Chính sách của Việt Nam là hoà bình và tự vệ

“Các quốc gia trong khu vực cần tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các quy định quốc tế để đảm bảo an ninh biển Đông”

 Chính sách của Việt Nam là hoà bình và tự vệ

 “Các quốc gia trong khu vực cần tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các quy định quốc tế để đảm bảo an ninh biển Đông”. Đó không chỉ là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam mà còn là của bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Malaysia, trong phiên thảo luận ngày 5-6 tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore về chủ đề “Đối phó với những thách thức mới về an ninh biển”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại đối thoại  Shangri-La ngày 5-6  – Ảnh: AFP

 

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế John Chipman, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Zahid Hamidi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La, Singapore ngày 5-6 – Ảnh: AFP

Theo đại tướng Phùng Quang Thanh, tình hình biển Đông nhìn chung vẫn ổn định nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển. “Gần đây nhất là vụ ngày 26-5-2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam” – đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.

Theo ông, vụ việc này gây lo ngại đến việc duy trì hoà bình, ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hoà bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn”.

Ông nói tiếp: “Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hoà bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển”.

Phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển

“Trước hết, các quốc gia cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) – đại tướng Phùng Quang Thanh nói – Trong khu vực Đông Nam Á, các nước cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), tiến tới việc ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, các bên cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng các quốc gia khu vực cần củng cố cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước.

Theo ông, các nước cần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ.

Những hành vi gây lo ngại

Tiếp theo phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho rằng các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với một số thách thức từ những quốc gia khác.

“Trong một số trường hợp, các thách thức này là kết quả những hành vi của một số quốc gia khiến các quốc gia khác, như Philippines chẳng hạn, phải lo ngại” – ông Gazmin khẳng định.

Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, song ông Gazmin nhấn mạnh những hành vi này gây ra sự bất ổn không cần thiết, không chỉ cho chính quyền mà đáng lo ngại hơn là cho cả các công dân bình thường dựa vào môi trường biển để sinh sống.

Dẫn chứng trường hợp gần đây tàu hải quân của một quốc gia tiến quá gần tới những tàu dân sự đang thực hiện các hoạt động thăm dò tài nguyên, ông Gazmin nêu rõ: “Sự bất ổn còn là hậu quả của việc tàu nước ngoài cảnh cáo các ngư dân bình thường, buộc họ phải rời khu vực đánh bắt cá”.

Trước đó, Philippines đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc đưa tàu chiến quấy nhiễu và gây hấn với tàu khảo sát dầu khí của Philippines trên biển Đông. Chính quyền Manila phản đối việc máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm không phận gần Philippines, cũng như việc chính quyền Bắc Kinh rầm rộ triển khai các dự án dầu khí trên biển Đông.

Theo Bộ trưởng Gazmin, để tránh các thách thức tương tự, lực lượng vũ trang các nước cần kiềm chế, không thực hiện các hành vi xâm phạm hoà bình và an ninh hàng hải khu vực. Ông nhấn mạnh lực lượng an ninh các nước cần đối thoại, chia sẻ thông tin, hợp tác để đảm bảo hoà bình, ổn định.

Các biện pháp xây dựng lòng tin

Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhấn mạnh các quốc gia tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần tuân thủ UNCLOS và cần giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Bộ trưởng Hamidi khẳng định DOC đã giúp giảm căng thẳng trên biển Đông, nhưng DOC cần được hỗ trợ bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.

Bộ trưởng Hamidi gợi ý các biện pháp xây dựng lòng tin: thứ nhất là tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về biển Đông. “Chúng ta càng dành nhiều thời gian cho thảo luận thì càng ít có thời gian để đụng độ” – ông khẳng định. Thứ hai là huấn luyện và diễn tập ở các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, chống cướp biển, tìm kiếm và giải cứu. Thứ ba là tăng cường trao đổi, thăm hỏi.

Bộ trưởng Hamidi cho biết Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã đề xuất thành lập một nhóm công tác để lên kế hoạch thực hiện các hoạt động này và “đây là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình đảm bảo an ninh hàng hải khu vực”.


