23/11/2024

Mẹ “máy móc” ru con

Giữa cuộc sống hối hả nơi đô thị, càng ngày người ta càng hay bắt gặp âm thanh hát ru con của một ca sĩ chuyên nghiệp vang lên từ CD Hát ru

Mẹ “máy móc” ru con

Giữa cuộc sống hối hả nơi đô thị, càng ngày người ta càng hay bắt gặp âm thanh hát ru con của một ca sĩ chuyên nghiệp vang lên từ CD Hát ru.

Suy nghĩ bật nhạc hát ru cho con nghe (thay thế hoàn toàn lời mẹ ru) cũng dần ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít bậc cha mẹ “thời đại số”.

Bận rộn?

Chị Nguyễn Thị Nghĩa, 27 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, vào Sài Gòn làm việc sáu năm nay, trừ khoảng thời gian nghỉ sinh em bé, chị đều làm từ 6g-21g. Trở về nhà lúc 21g, bé Tố Uyên, con gái chị tròn 2 tuổi, đã lăn ra ngủ tự lúc nào, chẳng cần chờ nghe mẹ hát ru. Thế là thành nếp, 5g chiều tan sở chồng chị đón con từ nhà trẻ về, cho bé ăn, uống sữa rồi để bé tự chơi. Bé chơi chán khi nào mệt sẽ tự lăn ra ngủ.

Chị Nghĩa tâm sự: “Cũng chẳng có thời gian để ý đến việc hát ru con ngủ, vả lại mình cũng không biết hát ru. Chồng mình chỉ biết dỗ dành và thỉnh thoảng mới nựng cho bé ngủ. Hai năm nay chẳng cần hát ru bé vẫn ngủ đấy thôi”!

“Mẹ thương con có hay chăng Thương từ khi thai nghén trong lòng”

(Mẹ yêu con - 
Nguyễn Văn Tý)

Một người mẹ khác, chị Nguyễn Thị Thương, chuyên viên phòng nhân sự công ty dược, than thở: “Làm gì có thời gian hát ru con cơ chứ”. Mẹ làm hành chính cả ngày, bố làm cảnh sát cơ động đi sớm về khuya, cậu con trai đầu lòng của chị Thương, bé Phước Thành, mới sang tuổi thứ 3 rất hiếm khi nghe mẹ hát ru. Chị Thương cho biết bên cạnh lý do bận rộn, chị hát không hay và chẳng thuộc bài hát ru nào hoàn chỉnh để ru con.

“Chẳng khó gì để người ta tìm ra những đĩa hát ru. Hoặc đơn giản hơn chỉ cần một chiếc điện thoại tích hợp khả năng nghe nhạc, tải vài bài hát ru trên mạng về, thế là chẳng cần phải mất công hát ru con” – chị Vũ Thị Hương, công nhân Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM), nói. Bé Anh Thư, con gái chị, từ nhỏ chỉ cần mở nhạc lên là đã có thể ngủ. Lúc thì Con cò bé bé, khi thì vài bài hát ru “ầu ơ ầu ơ” qua điện thoại mà anh Quân, chồng chị, tải về.

Hát có tình…

Một phần vì biết những tác động hữu ích từ lời ru, phần vì muốn gần gũi và bày tỏ tình yêu thương với cậu con trai đầu mới 6 tháng tuổi, chị Hồ Thị Tâm, nhân viên tạp vụ một trường THCS ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, chẳng ngày nào bỏ qua việc hát ru con. Sáng 7g đi làm thì 5g chị đã dậy chuẩn bị đồ ăn giặm cho bé, cho bé ăn xong lại hát ru bé ngủ rồi mới đi làm. Chiều 4g thấy mẹ về, con trai chị đã bám mẹ chẳng chịu rời.

Chị bảo hát ru giúp chị gần gũi bé hơn. Cảm giác nhìn bé chìm vào giấc ngủ ngay trên tay mẹ bồng và yên giấc trong lời ru của mẹ khiến chị thấy an tâm. Ban ngày chị đi làm, mọi việc chăm nom con đều nhờ vào một tay bà nội. “Bà nội cũng hay hát ru cháu lắm. Mình cũng chẳng nghĩ là hát ru thì phải hay, phải mượt mà như ca sĩ đâu. Chỉ cần mộc mạc nhưng chân thành cũng đủ để con cảm nhận được tình yêu thương” – chị Tâm chia sẻ.

Còn chị Bích Linh, nhân viên truyền thông, lại bộc bạch: “Hồi chưa sinh con tôi cũng tải trên Internet về mấy bài hát ru hay, mua nhiều đĩa nhạc hòa tấu hay vì cho rằng mình hát dở, sợ làm hỏng khả năng thẩm âm của con sau này. Nhưng khi sinh con rồi mới thấy được ẵm con, hát ru cho con và nhìn con ngủ là hạnh phúc biết bao. Có thể mẹ hát không hay, nhưng những cảm xúc mẹ gửi qua lời ru thì không gì sánh được, vì thế tôi đã tự tin hát ru con”…

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phòng tư vấn tâm lý gia đình & trẻ em, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Những người mẹ viện lý do không có giọng ca hay nên thường xuyên bật nhạc ru con có thể do không có nhiều thì giờ dành cho con. Cũng có thể họ rất quan tâm đến con nhưng không biết giá trị các biện pháp tương giao với con, và lời ru của mẹ là một trong những công cụ hữu ích… Qua âm điệu trầm bổng và đặc biệt là mối tương giao yêu thương người mẹ thể hiện, trẻ sẽ cảm nhận được một cảm giác an toàn trong nội tâm”.

“Tuy vậy, lời ru chỉ là một trong những công cụ hữu ích cho mối quan hệ mẹ con, có thể thiếu vắng ít nhiều nếu người mẹ vẫn biết cách quan tâm đến con bằng các hoạt động khác như cho con bú, ôm ấp, trò chuyện. Vấn đề ở đây không phải là hát hay mà hát ru là “hát có tình”. Bởi tiếng ru không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ mà khi người mẹ cất tiếng ru con cũng là tự nâng tâm hồn mình lên”, chuyên gia Lê Khanh kết luận.

Việc người mẹ thường xuyên nựng nịu con, ru con cũng có thể khiến trẻ khi ở giai đoạn 3, 4 tuổi (giai đoạn cần tách khỏi mẹ để lớn lên về mặt tâm lý) dễ có sự trì trệ về phát triển: trẻ không muốn lớn, bám mẹ, nhõng nhẽo, đòi hỏi sự chăm sóc thường xuyên. Nhiều người vin vào lý do này rồi “đổ tội” lời ru sẽ làm cho trẻ trở nên yếu đuối, thiếu can đảm… Thật ra, trẻ chỉ có tính ỷ lại và ích kỷ nếu được chăm sóc, ấp ủ quá nhiều.