Những người đàn bà thép

Làm ra một mẻ than thành phẩm là một sự cố gắng đến phi thường của những nữ công nhân. Sau khi than được “lộ thiên”, công đoạn vận chuyển than từ bãi đến máy nghiền được coi là cực nhọc và nguy hiểm nhất

Những người đàn bà thép

Những bước chân nặng nề, chậm chạp bởi những thúng than như đang cố đè đôi chân người thợ xuống lớp than bụi dày đặc. Những khuôn mặt héo hon và nhem nhuốc vì nắng, gió và bụi than đen sì của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Gần một tuần được sống và quan sát những nữ phu than tại công trường than 2 vỉa Trụ Đông khu KNS (mỏ than Hà Tu, Quảng Ninh) đã cho tôi, một thanh niên mới bước vào đời, hiểu được thế nào là giá trị của sức lao động và nỗi nhọc nhằn của những người phụ nữ làm than.

Theo chân những chuyến xe tải đi ăn than, tôi đã đến công trường than 2, nơi được mệnh danh là “công trường của những người đàn bà thép”. Nằm vắt vẻo lưng chừng núi, công trường than 2 bao gồm bốn tổ sản xuất, mỗi tổ khoảng chục người, trong đó lao động nữ chiếm tới 2/3. Khác với các công trường khác tại mỏ than Hà Tu, do vỉa than này có trữ lượng không lớn lại lẫn nhiều tạp chất, chất lượng than không đồng đều nên để đảm bảo việc phân loại, tách biệt than hiệu quả và thuận lợi, các công nhân phải sử dụng công cụ lao động thô sơ như cuốc, xẻng để khai thác.

Làm ra một mẻ than thành phẩm là một sự cố gắng đến phi thường của những nữ công nhân. Sau khi than được “lộ thiên”, công đoạn vận chuyển than từ bãi đến máy nghiền được coi là cực nhọc và nguy hiểm nhất. Do phễu của máy nghiền nằm trên cao nên các công nhân phải dùng đầu đội những thúng than nặng trịch để chuyển đến. Đây là công việc không chỉ đòi hỏi sức khoẻ tốt mà người vác than phải thật sự khéo léo bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, chân trụ không vững, thúng than bị nghiêng… có thể làm tổn thương xương cổ, nặng hơn có thể dẫn đến liệt toàn thân.

Tính trung bình lương của các chị tầm 4-5 triệu đồng/tháng. Đây là một số tiền không quá lớn khi đem so sánh với những nỗi nhọc nhằn và hiểm nguy mà họ thường xuyên chịu đựng.

Toàn cảnh vỉa Trụ Đông khu KNS mỏ than Hà Tu, Quảng Ninh, diện tích khai thác thủ công của công trường than 2 khoảng 2ha

 

Bữa cơm trưa trước khi ra về, mỗi suất cơm giá 17.000 đồng được mỏ than chi trả

 

Chị Phạm Thị Hoa, 35 tuổi, công nhân tổ 7, đổ thúng than quặng vào máy nghiền làm than cám để xuất khẩu

 

 Do phải làm việc trong môi trường độc hại và nặng nhọc nên mỗi ca làm việc, các công nhân tại đây đều được hưởng “phiếu báo ăn độc hại”

 

Với trọng lượng trung bình mỗi thúng than 25kg, một “nữ phu than” trong ca làm việc của mình (kéo dài tám giờ) thường đội trên đầu tới 200 thúng, tương đương 5 tấn than

 

Chống lại thời tiết nắng nóng mùa hè ở mỏ, chị em phân công nhau chuẩn bị những xô nước chanh đá để uống những lúc mệt mỏi

 

Với công việc “làm bằng tay, quay bằng sườn” nên trải qua một thời gian, những đôi bàn tay của chị em phu than trở nên thô tháp và cứng cáp như nam giới

 

Những câu chuyện gia đình, giá cả thị trường tăng cao vẫn luôn là đề tài nóng trong những phút nghỉ giải lao

 

Ngay sát dây chuyền sản xuất, đường dây điện 380V lộ thiên là mối hiểm nguy khôn lường với nữ công nhân lao động