23/11/2024

Phải ngăn chặn sự xâm lấn biển Đông

Việt Nam cần có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu VN là một quốc gia mạnh vì đảo, giàu vì biển

Phải ngăn chặn sự xâm lấn biển Đông

Từng nhiều lần đặt chân đến Trường Sa để nghiên cứu về tài nguyên biển, TS Dư Văn Toán – Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên – môi trường) – cho rằng chúng ta cần có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu VN là một quốc gia mạnh vì đảo, giàu vì biển.

* Ông từng đề xuất tăng gấp 10 lần diện tích các khu vực biển cần được bảo vệ bảo tồn?

– Chúng tôi đề xuất Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật đồng bộ về bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Một tổ chức cấp quốc gia thống nhất để quản lý và quy hoạch các khu bảo tồn – bảo vệ tài nguyên môi trường biển cần được thành lập. Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh việc mở rộng diện tích các khu biển của VN được bảo vệ, bảo tồn ít nhất lên 2% chứ không chỉ 0,2% như hiện nay, trong đó cập nhật bổ sung và đa dạng hoá các phương pháp tiếp cận mới như xây dựng “công viên biển”, “di sản biển”, “kỳ quan biển”, “vùng biển nhạy cảm cao”, “khu bảo tồn cá heo”, “khu bảo tồn san hô”, “khu cỏ biển”…

* Việc mở rộng vùng biển được bảo vệ có ý nghĩa thế nào với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển – đảo VN?

– Những vùng được bảo vệ hiện nay rất nhỏ, gần các đảo, gần bờ và chỉ là những vùng lõi. Đây là những vùng cấm hoặc hạn chế khai thác nhằm bảo tồn tài nguyên và sự đa dạng sinh học biển. Việc mở rộng các vùng đệm với các quy định cụ thể về giới hạn khai thác sẽ giúp chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên theo hướng lâu dài, bền vững, vừa mang lại nguồn lợi cho ngân sách, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân. Ngoài việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản, khoáng sản biển, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển du lịch, sinh thái và đa dạng hoá các hoạt động trên biển.

Các khu vực được bảo vệ một khi đã công bố sẽ mang tính quốc tế rộng rãi, sẽ được ghi trong danh mục các khu vực bảo tồn thiên nhiên thế giới và mọi hoạt động trên vùng biển đó đều phải thực hiện theo quy tắc chung. Chẳng hạn, tổ chức hàng hải quốc tế sẽ đánh dấu trên hải đồ là khu vực hạn chế hàng hải, khi đó các tàu bè đi trên đó phải chấp nhận quy tắc giao thông quốc tế chịu sự kiểm soát, giám sát của quốc gia có chủ quyền. Trên những vùng biển đó, Nhà nước sẽ dùng các công cụ giám sát và quản lý việc khai thác, người dân sẽ phải tuân thủ các quy định về việc khai thác và được bảo vệ bởi các lực lượng của Nhà nước. Đây cũng là cơ sở để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền biển – đảo.

* Để tăng diện tích vùng biển được bảo vệ, chúng ta cần thêm những điều kiện gì?

– Trước hết phải tạo điều kiện để các nhà chuyên môn nghiên cứu, khảo sát về các vùng biển của mình, củng cố cứ liệu khoa học nhằm thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, công bố các dữ liệu, tiêu chí theo đúng quy định quốc tế. Cạnh đó, để kiểm soát được các vùng biển rộng hơn cần có lực lượng chuyên trách trên biển. Mỗi khu vực rộng hàng trăm kilômet vuông như vậy cần có các tàu bảo vệ, tàu giám sát…

Tôi ủng hộ thành lập hệ thống chuyên trách các tàu kiểm ngư hiện đại. Nên đầu tư khoảng 30 tàu công suất lớn, vì chúng ta có đường bờ biển trên 3.000km, mỗi 100km phải có một tàu trực, để kiểm soát toàn bộ khu vực biển này. Nếu vận tốc tàu là 50km/giờ thì trong vòng một giờ các tàu kiểm ngư đó sẽ hỗ trợ được cho ngư dân, ứng phó các tình huống xảy ra trên biển. Lực lượng chuyên trách đó sẽ kiểm soát và giám sát các hoạt động trên biển tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về khai thác, đi lại trên biển, ngăn chặn sự xâm hại các vùng biển được bảo vệ.

Tôi cũng mong Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân như phương tiện liên lạc, thông báo. Nhất là sự liên lạc giữa hải quân và ngư dân, định hướng cho ngư dân hoạt động an toàn trên các vùng biển và kịp thời ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp.

Tôi cũng chờ đợi một hành lang pháp lý vừa mạnh mẽ, vừa cụ thể cho biển đảo VN.

* Ông chờ đợi sự ra đời của Luật biển VN?

– Những người nghiên cứu như tôi sẽ xác định được các vùng đặc thù riêng và giá trị của từng vùng. Từ đó mới đưa ra được các đề xuất để khai thác, bảo vệ, phát triển… có hệ thống và mang tính khoa học. Khi đó chúng ta vừa có thể tăng thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế biển vừa có điều kiện để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân tốt hơn. Chẳng hạn nhiều nước quy định rõ các vùng biển phải đấu giá khai thác, bán quyền khai thác cá và trên các vùng biển đó Nhà nước bảo vệ những tổ chức, cá nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép đánh bắt, khai thác hải sản.