Món cược 100 USD của ông Robert Gates

Ông Robert Gates, trong lần hiện diện cuối cùng tại Đối thoại Shangri-La với tư cách bộ trưởng quốc phòng Mỹ trước khi chính thức thôi chức vào ngày 1-7, đã hứa với các đồng minh châu Á của Washington là Mỹ sẽ giữ các cam kết hiện diện của mình. Cam kết của Mỹ ở châu Á sẽ nhiều hơn việc “đặt chân lên đất” – ông Gates nhấn mạnh.

“Mỹ sẽ tiếp tục chi tiền vào nơi nào cần” dù có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ vì tiền cho quốc phòng sẽ ít đi, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh cắt hàng tỉ USD chi phí quốc phòng của Mỹ.

“Tôi cá 100 USD để đánh cược là trong năm năm tới ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực ít nhất là mạnh như hiện nay, hoặc hơn hiện nay” – ông nói. Tuy nhiên, số tiền quá nhỏ này không hề làm giảm sự nghi ngờ của các nước Đông Nam Á, theo bình luận của báo Politico.

Ông Gates tuyên bố Mỹ vẫn lo ngại về các dự án nghiên cứu quân sự của Trung Quốc, trong đó có tên lửa chống tàu và máy bay chiến đấu do thám.

H.N.

Trung Quốc “cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên biển Đông”

Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khẳng định: “Trung Quốc cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên biển Đông”.

Ông Lương Quang Liệt cho rằng tình hình biển Đông vẫn ổn định và Trung Quốc vẫn duy trì đối thoại với các nước trong khu vực. Ông khẳng định Trung Quốc không có tham vọng bá quyền và đe dọa các quốc gia khác.

Theo ông, Trung Quốc quyết tâm theo đuổi phát triển hoà bình, thực hiện chính sách quốc phòng theo hướng bảo vệ đất nước và “áp dụng chính sách xây dựng quan hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng”. Tuy nhiên, ông Lương Quang Liệt lại nhắc tới “lợi ích cốt lõi”, dù không ghép chung cụm từ này với biển Đông, khi kêu gọi các nước “tôn trọng lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn của nhau”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng yêu cầu các nước “không nên hình thành liên minh chống lại một nước thứ ba”.

Dư luận từ các thành viên tham gia diễn đàn thảo luận Shangri-La cho rằng Trung Quốc đang tìm cách trấn an các nước láng giềng. Những hành động vừa qua của Trung Quốc cho thấy giữa nói chưa đi đôi với làm…

Một thành viên tham gia diễn đàn thảo luận này từ Nhật Bản nêu câu hỏi: “Rất cảm ơn ông bộ trưởng đã cung cấp một bức tranh cập nhật về những gì đang diễn ra đối với tình hình quân sự và đường hướng của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nhưng tôi e rằng có một khoảng cách lớn từ những gì ông nói tới những việc đang thật sự diễn ra ở khu vực (thành viên này nhắc tới việc Trung Quốc phát triển các vũ khí hiện đại và có tàu sân bay). Trung Quốc và Nhật Bản đều thống nhất giải quyết bất đồng về việc khai thác dầu khí ở Nam Hải (biển Đông) thông qua hợp tác. Nhưng những gì xảy ra gần đây cho thấy đây là hành động đơn phương của Trung Quốc…”.

Ông Lương Quang Liệt trả lời: “Khoảng cách giữa lời nói và việc làm mà ông nói đến thì tôi e rằng tôi không thể đồng ý 100%… Về việc khai thác dầu khí ở biển Đông, tôi không là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Với sự kiện diễn ra gần đây, tôi cho rằng chính phủ hai nước đều có thể đề cập và giải quyết phù hợp thông qua đàm phán. Ông phải tin, cá nhân tôi tin hai chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này phù hợp…”.

Sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, nhiều câu hỏi tương tự được nêu ra, mà như người chủ trì diễn đàn thảo luận đã đưa ra một so sánh: trong 14 câu hỏi đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sau bài phát biểu của ông, có tới 11 câu liên quan tới Trung Quốc, còn các câu hỏi dành cho ông Liệt “chắc chắn nhiều hơn con số 14”.

SƠN HÀ – HẠNH NGUYÊN