23/11/2024

Vì mỗi con người là một kiến tạo

Lần đầu tiên triển lãm ảnh chính thức về cuộc sống của những người sử dụng ma túy tại Việt Nam được tổ chức. Triển lãm mang tên Đối mặt với ma túy diễn ra từ ngày 20 đến 25-6 tại Hà Nội

Vì mỗi con người là một kiến tạo

Lần đầu tiên triển lãm ảnh chính thức về cuộc sống của những người sử dụng ma túy tại Việt Nam được tổ chức. Triển lãm mang tên Đối mặt với ma túy diễn ra từ ngày 20 đến 25-6 tại Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống ma túy 25-6.

Đằng sau các nhân vật trong ảnh là cả những câu chuyện dài.

“Cháu sống ở bến xe này được 3 năm rồi. Cháu không bao giờ ăn cắp, ai nhờ gì cháu cũng làm nên mọi người không đuổi cháu. Hằng ngày cháu hát rong trên các xe để xin tiền. Kiếm được tiền cháu phải để dành mua “thuốc” vì không chịu được. Cháu mong được uống Methadone lắm nhưng các anh chị bảo cháu không có hộ khẩu nên không được” (Nguyễn Văn Bi, 19 tuổi, bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng)

Bi kịch của Bi

Bi không phải là biệt danh, mà là tên thật của cậu bé bị nghiện hiện đang sống ở bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng. Nghiện ma túy đã là bi kịch, nhưng bi kịch của Bi là bi kịch cuộc đời.

Quê Bi ở Ninh Bình, mẹ mất từ nhỏ, cha bỏ đi lang thang. Một người họ hàng đưa Bi vào Nam nuôi cho ăn học. Đang học dở thì chị gái của Bi từ Hà Nội vào Nam bắt cậu bé ra Hà Nội cho dùng ma túy và bắt đi ăn xin. Cậu bé nghiện ma túy và bị đánh đập nên trốn khỏi nhà chị, lang thang khắp nơi và bây giờ hát rong kiếm tiền ở bến xe Niệm Nghĩa.

Không chỉ hát rong, bất kể ai thuê gì cậu bé cũng làm. Kiếm được tiền thì ăn một phần, còn phần lớn để mua thuốc. Bi kịch của Bi không chỉ là bị bỏ rơi, bị nghiện mà còn ở chỗ muốn cai nghiện cũng chẳng thể cai, muốn uống thuốc cũng không được cấp thuốc vì cậu không có hộ khẩu thường trú cố định tại Hải Phòng.

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh kể trong buổi khai mạc triển lãm ảnh chiều 20-6, anh mời khoảng 20 nhân vật (trong tổng số 50 nhân vật từ 11 tỉnh thành) tham dự. Bi rất muốn đến triển lãm để kể câu chuyện của mình, nhưng không thể đến được bởi cậu bé hiện vẫn đang sử dụng “thuốc”. Nếu lên Hà Nội, Bi phải mang “thuốc” đi theo, đó là điều quá mạo hiểm!

“Em “lậm” quá rồi! Đi bán vé số mà lắm lúc mệt quá đi không nổi. Trước sau rồi em cũng chết, còn sống ngày nào thì cố chịu đựng. Nhà chẳng có nhưng thấy em nằm đó vật vã không chịu được nên mọi người đành phải cho em vài chục cho đỡ. Em muốn mọi người thấy em thế này mà tránh xa ma túy” (Nguyễn Ngọc Giàu, 24 tuổi, TP Cần Thơ)

Trả nghĩa cuộc đời

Phượng (29 tuổi, đã đổi tên) trẻ và rất xinh, hiện đang tham gia một nhóm tự lực giúp đỡ những người cai và chưa cai nghiện. Tuy nhiên, Phượng có hoàn cảnh khá đặc biệt khi cô từng là diễn viên của một đoàn ca múa chuyên nghiệp khá nổi tiếng. 20 tuổi, xinh đẹp, lại là ca sĩ nên các anh chị lớn tuổi xui: là nghệ sĩ thì phải chơi thuốc chứ. Phượng thử, dù không tìm được cảm giác thăng hoa trong thuốc nhưng vẫn bị nghiện.

Mặc cảm, tội lỗi, Phượng đi cai thành công. Trẻ trung, nhan sắc lại có giọng hát tốt, khi còn ở trại Phượng là nhân tố tích cực trong các hoạt động văn nghệ hay tuyên truyền. Ra trại, cô tham gia làm công việc tuyên truyền về tác hại ma túy và động viên giúp đỡ những người nghiện đi cai và người sau cai tự tin hơn trong cuộc sống.

