14/11/2024

Dăm gỗ, quặng sắt chảy sang Trung Quốc

Tình trạng “chảy máu” khoáng sản, nguyên liệu thô đang dần dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và phải nhập khẩu trong tương lai

  “Chảy máu” nguyên liệu thô – Kỳ 1:

Dăm gỗ, quặng sắt chảy sang Trung Quốc

Rất nhiều mặt hàng thuộc nhóm quặng, khoáng sản và nguyên liệu thô đang được xuất khẩu ồ ạt, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các loại nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.

Tình trạng “chảy máu” khoáng sản, nguyên liệu thô đang dần dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và phải nhập khẩu trong tương lai.

Sẵn sàng hạ giá để tranh bán

Điều tiết bằng chính sách thuế

Để hạn chế tình trạng xuất thô nguyên liệu, Bộ Tài chính vừa xin ý kiến Thủ tướng về việc tăng thuế xuất khẩu gỗ lên mức tối đa 20% vì đang có hiện tượng Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ tràm, cao su từ VN. Liên quan đến quặng sắt xuất khẩu, VSA đã kiến nghị lên Bộ Tài chính cần có các biện pháp hữu hiệu chống lại việc buôn lậu quặng sắt qua biên giới.

Bộ Tài chính đã nâng thuế xuất khẩu quặng sắt lên 40%, mức kịch trần đối với nguồn tài nguyên khai thác thô, áp dụng từ ngày 2-7 tới.

Một phụ trách bán hàng một công ty cổ phần chuyên xuất khẩu dăm gỗ tràm, bạch đàn, keo, thông (trụ sở tại Hà Nội) cho biết nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ của thị trường Trung Quốc đang rất lớn. Thông qua cảng Hải Phòng và cảng Quy Nhơn (Bình Định), hiện mỗi tháng đơn vị này xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 200.000 tấn, giá chỉ khoảng 104 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, mặt hàng này được xuất chủ yếu qua khu vực cảng Hải Phòng và dọc các cảng miền Trung. Tại rất nhiều cảng ở khu vực miền Trung như Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế)… thường xuyên có các tàu hàng rời cập cảng chỉ để vận chuyển dăm gỗ đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Giám đốc một bến cảng ở Quảng Nam cho biết nếu trong những năm tới, Nhà nước hạn chế xuất khẩu dăm gỗ thì cảng này sẽ không có việc để làm! Còn tại hệ thống cảng khu vực Dung Quất (Quảng Ngãi), trong năm 2010 có khoảng 1,2 triệu tấn dăm gỗ tươi được xuất khẩu. Nếu tính trên quy mô cả nước, theo Tổng cục Hải quan, năm 2009 giá trị xuất khẩu dăm gỗ lên tới 237,8 triệu USD. Lượng dăm gỗ khô xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn, tương đương 4,3 triệu m3 gỗ tròn.

Giá dăm gỗ xuất khẩu hiện nay dao động ở mức 105-120 USD/tấn. Tuy nhiên, do có cả trăm nhà máy chuyên làm dăm gỗ xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá xuất khẩu để giành khách.

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), với tốc độ xuất khẩu dăm gỗ như trên, dự báo đến năm 2020 VN sẽ xuất khẩu vượt 5 triệu tấn dăm khô/năm (tức vượt 10 triệu m3 gỗ tròn/năm).

Xuất thô, nhập tinh

Việc xuất khẩu ồ ạt dăm gỗ không chỉ ảnh hưởng đến tổng cầu nguyên liệu gỗ trong tương lai mà còn dẫn đến tình trạng “xuất thô, nhập tinh”. Cụ thể, hiện các nhà máy giấy trong nước đang phải nhập khẩu nguyên liệu bột giấy với giá cao gấp 9-10 lần giá dăm xuất đi. Ông Vũ Ngọc Bảo, tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, cho biết ngành sản xuất bột giấy cần phải đầu tư rất lớn mới có hiệu quả kinh tế và giải quyết được bài toán môi trường. Nếu làm quy mô nhỏ thì hiệu quả kinh tế thấp và gây ô nhiễm.

