23/11/2024

Giữ lửa

Để giữ gìn một tình yêu đẹp đã khó. Để giữ gìn một cuộc hôn nhân hạnh phúc càng khó hơn, bởi cuộc sống vợ chồng là hành trình dài, sóng gió lúc nào cũng có thể nổi lên.

Giữ lửa

Để giữ gìn một tình yêu đẹp đã khó. Để giữ gìn một cuộc hôn nhân hạnh phúc càng khó hơn, bởi cuộc sống vợ chồng là hành trình dài, sóng gió lúc nào cũng có thể nổi lên.

Phải làm sao để vững tay chèo? Vợ và chồng, ai là người cầm lái con thuyền hôn nhân về bến bình an? Mời bạn đọc cùng chia sẻ với Tổ ấm những bí quyết “giữ lửa”…

Tôn trọng làm nên hạnh phúc

Gia đình anh Vũ Hoàng Anh và chị Phạm Thị Thuý (chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM) luôn tràn ngập tiếng cười vào mỗi chiều cuối tuần. Anh chị có nhiều điểm chung, cùng một tuổi, cùng là mối tình đầu của nhau (sau bảy năm yêu mới cưới), cùng quan điểm sống và nuôi dạy con… Cả hai đều là người của công việc nhưng luôn biết tranh thủ thời gian để bên con mỗi cuối tuần.

Là một chuyên viên tâm lý, chị Thuý chia sẻ giống như những gia đình khác, gia đình chị cũng có những xung đột, nhưng không vì thế mà vợ chồng lớn tiếng với nhau. Hai vợ chồng đều thích đối thoại nên nhờ thế giữ được hoà khí gia đình.

Ngày còn yêu, mỗi khi giận dỗi chị dùng thư từ bày tỏ, nay thành vợ chồng rồi thì chuyển sang “đối thoại lúc nửa đêm”, khi con đã ngủ và cơn nóng giận của hai người cũng có phần nguôi ngoai. Nhờ thế mà vợ chồng chị thường có những thoả hiệp về tình cảm rất vui.

Trong gia đình anh chị không có việc phân chia công việc, anh sẵn sàng giúp chị chuyện bếp núc hay việc nhà vào mỗi cuối tuần. Với anh đó là niềm vui. Việc nuôi dạy hai con anh rất xem trọng và còn yêu cầu chị làm việc ít hơn để có nhiều thời gian hơn cho con. Theo anh chị, yếu tố cần nhất để có một gia đình hạnh phúc là vợ chồng phải luôn tôn trọng nhau. Có tôn trọng nhau mới đạt được sự vui vẻ, hợp tác, cảm thông khi chung sống, ngay cả khi va chạm. Đặc biệt những cử chỉ thương yêu dành riêng cho nhau là không thể thiếu. Hãy cố gắng giao tiếp, học cách lắng nghe, chia sẻ từ hai phía. Ngoài ra sự trung thực và chân thành rất cần thiết để đảm bảo được lòng tin yêu.

Thuận vợ thuận chồng

Cái tôi cá nhân “giết chết” hạnh phúc chung

Những thay đổi trong đời sống, quan điểm và hành xử của các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ, là căn nguyên dẫn đến số vụ ly hôn gia tăng. Trong đó, đời sống kinh tế độc lập hơn nhưng cũng bận rộn hơn khiến các gia đình không có nhiều thời gian dành cho nhau. Cái “tôi” cá nhân của các cặp vợ chồng trẻ quá lớn cũng khiến họ khó thông cảm trong những tình huống phát sinh của đời sống chung, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn sau đám cưới không lâu. Theo bà Mai, ly hôn để lại những dấu ấn buồn cho đời sống sau này của các thành viên trong gia đình, nhất là các gia đình có con cái đang ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Bà Tuyết Mai
(trưởng Ban gia đình – xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ VN)

Vợ chồng anh Lương Văn Việt và chị Đỗ Thụy Minh (ngụ P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) mỗi khi ra đường thường có ba nhóc trai bên cạnh.

Cả anh Việt và chị Minh đều rất yêu trẻ con nên cả hai không sợ khổ cực khi nhà đông con. Vợ chồng anh chị mở tiệm kinh doanh tại nhà nên nhờ thế chị có điều kiện chăm sóc cũng như nuôi dạy con.

Chị Minh tâm sự trong gia đình chị là người đảm nhận hầu như mọi công việc tề gia nội trợ và phụ giúp anh tiếp khách khi cửa hàng kinh doanh đông khách. Anh là người làm ra tiền, chị giữ tiền. Nhưng không vì thế mà chị muốn làm gì thì làm, mọi việc chị luôn hỏi ý kiến anh trước, anh có đồng tình chị mới quyết.

Anh Việt ít nói, nhưng khi kết thúc công việc, chơi với con thì anh lại là người nói nhiều hơn chị. Anh chị tự nhận mình may mắn vì là bạn đời của nhau, luôn thấy hạnh phúc và bằng lòng với mái ấm mình đang có.

Chị có quan niệm hạnh phúc thuộc về mình cho tới ngày hôm qua nên có cách riêng để giữ hạnh phúc. Chị thường xuyên làm mới mình bằng cách chăm sóc chồng con, rủ cả nhà đi xem phim hay du lịch, vào bếp dạy con nấu ăn… Nhờ thế những mệt mỏi dường như tiêu tan khi chị nhận được lời khen ngợi từ chồng con.

Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều cách để giữ gìn tổ ấm luôn ấm bởi mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách “giữ lửa” của riêng mình. Song, cũng tiếc là nhiều cặp vợ chồng phải đứt gánh giữa đường bởi không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, một thực trạng buồn là số vụ ly hôn không ngừng tăng. Theo bà Tuyết Mai, trưởng Ban gia đình – xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, năm 2000 cả nước có 51.361 vụ ly hôn được toà án nhân dân các cấp xét xử. Năm 2005, con số này tăng lên trên 55.000 vụ. Năm 2010, ly hôn vẫn chiếm số lượng cao nhất trong các vụ việc được thụ lý, riêng tại Toà án nhân dân TP.HCM có trên 18.000 vụ, chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, tỉ lệ ly hôn của các đôi vợ chồng trẻ (độ tuổi 20-30) chiếm hơn 60% trong tổng số vụ ly hôn.

Là bạn trăm năm của nhau trước những thử thách của cuộc sống hẳn sẽ đòi hỏi mỗi người trong tổ ấm ấy phải biết vượt lên cả chính mình…