Trả nghĩa cuộc đời, nhưng Phượng không muốn công khai danh tánh và nơi làm việc lên báo bởi cô còn lại cả quãng đường dài. Cô muốn làm lại cuộc sống của mình khi đã vượt qua những lầm lạc.

class=lImage onclick=”return showImage(this.src)” border=1 hyperlink=”” v_shapes=”_x0000_i1027″>

“Thấy mình tự cai được tụi bạn cứ nhờ giúp. Lâu dần bây giờ anh em ở các tỉnh khác cũng về đây chui vào cái lồng này cắt cơn, sau đó ở lại ổn định rồi về. Mấy năm rồi không nhớ bao nhiêu trường hợp nữa, chắc khoảng vài trăm. Riêng năm vừa rồi khoảng 80 lượt. Có lúc nhà mình có đến hai chục chú ăn ở” (Nguyễn Xuân Cường, 39 tuổi, TP Thái Nguyên)

300 người và Cát Trắng

Thành lập từ tháng 5-2009 với năm thành viên sáng lập, đến nay số lượng thành viên đã lên đến 300 người, Cát Trắng (đóng tại địa bàn quận Long Biên, Hà Nội) là nơi sinh hoạt, trao đổi làm giảm thiểu những tác hại của ma túy mang lại dành cho những người từng sử dụng ma túy.

Sau hai năm hoạt động, có gần 30 người được nhóm giúp đỡ cai nghiện thành công, 40 người được hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc làm việc tại xưởng sắt của nhóm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay nhóm có ít cơ hội tìm việc làm dành cho người nghiện hơn vì cộng đồng kỳ thị…

Đó chỉ là ba trong số gần 50 câu chuyện liên quan đến ma túy mà nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh kể trong triển lãm Đối mặt với ma túy. Sau thời gian chụp, ăn, ở, sống cùng người nghiện trải dài trên 11 tỉnh thành của cả nước, Phạm Hoài Thanh kể lại câu chuyện bằng ảnh.

 Câu chuyện ấy cũng là một đúc kết mà anh chia sẻ: “Vì sự tuyên truyền và hệ thống giáo dục khiến mỗi cá nhân khi nghiện hoặc chẳng may bị nghiện đều cảm thấy mình có lỗi, sau khi thoát ra khỏi ma túy thì luôn nhận mình có tội. Tôi cho rằng mỗi cá nhân con người là một kiến tạo của xã hội, có rất nhiều người không may mắn dính vào tệ nạn”.

‘ class=lImage onclick=”return showImage(this.src)” border=1 hyperlink=”” v_shapes=”_x0000_i1028″>

“Năm 2003, em đi Trung tâm Giáo dục lao động số 2 – Nghệ An. Ở đó đi chặt tre, làm mây tre đan, trồng rau… Mỗi ngày đan 10 tấm cót 1,2x2m. Em nghĩ cũng là con người như ai, nhưng vì ma túy mà mình khổ. Em quyết tâm cai” (Phan Văn Kiên, 35 tuổi, Nghệ An)

 

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh – Ảnh: Hồng Thái

Chỉ có sự hiểu biết, bao dung và tình yêu thương…

Mỗi con người sống trên đời là một sản phẩm của tình yêu, của sự mong chờ, của bao mồ hôi và cả nước mắt của mẹ cha, của những người thân yêu. Ma túy đang cướp đi bao nhiêu con người như vậy và chỉ có sự hiểu biết, sự bao dung và tình yêu thương con người mới có thể mang những người này trở về với cuộc sống.

Đó là những lời trong đoạn kết của nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh – tác giả cuốn sách ảnh Đối mặt với ma túy (NXB Văn Hoá – Thông Tin) vừa ra mắt ở triển lãm ảnh cùng tên tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh đã dành hơn một năm để thực hiện cuộc triển lãm ảnh đầu tiên về cuộc sống của những người nghiện ma túy, gồm 50 người đã và đang sử dụng ma túy ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước: Điện Biên, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, TP.HCM, Cần Thơ…

Bộ ảnh được chia thành bốn chủ đề, thể hiện các giai đoạn khác nhau của cuộc đời một người nghiện ma túy. Bằng hình thức đối thoại, Hoài Thanh đã để các nhân vật trong ảnh kể về những vấn đề họ phải đương đầu và những đóng góp của chính họ vào công cuộc phòng chống, giảm thiểu tác hại của ma túy.

Triển lãm do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (một tổ chức phi chính phủ hoạt động phi lợi nhuận dưới sự quản lý của Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức cùng tác giả.

HOÀI LINH