“Một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy cần ít nhất 150 triệu USD trở lên. Đây là số vốn cực lớn nên số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đếm không quá một bàn tay!” – ông Bảo nói.

Theo ước tính của ông Bảo, phải đến năm 2013-2015 mới có khoảng ba dự án sản xuất bột giấy đi vào hoạt động với công suất sản xuất dưới 1 triệu tấn/năm. Số lượng nhà máy này không đủ sức tiêu thụ hết một lượng nguyên liệu dăm gỗ khổng lồ sản xuất ra hằng năm. Cũng vì thế, VN trở thành quốc gia xuất khẩu dăm gỗ làm bột giấy lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Úc.

Điều đáng nói là trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ của VN sang hai thị trường Trung Quốc và Nhật chỉ khoảng 110-120 USD/tấn thì giá nhập bột giấy lại ở mức trung bình 900-1.000 USD/tấn. “Mức chênh lệch gấp gần 10 lần thật đáng suy nghĩ” – ông Bảo thừa nhận. Theo ông Bảo, đây là ví dụ rõ nét về thực trạng “xuất thô, nhập tinh” mà ngành giấy đã lên tiếng từ hàng chục năm qua.

 

Số liệu thống kê xuất khẩu quặng và khoáng sản - Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương – Đồ hoạ: Vĩ Cường

Ồ ạt xuất quặng sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết từ hai năm gần đây VSA liên tục có các công văn gửi đến nhiều tỉnh, thành phố, địa phương và các bộ ngành liên quan về việc thăm dò xác định trữ lượng quặng sắt ở các địa phương có mỏ. Lý do hiện có quá nhiều dự án lò cao được xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng công suất luyện gang lên đến 1,8 triệu tấn/năm.

“Đây là chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Công thương khuyến khích ngành thép đầu tư vào thượng nguồn, tức sản xuất gang từ quặng sắt nấu luyện ở lò cao, luyện thép và cán thép” – ông Nghi nói.

Nhu cầu cần quặng sắt cung cấp cho các dự án nói trên rất lớn. “Nhưng thực tế trữ lượng quặng sắt của VN chỉ có hạn, lại đang bị khai thác rất manh mún hết sức nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và nhanh chóng làm cạn kiệt tài nguyên” – ông Nghi nhận định.

 Đã có không ít doanh nghiệp quyết định xây dựng lò cao với hi vọng sẽ thu mua được quặng sắt ở các địa phương khác, sau đó vận chuyển tới nơi xây dựng nhà máy, nhưng thực tế đã không thực hiện được: lò cao xây dựng xong đã không đủ quặng buộc phải dừng sản xuất gây lãng phí lớn.

“Nhiều địa phương đã có lúc ngăn cản không cho vận chuyển quặng ra khỏi địa phương, trong khi đó việc xuất khẩu quặng qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, với mức độ ngày càng tăng” – ông Nghi nhấn mạnh.

Theo ước tính của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 5-2011, xuất khẩu quặng và một số loại khoáng sản đã lên đến 995.000 tấn, trị giá khoảng 66 triệu USD, tăng 237.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đang là thị trường “hút” quặng và các loại khoáng sản lớn nhất của VN.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc đã lên tới trên 733.000 tấn. Trong năm 2010, lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới trên 1.399.800 tấn.

Ông Nghi cho rằng việc xuất khẩu quặng sắt diễn ra ồ ạt trong thời gian qua xuất phát từ việc doanh nghiệp luyện gang thép với doanh nghiệp khai thác quặng “không tìm được tiếng nói chung” vì “người khai thác được quặng chỉ muốn xuất khẩu do nhận được giá chào mời rất hấp dẫn, trong khi người muốn mua lại không thể mua giá cao như bên bán đề xuất vì tính toán hiệu quả kinh tế không có lợi”.