UBND TP.HCM cần áp dụng tình tiết tăng nặng để xử phạt, thậm chí có thể buộc ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Nam Vinh (chủ nhiệm văn phòng phía Nam của Vinastas):

Cần xử lý trách nhiệm nhà đài

Trong vụ vi phạm của Công ty Happy Shopping, trách nhiệm của các đài, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình là rất lớn. Theo quy định hiện hành, nhà đài phải có trách nhiệm thẩm định nội dung quảng cáo trước khi quyết định cho phát sóng. Do đó, không thể đổ lỗi do thiếu kiểm tra hoặc thiếu thông tin để tiếp tay cho vi phạm.

Cũng cần nói thêm rằng hiện nay vi phạm trong quảng cáo trên truyền hình rất phổ biến, nếu không nói khán giả cứ hễ mở mắt ra là có thể bị lừa.

Từ sau ngày 1-7, khi Luật bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực thi hành cho phép các tổ chức xã hội bảo vệ NTD có quyền khởi kiện thì chúng tôi sẽ có cơ sở để chủ động vào cuộc ngăn chặn những tình trạng vi phạm như hiện nay.